Phá băng nợ xấu ngân hàng (Kỳ II): Nhận diện 'điểm đen' tái cơ cấu
Soi cơ cấu nợ xấu các 'ông lớn' ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank | |
EU đề xuất nới lỏng các quy định xử lý nợ xấu của các ngân hàng |
DongA Bank - một ngân hàng yếu mới xuất hiện. Ảnh: Đức Thanh |
Kỳ II: Nhận diện “điểm đen” tái cơ cấu
Không chỉ xử lý nợ xấu đang gặp những vướng mắc nhức nhối, mà “yếu huyệt” của hệ thống ngân hàng - những nhà băng yếu kém - vẫn đang tồn tại. Bên cạnh đó, sở hữu chéo vẫn lẩn khuất tinh vi. Trong khi đó, trước nhiều áp lực đẩy nhanh tái cơ cấu, dường như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang rất thận trọng.
Từ những món nợ cực xấu…
Nằm ở vị trí rất đẹp ngay mặt đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), nhưng tòa nhà nằm cạnh Khách sạn Bảo Sơn lại đang là nỗi đau của một ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ. Tòa nhà có giá trị khoảng 40 tỷ đồng này trước đây đã được cán bộ tín dụng định giá tới 150 tỷ đồng, sau đó cho vay 120 tỷ đồng để “ăn chia” phần chênh lệch cùng khách hàng.
Đã gần chục năm nay, khách hàng đã mất khả năng trả nợ, song ngân hàng vẫn không dám bán tài sản nợ để xử lý. Lý do là nếu bán để thu hồi nợ, ngân hàng lỗ ngay 80 tỷ đồng. Với lãi vỏn vẹn vài chục tỷ đồng/năm, việc xử lý ngay khoản nợ này sẽ để lại hậu quả rất nặng nề cho ngân hàng trên.
Bi kịch còn ở chỗ, tòa nhà này đang được con nợ nhởn nhơ cho thuê, thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng mà ngân hàng không thể làm gì. Lý do là, khi thẩm định hồ sơ vay, cán bộ tín dụng đã không phát hiện ra chữ ký của một thành viên gia đình trong hồ sơ đồng ý thế chấp là giả, khiến hợp đồng cho vay có nguy cơ bị vô hiệu, tài sản nợ rơi vào cảnh tranh chấp.
Tình trạng tương tự như trên diễn ra phổ biến ở nhiều ngân hàng và cả Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đang trở thành “điểm đen” trong xử lý nợ xấu, khiến ngân hàng tiến không được, lùi không xong. Rõ ràng, vướng mắc của xử lý nợ xấu không chỉ ở bài toán thị trường, mà còn ở câu chuyện pháp lý.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, thời gian vừa qua, đa phần các khoản nợ còn lại chưa bán được, kể cả nợ tại ngân hàng thương mại lẫn tại VAMC, liên quan đến các đại án, các tranh chấp pháp lý hoặc nếu bán sẽ lỗ nặng như trường hợp ở trên. Thực tế, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mở đường cho các ngân hàng xử lý những món nợ kiểu này bằng cách cho phép thoái dần lãi dự thu, thay vì thoái ngay, nhưng không phải ngân hàng nào cũng dám thực hiện.
… đến những nhà băng “yếu huyệt”
Ngoài điểm đen pháp lý về nợ xấu, ngân hàng yếu kém đang là vấn đề nan giải nhất của quá trình tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II. Dù mục tiêu của Chính phủ đặt ra là kết thúc tái cơ cấu giai đoạn I, các ngân hàng yếu kém phải xử lý xong, song đến nay, 3 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc vẫn “chình ình” trong hệ thống, chưa kể một ngân hàng yếu mới xuất hiện là DongA Bank.
“Trong giai đoạn I, kết quả tái cơ cấu thể hiện rất rõ khi các ngân hàng yếu được khoanh vùng và tái cơ cấu bắt buộc. Thế nhưng, ở giai đoạn II, quá trình xử lý những ngân hàng yếu này chậm lại và dường như đang bế tắc, một phần do nợ xấu của các ngân hàng này lớn và gắn với các đại án, số liệu thiếu minh bạch, chưa kể những vướng mắc khác về cơ sở pháp lý, khiến quá trình đàm phán bán lại cho nhà đầu tư khó đạt thỏa thuận”, PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính nhận định.
Báo cáo trước Quốc hội, người đứng đầu NHNN thừa nhận, quá trình xử lý ngân hàng yếu còn chậm.
Các ngân hàng này đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, dù thanh khoản đã được cải thiện, lỗ kinh doanh giảm, bộ máy quản trị điều hành được thay đổi, một phần nợ xấu đã được thu hồi.
“Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, NHNN đang khẩn trương triển khai, chỉ đạo các đơn vị liên quan để xây dựng phương án cơ cấu lại từng ngân hàng thương mại mua bắt buộc và DongA Bank theo quy định”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định.
Thống đốc cũng cho hay, ngoài việc tạo khuôn khổ pháp lý cho việc khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, NHNN cũng tích cực tìm kiếm, giới thiệu đối tác, hỗ trợ pháp lý... cho các ngân hàng này thực hiện mua bán, sáp nhập...
