Phá rào cản cho chương trình nhà ở xã hội
Thủ tục hành chính cản nhà ở xã hội |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 117/QĐ-TTg quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH). Đây được xem là một giải pháp tháo dỡ rào cản cho cho chương trình NƠXH đang ì ạch.
Lãi suất vay mua nhà ở xã hội sẽ ở mức 5%. Ảnh: NGỌC TIẾN |
Tắc vì vốn
TPHCM hiện đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án NƠXH với tổng số 44.701 căn hộ và đến năm 2020 dự kiến có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn. Thế nhưng, khả năng này sẽ khó hoàn thành mục tiêu đề ra vì nguồn vốn tín dụng ưu đãi đang bị tắc. Từ đầu năm đến nay, TPHCM chỉ hoàn thành vỏn vẹn một dự án NƠXH quy mô 96 căn từ nguồn vốn ngân sách và 7 dự án khác đang trong quá trình triển khai. Theo tìm hiểu, do chưa có nguồn vốn ưu đãi, người mua NƠXH hiện nay phải chấp nhận trả lãi vay mua nhà với lãi suất thỏa thuận. Như trường hợp khách hàng mua NƠXH tại dự án EHomeS, Nam Long có hỗ trợ 2% lãi vay, nhưng khách hàng vẫn phải trả lãi vay 7%/năm trong 2 năm đầu tiên, các năm kế tiếp tính theo lãi suất thả nổi. Đây là điểm bất cập lớn.
Nhìn lại sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án NƠXH và người mua NƠXH, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng, rất nhiều đối tượng đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi tạo lập nhà ở. Tuy nhiên, sau khi NHNN thông báo kết thúc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, Chính phủ vẫn chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách NƠXH theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Điều này khiến cho cả chủ đầu tư dự án NƠXH và các đối tượng thụ hưởng NƠXH đều không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nên gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, đối với khách hàng đã ký hợp đồng mua NƠXH nhưng chưa nhận nhà trong năm 2016 do dự án chưa hoàn thành, kể từ ngày 1.1.2017 trở đi không còn được tiếp tục giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, và cũng chưa có nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác thay thế, nên các đối tượng thụ hưởng NƠXH này lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không thể thực hiện tiếp hợp đồng, hoặc phải vay thương mại với lãi suất cao kèm theo điều kiện phải có tài sản thế chấp. Mặc dù khách hàng không thể thanh toán tiếp theo hợp đồng mua nhà, nhưng chủ đầu tư dự án NƠXH vẫn phải tiếp tục vay thương mại với điều kiện khắt khe hơn (kể từ ngày 1.6.2016) để thi công hoàn thành công trình. Tuy lãi suất vay thương mại được tính vào giá thành công trình NƠXH theo quy định của Luật Nhà ở, nhưng cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà phải chia sẻ nguồn vốn tăng thêm này. Nhiều trường hợp do thiếu vốn chủ đầu tư phải giãn tiến độ thực hiện công trình, dẫn đến công trình dở dang kéo dài, gây lãng phí của cải xã hội, bào mòn nguồn lực của chủ đầu tư, người mua không được nhận nhà đúng theo tiến độ đã thỏa thuận.
Cần một hiệu quả thực tế
Theo quyết định vừa ký ban hành, mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2018 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 5%/năm.
Quyết định này nhận được sự hoan nghênh của giới chuyên gia và doanh nghiệp trong bối cảnh chương trình NƠXH đang ách tắc. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA vẫn có một trở ngại làm cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội gần như chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi tín dụng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ trong hơn 02 năm qua là do Nhà nước chưa bố trí đủ nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Chính vì vậy HoREA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung "Chương trình mục tiêu thực hiện chính sách nhà ở xã hội" vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để có căn cứ pháp luật bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm tùy theo khả năng ngân sách nhà nước, trước hết là năm 2018, để Chính phủ có nguồn chi ngân sách. Trước mắt, đối với khoản chi ngân sách 1.260 tỷ đồng, HoREA kiến nghị phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng (trong nguồn vốn 2.000 tỷ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội) cho 04 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để sớm triển khai cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2018-2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất khoảng 5%/năm, và đề nghị tiếp tục phân bổ nguồn vốn này cho Ngân hàng Chính sách xã hội, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để triển khai thực hiện.
Từ nguồn vốn này, các ngân hàng nêu trên còn có thể huy động thêm các nguồn vốn khác để thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội của Đảng và Nhà nước. Về lâu dài, HoREA kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, tương tự như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07.01.2013 của Chính phủ trước đây, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội.