|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng Công Thương: Thiếu xăng dầu ở phía Nam là điều đáng tiếc, bất thường

15:17 | 28/10/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Công Thương cho biết trong bối cảnh thị trường xăng dầu khó khăn chung, dự trữ quốc gia còn hơn 3 triệu m3, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở khu vực TP HCM và các tỉnh phía Nam là điều đáng tiếc và bất thường.

Giải trình về tình hình cung ứng xăng dầu, tại phiên thảo luận sáng ngày 28/10, kỳ họp Quốc hội thứ 4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định thị trường xăng dầu nước ta cơ bản được ổn định, tổng nguồn cung không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức giá bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.

“Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Cùng trong hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy”, Bộ trưởng Công Thương nói.

 Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình trước Quốc hội về vấn đề thiếu hụt xăng dầu phía Nam. (Ảnh: Quốc hội)

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở phía Nam là bất thường bởi đầu tháng 10, cả nước còn tới 3 triệu m3 xăng dầu. Nếu tính cả dự trữ thương mại, sản xuất của các nhà máy trong nước và nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối thì đủ nguồn cung cho đến gần hết tháng 11. Mặt khác, các nhà máy vẫn đang tiếp tục sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu theo kế hoạch.

Về nguyên nhân khách quan của tình trạng thiếu xăng dầu phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thị trường xăng dầu trong nước chịu sự ảnh hưởng của sự đứt gãy nguồn cung thế giới, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, giá điều chỉnh trong biên độ lớn.

Còn về nguyên nhân chủ quan là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận với vốn, bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, điều kiện vay thanh khoản khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn, rủi ro cao cho các doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

Doanh nghiệp đầu mối, hay thương nhân phân phối đã không tự cứu được mình để làm ăn có lãi thì cũng không thể lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý bán lẻ nên đã tạo ra sự đứt gãy nhất thời, cục bộ ở khâu bán lẻ tại một số nơi”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Mặt khác, Bộ trưởng Công Thương cho rằng trong tháng 9 và đầu tháng 10, thiên tai, bão lũ đã làm chậm các chuyến tàu, chuyến xe chở xăng, dầu về cung ứng cho các đơn vị bán lẻ. 

Bên cạnh đó, một số vụ buôn lậu, làm giả xăng dầu với số lượng hàng chục nghìn m3 đã làm ảnh hưởng đến phân phối, kinh doanh xăng dầu trên một số địa bàn. 

Qua khảo sát của ngành Công Thương, ở TP HCM và các tỉnh phía Nam có 146/334 thương nhân phân phối, chiếm 44%. Nhiều thương nhân ký hợp đồng mua hàng với doanh nghiệp đầu mối, nhưng thường xuyên không mua hàng khiến doanh nghiệp đầu mối không chủ động được hàng trong kỳ.

“Khi khan hàng các thương nhân phân phối quay lại mua hàng cho hệ thống bán lẻ thì đương nhiên không còn cơ hội, vì thế dẫn tới đứt gãy một số nơi”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Tại nghị trường, Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp đảm bảo cung ứng thị trường xăng dầu như sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại để kịp thời “chi viện” cho những địa bàn thiếu xăng dầu. Đồng thời, phân giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp sản xuất, đầu mối nhập khẩu để ổn định thị trường trong nước.

Thứ hai, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng. Hiện doanh nghiệp đang cần nới trần vay, ưu đãi lãi suất, hỗ trợ điều kiện thanh khoản để duy trì hoạt động

Thứ ba, để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ và có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được, Bộ Công Thương tham mưu, đề xuất sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết.

“Cần rà soát cập nhật chi phí định mức, chi phí tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn, cung ứng diễn ra thuận lợi, lành mạnh”, Bộ trưởng Công Thương cho biết.

Trong kỳ họp Quốc hội thứ 4 này, việc hàng trăm cửa hàng bán lẻ xăng dầu phía Nam phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh vì khó khăn tài chính, doanh nghiệp đầu mối cung cấp nhỏ giọt là vấn đề được các đại biểu quốc hội quan tâm và thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho biết: “Vừa rồi thiếu hụt xăng dầu xảy ra, nhất là ở phía Nam đã cho thấy sự lúng túng trong xử lý tình huống của các cơ quan trong quản lý Nhà nước, từ việc quy định tính đúng tính đủ giá xăng dầu đến việc điều tiết nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối để xử lý sự thiếu hụt như thời gian...

Việc này khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc. Hiện tượng này chưa được giải quyết dứt điểm, vẫn còn xuất hiện cục bộ ở một số địa phương”.

Hoàng Anh