" Ngoài điểm đen pháp lý về nợ xấu, ngân hàng yếu kém đang là vấn đề nan giải nhất của quá trình tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II. |
Mặc dù vậy, nhiều ngân hàng yếu cho hay, họ đang rất sốt ruột vì cho đến nay, đề án tái cơ cấu vẫn chưa được phê duyệt, nên ngân hàng đang phải hoạt động cầm chừng, chờ cơ quan quản lý cho ý kiến.
Còn nhớ, trước khi được phê chuẩn phương án sáp nhập vào HDBank, hàng loạt cổ đông của PGBank đã kêu trời vì phương án sáp nhập bị “ngâm” từ năm này sang năm khác, khiến ngân hàng rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng.
Đáng lo là, theo giới chuyên gia, với các quy định pháp lý như hiện nay, các ngân hàng sẽ còn phải đợi dài. Cụ thể, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn II chia các ngân hàng thành 2 loại. Trong đó, với ngân hàng yếu, đề án tái cơ cấu sẽ do Chính phủ chỉ đạo và phê duyệt. Điều này chắc chắn sẽ khiến quá trình phê duyệt kéo dài vì phải trải qua xin ý kiến nhiều thành viên Chính phủ.
“Mốt” quản trị gia đình và nỗi lo sở hữu chéo quay trở lại
Một trong những điểm sáng lớn nhất của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua là quyết tâm làm sạch sở hữu chéo. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, so với năm 2012, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp xuống còn 1 cặp, sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã giảm từ 56 cặp còn 2 cặp, số tổ chức tín dụng có cổ đông là tổ chức sở hữu cổ phần vượt 15% vốn điều lệ giảm từ 19 xuống còn 4 tổ chức tín dụng.
“Vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt để xử lý vấn đề sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau. Tuy nhiên, việc việc thoái vốn còn phụ thuộc vào tìm đối tác”, Thống đốc nói.
Được biết, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng lộ trình và phương án cơ cấu lại của từng ngân hàng, từ nay đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm các vấn đề về sở hữu chéo, cũng như sở hữu vượt tỷ lệ cổ phần theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS Đặng Ngọc Đức nhận định: “Sở hữu chéo là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra nợ xấu. Thời gian qua, tình trạng lộn xộn, mất kiểm soát về sở hữu chéo đã được khắc phục, song xử lý triệt để được hay chưa thì chỉ có người trong ngành mới nắm rõ”.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, dù sở hữu chéo đã cơ bản giảm về tỷ lệ cho phép, song “mốt” quản trị gia đình tại các ngân hàng vẫn còn phổ biến. Điều này không chỉ cản trở sự phát triển của chính các ngân hàng, mà còn khiến nguy cơ sở hữu chéo biến tướng và quay trở lại ở các hình thức tinh vi hơn.
“NHNN cần tạo áp lực thực sự với các ngân hàng thương mại về đổi mới quản trị, chấm dứt hẳn sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn và mốt quản trị gia đình. Đặc biệt, cấm ông chủ tập đoàn thành các ông chủ ngân hàng. Chỉ khi làm được điều này, quản trị của các ngân hàng mới thay đổi được mạnh mẽ”, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất.
Quyết chiến với ngân hàng yếu hay chọn ổn định vĩ mô?
Rõ ràng, những điểm đen tái cơ cấu đang đặt ra nhiều thách thức cho NHNN. Tuy nhiên, có thể thấy, bất chấp sự thúc giục của nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, NHNN dường như vẫn tỏ ra rất thận trọng.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, lãnh đạo NHNN khẳng định: “Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo xử lý căn bản và thực chất nợ xấu”.
Có thể nói, những vướng mắc liên quan ngân hàng thuộc diện xử lý bắt buộc, tình trạng nhiều cán bộ ngân hàng vướng vào vòng lao lý, tâm lý e ngại của các cán bộ khi được phân công xử lý nợ xấu… đã đưa ra cho NHNN một bài học: xử lý nợ xấu, tái cơ cấu trước hết phải dựa trên một nền tảng pháp lý thật vững, chứ không thể vội vàng.
Quan trọng hơn, quan điểm của NHNN có vẻ như không phải là thúc đẩy tái cơ cấu nhanh bằng mọi cách, mà ổn định kinh tế vĩ mô được đặt lên hàng đầu.
“Quan điểm của lãnh đạo NHNN có lẽ là tập trung vào chống lạm phát và ổn định vĩ mô, chứ không phải là tái cơ cấu. Bởi nếu không cẩn thận, đẩy nhanh xử lý nợ xấu và dọn dẹp ngân hàng yếu sẽ làm mất ổn định nền kinh tế, gây ra những hệ lụy khó lường. Cải tổ từ từ và chắc chắn có lẽ là một quan điểm bài bản, tuy hơi chậm trễ. Mà thực sự, với các ngân hàng thuộc diện xử lý bắt buộc, muốn nhanh thì vẫn phải… từ từ”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.
Chia sẻ quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tuy tái cơ cấu ngân hàng diễn ra hơi chậm, song thời gian tới, NHNN vẫn nên tiếp tục giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô làm bà đỡ cho tái cơ cấu ngân hàng, nhất là giữ vững thanh khoản của các nhà băng.
(Còn tiếp)
Xem thêm |