|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 1] Cuộc cách mạng lúa gạo nhằm chống biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Châu Á

14:00 | 24/11/2018
Chia sẻ
Với một tương lai không chắc chắn, Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Philippines đã ký một thỏa thuận với Quỹ bảo tồn Đa dạng Cây trồng Toàn cầu để cung cấp một khoảng tài trợ vĩnh viễn cho việc bảo tồn và chia sẻ 136.000 giống lúa, hiện cung cấp nguồn lương thực cho hơn 3,5 tỉ người một ngày.

Tổng giám đốc IRRI Matthew Morell nhận định ngân hàng gen vô giá của Viện đã trở thành một phần cơ bản trong những nỗ lực toàn cầu để làm cho lúa bền vững và công bằng hơn khi tác động của biến đổi khí hậu vượt xa những ảnh hưởng tích cực của việc làm màu mỡ CO2.

Tại bờ biển tỉnh Sơn Đông, phía bắc Thượng Hải, các nhà khoa học tuyên bố ghi nhận thành công ban đầu trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm trồng lúa trên 20 triệu ha đất triều và đất mặn, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Hoàng Hà, với kì vọng có thể cung cấp lượng thực cho thêm 80 triệu người.

Con số này là khoảng 80% dân số tỉnh Sơn Đông, tương đương 10% trong số 840 triệu người Trung Quốc phụ thuộc vào gạo làm lương thực chính, một con số không thể tăng trưởng trước năm 2030 khi dân số tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến ​​đạt kỉ lục khoảng 1,45 tỉ người.

phan 1 cuoc cach mang lua gao nham chong bien doi khi hau dang dien ra o chau a
Ảnh: Reuters/Jorge Silva

Tránh những tranh cãi liên quan đến lúa biến đổi gen, các nhà khoa học đã cố gắng để phát triển gạo trong nước lợ từ những năm 1970. Tuy nhiên, chỉ đến thời điểm hiện tại họ mới đưa ra được những giống có năng suất thương mại từ 4,5 - 9 tấn một ha.

Trung Quốc đã nỗ lực tự cung tự cấp gạo, lúa mì và ngô từ cuối những năm 1960, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu gạo đã tăng từ 125 triệu tấn năm 1975 lên 261 triệu tấn vào năm 2016, cùng với sự gia tăng dân số thêm 484 triệu người.

Năm ngoái, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với 5,1 triệu tấn, theo sau là Nigeria (3,3 triệu), Philippines (1,9 triệu), Iran và Indonesia (1,7 triệu). Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất, tiếp theo là Thái Lan, Mỹ, Pakistan và Việt Nam.

Tự cung tự cấp là mục tiêu chính của hầu hết các chính phủ châu Á khác, nhưng với mức độ thành công khác nhau được xác định chủ yếu bằng năng suất trên mỗi ha vì nguồn cung nước tưới tiêu và đất bằng phẳng, đặc biệt là ở các quốc gia có đồng bằng sông lớn như Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.

phan 1 cuoc cach mang lua gao nham chong bien doi khi hau dang dien ra o chau a
Ảnh: Reuters/Kham.

Tại Indonesia, nhập khẩu gạo luôn là vấn đề chính trị gây tranh cãi, phần lớn là do người dân tin rằng quốc gia này là tự cung tự cấp. Thực tế, Indonesia đã đạt được mục tiêu đó vào giữa 1984 - 1986, nhưng kể từ đó, hiếm khi quốc gia Đông Nam Á thành công khi mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt 148 kg một năm, đứng thứ tư sau Myanmar, Việt Nam và Bangladesh.

Cơ sở công nghệ cao của IRRI tại Los Baños, phía đông nam Manila, đã phát triển các giống lúa cải thiện chịu được lũ lụt và hạn hán, đồng thời giúp theo kịp dân số thế giới ngày càng tăng và đáp ứng thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng.

Đến năm 2050, ước tính khoảng 5,2 tỉ người dân châu Á sẽ tiêu thụ khoảng 90% sản lượng gạo toàn cầu hàng năm, theo đó tăng từ 450 triệu tấn ở thời điểm hiện tại lên 525 triệu tấn.

Các nhà khoa học của IRRI đã sử dụng ngân hàng gen của mình để đạt được những đột phá di truyền phù hợp với sự cực đoan của khí hậu trên toàn thế giới, vốn đã đe dọa sản xuất ở các vùng sản xuất lúa gạo quan trọng gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia - ba quốc gia sản xuất và tiêu thụ lớn nhất.

Xem thêm

Lyly Cao