[Phần 1] Sức ép trong và ngoài nước đè lên thép Việt Nam
Thép Việt trong vòng xoáy kiện tụng toàn cầu |
Một tháng 8 vụ kiện
Về mặt thách thức, dường như những vụ điều tra chống lẩn tránh và chống bán phá giá liên tiếp từ đầu năm, lệnh thuế nhập khẩu cao ngất ngưởng từ Mỹ và chiến tranh thương mại là lực cản lớn nhất đối với ngành.
Sức ép trong và ngoài nước đè nặng lên thép Việt Nam |
Tại Hội thảo Thực trạng và thách thức của ngành thép Việt Nam trong bối cảnh các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ông Lương Kim Thành - Cục Phòng vệ thương mại cho biết, tính đến ngày 31/8, có 128 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Trong 128 vụ điều tra, khởi kiện thì có tới đến 85% liên quan đến ngành thép. Tổng cộng có 11 thị trường đã khởi kiện Việt Nam như Mỹ, EU, Liên minh Kinh tế Á Âu.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), chỉ riêng tháng 8, ngành thép đã hứng chịu tới 8 đợt "tấn công" dồn dập từ 7 thị trường khác nhau là Thái Lan, EU, Canada, Malaysia, Mỹ, Liên minh kinh tế Á- Âu và Ấn Độ.
Đặc biệt hồi tháng 6, Indonesia áp mức thuế pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu của Việt Nam từ 12,01 - 28,49% trong 5 năm.
Hai doanh nghiệp tôn mạ niêm yết của Việt Nam là Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) chịu mức thuế lần lượt là 12,01% và 19,16%.
Trước đó, Indonesia từng áp thuế chống bán phá giá ở mức 13,5 - 36,6% lên thép cuộn cán nguội của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan kể từ tháng 3/2013 và tiếp tục duy trì biện pháp tự vệ thương mại này sau kỳ rà soát năm 2015.
Indonesia nằm trong thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam là ASEAN (chiếm 59% tỷ trọng) nên nhiều người lo ngại xuất khẩu thép Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giải thích cho điều này, ông Nguyễn Phương Nam Phó Cục trưởng Phòng vệ Thương mại, cho rằng thế giới đang thừa công suất sản xuất thép. Trong khi đó, Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu với lý do bảo đảm an ninh quốc gia khiến cho nhiều nước khác phải đối phó bằng cách sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để hạn chế nhập khẩu thép.
Trao đổi với phóng viên, ông Chu Đức Khải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VSA, cho hay: "Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc các nước kiện nhau vì sản phẩm nhập khẩu ảnh hưởng tới sản xuất nội địa là một việc thường xảy ra. Một khi lượng sản phẩm nhập khẩu tăng đột biến, tác động xấu tới thị trường nội địa là đã đủ cơ sở để khởi kiện. Nước Mỹ cũng đã từng khởi kiện các sản phẩm của Việt Nam từ cái đinh tới cái mắc áo".
Ông Thành nhận định, năng lực ứng phó với các vụ điều tra khởi kiện của các doanh nghiệp trong nước còn yếu so với đối thủ nước ngoài.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt còn hạn chế, trong khi chi phí kháng kiện rất cao, để thành công có thể cần phải thuê luật sư tư vấn từ chính nước khởi xướng điều tra.
Áp lực cạnh tranh nội địa
Ngành thép Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm thép từ một số quốc gia ngay trên sân nhà, đặt biệt là Trung Quốc. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sản lượng thép Trung Quốc tăng hơn 12 lần trong 25 năm đạt 803,83 triệu tấn nhưng nhu cầu nước này chỉ khoảng 672 triệu tấn. Do đó, với lượng thép dư thừa lớn, Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện thép Trung Quốc chiếm tới 48% thị phần thép nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này càng khiến nhiều nước nghi ngờ thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam để xuất khẩu, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thép Việt.
Nổi bật nhất là hồi tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ áp mức thuế chống bán phá giá là 199,76% cũng như thuế đặc biệt 256,44% lên sản phẩm thép cuộn từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc Trung Quốc sau khi kết luận rằng những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Ông Khải cho hay, cho đến nay, Việt Nam đã khởi xướng 5 vụ kiện đối với mặt hàng thép nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia...Các mặt hàng khởi kiện bao gồm thép không gỉ, tôn mạ, thép hình, tôn màu, tôn mạ, thép dây...
Đón đọc [Phần 2] Ngành thép 'sau cơn mưa trời lại sáng'