|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PGS.TS Vũ Minh Khương: Giao đất lâu chỉ thu hút nhà đầu cơ vào đặc khu

20:45 | 16/05/2018
Chia sẻ
Ông Khương cho rằng cần chú trọng chính sách, môi trường thuận tiện để nhà đầu tư kinh doanh yên tâm thay vì chỉ chú trọng vào ưu đãi. 
pgsts vu minh khuong giao dat lau chi thu hut nha dau co vao dac khu Bộ trưởng KH-ĐT: 3 đặc khu kinh tế sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới thu hút đầu tư nước ngoài
pgsts vu minh khuong giao dat lau chi thu hut nha dau co vao dac khu Cò đất đặc khu đang 'nằm im nghe ngóng'

Bên lề một hội thảo, chia sẻ về những vấn đề xung quanh dự thảo Luật đặc khu kinh tế, PGS. TS Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng thời hạn giao đất ở đặc khu có thể dài tới 99 năm không phải chủ trương đúng đắn để thu hút nhà đầu tư.

Thời hạn giao đất cho nhà đầu tư tại các đặc khu có thể lên tới 99 năm có cần thiết không thưa ông?

PGS. TS Vũ Minh Khương: Khi giao đất càng lâu chỉ thu hút các nhà đầu cơ.

Các dự án công nghệ cao thực chất chỉ cam kết trao quyền sử dụng đất 50 năm, tối đa đến 70 năm cho hoạt động của mình. Các dự án hóa chất cũng chỉ cần tới 70 năm.

Khi có chính sách, môi trường thuận tiện để nhà đầu tư kinh doanh yên tâm thì chỉ cần giao đất 70 năm là đủ, không cần thiết phải tới 99 năm.

Đặc biệt, với đất nước đây là một vấn đề nhạy cảm khi bỏ nhiều yếu tố để thu hút đầu tư. Khi đó, hiệu quả thu hút nhà đầu tư có thể cao nhưng hiệu lực với đất nước là thấp, theo tôi cũng không nên.

Theo quan điểm của ông, mức ưu đãi tại đặc khu của Việt Nam hiện nay ra sao so với các nước khác?

PGS. TS Vũ Minh Khương:Các ưu đãi tại đặc khu của Việt Nam hiện nay khá cao. Việt Nam vẫn đang chủ yếu lấy ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Vấn đề này cần phải xem lại lại một cách chiến lược, không thể ưu đãi sau đó dùng tiền ngân sách để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Như với câu chuyện ưu đãi thuế, chúng ta cần phải bàn thảo lại cụ thể. Chúng ta có thể ưu đãi trong những giai đoạn đầu tiên nhưng không nên quá ưu đãi.

Để người dân không quá băn khoăn về câu chuyện ngân sách, tôi cho rằng có cách sau. Giả sử trước khi có đặc khu có thể thu được 1.000 tỷ đồng nộp ngân sách. Khi có đặc khu vẫn điều kiện như vậy thu được 2.500 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch 1.500 tỷ kia có thể trích lại 80% - 90% cho chính các đặc khu sử dụng làm kinh phí vận dụng các phương án giúp các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư tiếp mà ngân sách không ảnh hưởng gì.

Hiện nay dư luận đang lo ngại ưu đãi cho đặc khu là lấy tiền của người nghèo chảy vào phía nhà giàu. Rõ ràng, đặc khu kinh tế sinh ra để tạo các đột phá về phát triển kinh tế xã hội.

Hiện nay vẫn còn tranh cãi có cần phải xây dựng đặc khu hay không, đặc khu mang lại gì cho nền kinh tế Việt Nam, ý kiến của ông về điều này thế nào?

PGS. TS Vũ Minh Khương:Tôi rất ủng hộ chủ trương xây dựng các đặc khu, bởi nó tạo ra một tư duy mới hoàn toàn. Kể cả các đặc khu chưa thành công thì cũng tạo ra một bài học.

Xây dựng các đặc khu cũng có nghĩa chúng ta sẽ tạo ra một thiết chế mới để nhìn xem 30 năm nữa từ đó sẽ có được gì, đất nước sẽ như thế nào. Khi chưa có điều kiện để thực hiện các thiết chế riêng ở Hà Nội, TP HCM thì các đặc khu sẽ như một cơ chế thử nghiệm. Có thể không cầu toàn 100% thành công đối với các đặc khu nhưng chúng ta phải bắt đầu thực hiện.

Khi có đặc khu, các địa phương khác cũng sẽ phải dồn dập thực hiện. Không làm được các địa phương cũng sẽ bị phê phán. Người đứng đầu cũng sẽ bị loại bỏ nhanh chóng bởi khi đó cả nước đang nhìn vào.

Đặc khu kinh tế cũng sẽ tạo ra một thiết chế đặc biệt để hướng cho phát triển trong tương lai của Việt Nam. Với thời đại số này, tất cả các dữ liệu đầu tư cũng sẽ được công khai tới mức các nhà lãnh đạo yếu sẽ không dám nhận làm đặc khu. Tất nhiên hiện nay ai cũng thích làm đặc khu vì tin rằng có thể hưởng lợi nhiều nhưng thực ra cơ chế của các đặc khu sắp hình thành sẽ rất khắc nghiệt, như cưỡi lên lúc hổ.

Tôi mong đặc khu ra đời và những người không làm được sẽ bị xử lý.

Còn về dự thảo Luật hiện nay ông đánh giá như thế nào?

PGS. TS Vũ Minh Khương: Tôi đề nghị Luật về đặc khu phải là khung luật chung, có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào thay vì chỉ có Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong như hiện nay.

Luật cần phải là luật chung để khi 3 địa phương kia làm không tốt, những nơi khác kể cả Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi cũng có thể phát triển thành đặc khu.

Luật cần có cơ chế linh hoạt hơn là chỉ có ba đặc khu rồi chờ xem từng cái hoạt động ra sao.

Xin cám ơn ông!

Nam Anh