|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thống đốc NHNN: Hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu vẫn còn 44.000 tỷ đồng

20:12 | 28/10/2022
Chia sẻ
Thông tin về tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp là 103.000 tỷ đồng nhưng hiện mới sử dụng 58.000 tỷ đồng, room chưa sử dụng còn 44.000 tỷ đồng.

Mức tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu còn 44.000 tỷ đồng

Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu, tại phiên họp chiều 28/10, kỳ họp Quốc hội thứ 4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN rất quan tâm đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có xăng dầu. Cơ quan này đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng cho lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

“Theo thống kê của NHNN, tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng nhưng hiện mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỷ đồng. Hạn mức chưa sử dụng còn 44.000 tỷ đồng, chứ chưa phải là đã hết", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: Quốc hội)

Đối với việc cung ứng ngoại tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN cũng đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ.

"Riêng 9 tháng đầu năm đối với một số doanh nghiệp xăng dầu như Nghi Sơn, Bình Sơn, Tập đoàn Xăng dầu thì lượng ngoại tệ bán ra khoảng 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp này", Thống đốc cho biết.

NHNN đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khan hiếm, rối loạn cung ứng và có những giải pháp phù hợp.

Trong phiên thảo luận cùng ngày, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ phía Nam là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận với vốn, bảo lãnh tín dụng của ngân hàng.

"Room đã hẹp, điều kiện vay thanh khoản lại khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn, vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp đang rất cần nới trần vay, cần ưu đãi về lãi suất, cần chia sẻ và hỗ trợ về điều kiện thanh khoản thì mới có thể duy trì được hoạt động", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ Tài chính muốn giao toàn phần quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương

Cũng tại kỳ họp chiều nay, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhu cầu của cả nước là khoảng 19,2 triệu tấn/năm.

Hiện, sản xuất trong nước phụ thuộc vào hai nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn, trong đó 9 tháng đầu năm, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã sản xuất được 4,4 triệu tấn, thực hiện được 70% kế hoạch năm (6,2 triệu tấn); Nghi Sơn mới sản xuất được 4,3 triệu tấn, ở mức thấp hơn so với kế hoạch năm (6,8 triệu tấn) khiến nguồn cung thiếu hụt.

Bên cạnh đó, năm 2022 có kế hoạch nhập khẩu là 6,2 triệu tấn phân bổ cho 34 đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng qua mới đạt 3,97 triệu tấn. Đặc biệt trong quý III, nhập khẩu xăng đã giảm 40%, dầu DO giảm 35% so quý II và chỉ có 19/33 đầu mối nhập khẩu. 

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Quốc hội)

Bộ Tài chính đã giảm thu các loại thuế như thuế bảo vệ môi trường, nhập khẩu và nâng premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp xăng dầu.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo nguồn cung chủ động”, ông Phớc nói.

Trong phiên họp sáng 28/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong bối cảnh thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp theo tình hình thế giới, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

“Doanh nghiệp đầu mối hay thương nhân phân phối đã không tự cứu được mình để làm ăn có lãi thì cũng không thể lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý bán lẻ nên đã tạo ra sự đứt gãy nhất thời, cục bộ ở khâu bán lẻ tại một số nơi”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu, Bộ Công Thương đã tham mưu, đề xuất sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết.

“Đồng thời rà soát cập nhật chi phí định mức, chi phí tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn, cung ứng diễn ra thuận lợi, lành mạnh”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Hoàng Anh