Đề xuất xây kho dự trữ xăng dầu quốc gia, mở rộng nhà máy Dung Quất
Tiếp tục phiên thảo luận chiều 28/10, kỳ họp Quốc hội thứ 4, Đại biểu Quốc hội đã đưa ra một số giải pháp ổn định thị trường xăng dầu trong nước như rà soát quy trình quản lý xăng dầu, xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia, mở rộng quy mô nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Cụ thể, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) chỉ ra rằng thời gian qua tình trạng khan hiếm xăng dầu, biến động về cung ứng mặt hàng xăng dầu đang đặt ra yêu cầu cấp bách về quản lý mặt hàng này.
Bà Sương đề nghị tăng cường nguồn lực cho việc dự trữ xăng dầu, xây dựng các kho trữ xăng dầu quốc gia, bảo đảm trữ lượng đủ phục vụ nhu cầu thị trường trong thời gian dài, nâng khả năng đối phó với các diễn biến lớn từ nguồn cung và giá thế giới.
Theo Bộ Công Thương, cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ 3 nguồn, bao gồm dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia. Trong đó, dự trữ sản xuất đến từ hai nhà máy lọc dầu. Dự trữ thương mại nằm ở các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối. Cuối cùng là nguồn dự trữ quốc gia.
Hiện, dự trữ quốc gia của Việt Nam chỉ được khoảng 5-7 ngày, còn khá mỏng so với mức 90 ngày của các quốc gia như Nhật Bản, Australia, Mỹ,...
Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ sẽ đề xuất cơ chế tách bạch được dự trữ quốc gia bằng những tổng kho do nhà nước quản lý với dự trữ doanh nghiệp bằng những kho của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã trình cấp có thẩm quyền xem xét việc thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ và nâng mức dự trữ để tránh khi bất trắc.
Về giải pháp lâu dài, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lọc dầu trong nước mở rộng quy mô.
“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm phê duyệt đề án mở rộng, nâng cấp quy mô nhà máy xăng dầu Dung Quất, thành lập trung tâm năng lượng dầu khí quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi để phát triển công nghiệp năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”, bà Sương nói.
Trước những biến động của thị trường xăng dầu thời gian vừa qua, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo Liên Bộ Công Thương - Tài chính rà soát quy trình quản lý, điều hành xăng dầu từ khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối, điều hành giá,… nhằm đảm bảo nguồn nguồncung ứng, tiết giảm chi phí trung gian.
“Liên Bộ cần có chính sách thuế phù hợp, đánh giá lại việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời, ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu”, đại biểu đoàn Quảng Ngãi đề xuất.