|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC+ tăng thêm sản lượng trong tháng 7 nhưng chưa có kế hoạch cho nửa cuối năm

06:17 | 02/06/2021
Chia sẻ
Tại cuộc họp đầu tháng 6, OPEC+ đã quyết định tiếp tục tăng sản lượng dầu thô trong tháng 7 giữa lúc Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Hôm 1/6, OPEC+ đã tổ chức cuộc họp chính sách mới nhất, song sự kiện diễn trong chưa đến 30 phút này lại đánh dấu một trong những cuộc họp ngắn nhất lịch sử của liên minh dầu mỏ.

Sau cuộc họp, các đại diện cho biết OPEC+ sẽ bơm thêm 841.000 thùng dầu thô/ngày trong tháng 7, tiếp tục các đợt tăng sản lượng vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, khi thị trường ngày càng bị siết chặt, OPEC+ sẽ phải đối mặt với một quyết định khó khăn hơn, chính là nên làm gì trong nửa cuối năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết: "Bức tranh thị trường dầu thô đã có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Nhu cầu đã khởi sắc ở một số thị trường lớn nhất như Mỹ và Trung Quốc".

Trong hơn một năm qua, OPEC và các đồng minh đã nỗ lực giải cứu giá dầu thô từ mức thấp lịch sử và chỉ mới thận trọng bổ sung nguồn cung từ đầu tháng 4 năm nay. Hiện tại, giá dầu thô đã tăng 38% kể từ tháng 12 năm ngoái lên 71 USD/thùng.

Đà tăng của dầu thô đang làm dấy lên lo ngại về lạm phát, và nếu OPEC+ không bơm thêm hàng, thị trường sẽ có nguy cơ bị siết chặt, từ đó gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19.

OPEC+ tăng thêm sản lượng trong tháng 7 nhưng chưa có kế hoạch cho nửa cuối năm  - Ảnh 1.

OPEC+ còn lưỡng lự

Bloomberg nhận thấy liên minh dầu mỏ vẫn còn khá thận trọng.

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cảnh báo: "Trong tương lai vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro. Chúng tôi nên tiếp tục tham vấn nhau và giám sát chặt chẽ các động lực của thị trường cũng như chiếm thế chủ động để đảm bảo sự ổn định của ngành dầu mỏ".

Khả năng Iran bơm thêm dầu thô ra thị trường quốc tế là một yếu tố đang đè nặng lên tâm trí của các bộ trường dầu mỏ OPEC+. Ngoài ra, ảnh hưởng của các biến thể SARS-CoV-2 cũng là một vấn đề đáng ngại khác.

Dù thị trường có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay, hai mối lo trên vẫn có thể khiến một số nhà sản xuất dầu mỏ phải tính đến trường hợp tạm dừng việc tăng sản lượng.

OPEC+ tăng thêm sản lượng trong tháng 7 nhưng chưa có kế hoạch cho nửa cuối năm  - Ảnh 2.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết: "COVID-19 là một kẻ thù dai dẳng và không thể đoán trước. Các đột biến nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 nhìn chung vẫn là mối đe dọa lớn".

Mỹ và Iran đang cố gắng khơi thông bế tắc xoay quanh thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Từ đầu tháng 4, đại diện hai nước cùng một số quan chức châu Âu đã tập trung về thủ đô Vienna (Áo) để đàm phán.

Washington đã đồng ý dỡ bỏ từ từ các lệnh cấm vận đối với lĩnh vực dầu khí, hóa dầu và ô tô cũng như một số biện pháp trừng phạt khác đối với ngành ngân hàng của Iran, theo một số nguồn tin thân cận của Oilprice.com.

Song, lãnh tụ tối cao Ali Khamenei và các nhân vật hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo còn yêu cầu Washington phải loại bỏ một số cá nhân và doanh nghiệp Iran khỏi danh sách trừng phạt nhưng Mỹ thì khó lòng đồng ý.

Tehran đang cố gắng kết thúc đàm phán trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 18/6, nhưng các quan chức hôm 1/6 cho biết khả năng cao là đến tháng 8 thì đàm phán mới có thể dừng lại.

Dù vậy, nếu hai nước đạt được thỏa thuận và chính quyền Tổng thống Biden nới lỏng các lệnh trừng phạt, giới phân tích dự báo Iran có thể tăng sản lượng dầu thô từ con số 2,4 triệu thùng/ngày lên 4 triệu thùng/ngày trong năm tới.

Sau tháng 7 năm nay, OPEC+ được cho là sẽ giữ nguyên sản lượng cho đến tháng 4/2022 như nội dung thỏa thuận mà liên minh dầu mỏ ký kết hồi năm ngoái để giải cứu các nhà sản xuất khỏi cuộc chiến giá dầu khốc liệt.

Tại cuộc họp hôm 1/6, OPEC+ hoàn toàn không đề cập hướng hành động sau tháng 7, hai đại biểu chia sẻ với Bloomberg. Ông Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự đoán nếu OPEC+ không tăng sản lượng vào cuối năm nay, giá dầu có thể sẽ tiếp tục nhảy vọt.

"Rõ ràng là, nếu OPEC+ không thay đổi lập trường chính sách, với nhu cầu tăng trưởng mạnh ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, thị trường dầu mỏ sẽ chứng kiến một sự chênh lệch giữa cung - cầu", ông Birol nhấn mạnh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.