Petrolimex kiến nghị tăng chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản báo cáo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về việc căng thẳng địa chính trị đẩy chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao so với định mức hiện hành, theo Zing.
Petroliex cho biết Cục Quản lý giá đã kiểm tra, rà soát và điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức từ ngày 11/7 nhưng vẫn đang thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân đã được kiểm toán trong năm 2021 khoảng 184-598 đồng/lít, tương ứng với 13-39% đối với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu.
Với chi phí premium nhập khẩu với xăng khoáng để pha chế xăng E5 RON 92, chênh lệch 622 đồng/lít; xăng RON 95 chênh lệch 551 đồng/lít; các mặt hàng dầu chênh lệch từ gần 300-680 đồng/lít...
"Chi phí định mức trong giá cơ sở thấp hơn nhiều so với thực tế năm 2021 đã được kiểm toán nên tập đoàn không thể triển khai các kế hoạch", Petrolimex đánh giá
Ngoài các chi phí chưa được tính đúng tính đủ, tập đoàn này còn có các chi phí tăng cao bất thường từ đầu năm. Đơn cử, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng 649 tỷ đồng, tương ứng 10% so với cùng kỳ. Trong đó bao gồm các khoản chi phí biến đổi như tăng 375 tỷ đồng (tăng 26%) so với thực hiện năm 2021.
Đặc biệt có những khoản tăng cao bất thường như chi phí vận chuyển bình quân là 180 đồng/lít, tăng 17 đồng/lít (tăng 31%) là do giá xăng dầu tăng cao nên đơn giá cước vận chuyển được điều chỉnh.
Chi phí dịch vụ thuê ngoài tăng 32 tỷ đồng, tương đương tăng 3 đồng/lít (tăng 65%) do giá xăng dầu tăng và sản lượng bán cao đột biến. Các khoản khác như chi phí thuê đất làm tăng chi phí bình quân là 3 đồng/lít. Chi phí chênh lệch tỷ giá làm tăng chi phí giá bình quân thêm 17 đồng/lít.
"Các chi phí sẽ tăng trong quý IV và dự kiến phát sinh trong các năm tới gồm khoản chênh lệch tỷ giá và lãi suất vay, việc thực hiện các chương trình chuyển đổi số, điều chỉnh tăng lương của công nhân ở mức bình quân là 20%...", Petrolimex cho biết.
Từ những lý do trên, Petrolimex kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh và phản ánh kịp thời vào giá cơ sở tại chu kỳ điều hành giá gần nhất.
Ngoài ra trong bối cảnh tỷ giá liên tục tăng, Petrolimex đề nghị Cục Quản lý giá áp dụng theo đơn vị tính USD/thùng để phản ánh phù hợp biến động của tỷ giá và định kỳ hàng quý rà soát số liệu để điều chỉnh kịp thời nếu có biến động bất thường.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận với vốn, bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, điều kiện vay thanh khoản khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn, rủi ro cao cho các doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ.
Doanh nghiệp đầu mối, hay thương nhân phân phối đã không tự cứu được mình để làm ăn có lãi thì cũng không thể lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý bán lẻ nên đã tạo ra sự đứt gãy nhất thời, cục bộ ở khâu bán lẻ tại một số nơi”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ và có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được, Bộ Công Thương tham mưu, đề xuất sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết.
“Cần rà soát cập nhật chi phí định mức, chi phí tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn, cung ứng diễn ra thuận lợi, lành mạnh”, Bộ trưởng Công Thương cho biết.