|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC+ sẽ chỉ tăng nhẹ sản lượng trong tháng 7?

22:31 | 29/05/2022
Chia sẻ
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu (OPEC+) dự kiến sẽ tuân theo thỏa thuận sản lượng dầu năm ngoái tại cuộc họp ngày 2/6 và chỉ nâng nhẹ sản lượng trong tháng 7.

Theo nguồn tin của Reuters, tổ chức này có thể chỉ nâng nhẹ mục tiêu sản lượng của tháng 7 lên 432.000 thùng/ngày, bất chấp lời kêu gọi của phương Tây về việc đẩy mạnh khai thác hơn nữa nhằm hạ nhiệt giá dầu thô.

Các quốc gia phương Tây, đang vật lộn với tỷ lệ lạm phát kỷ lục, đe dọa tăng trưởng kinh tế và họ liên tục yêu cầu OPEC+ đẩy nhanh việc tăng sản lượng.

Các thành viên trong nhóm cho rằng thị trường dầu đang cân bằng và việc tăng giá gần đây không liên quan đến các yếu tố cơ bản.

Theo một thỏa thuận đạt được vào tháng 7 năm ngoái, OPEC+  thống nhất tăng sản lượng khai thác dầu thô khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.

Trên thực tế sản lượng dầu của nhóm OPEC+  đã giảm mạnh do các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga và nhiều đối tác miễn cưỡng không mua dầu của nước này đã ảnh hưởng đến sản lượng khai thác. Đồng thời, sản lượng của Nigeria và Angola quá thấp so với mục tiêu.

"Tại sao phải thay đổi những gì đang hoạt động hoàn hảo?" một trong những nguồn tin cho biết. “OPEC+ sẽ thông báo tăng sản lượng lên 432.000 thùng/ngày ngay cả khi mục tiêu này khó có thể thực hiện được”

Dữ liệu nội bộ cho thấy trong tháng 4, sản lượng khai thác dầu thô của OPEC+ thấp hơn mục tiêu 2,6 triệu thùng / ngày, trong đó Nga chiếm một nửa mức thiếu hụt.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết sản lượng dầu và khí ngưng tụ ở nước này dự kiến sẽ giảm hơn 8% xuống còn 480 triệu - 500 triệu tấn trong năm nay.

Giá dầu tăng 5% trong tháng tính đến tháng 5, chủ yếu do kỳ vọng rằng Liên minh châu Âu sẽ đồng ý cấm vận nguồn cung dầu khí của Nga. Dầu thô Brent được giao dịch gần 115 USD/ thùng vào hôm 25/5.

EU đang đề xuất giảm dần việc nhập khẩu dầu thô của Nga trong 6 tháng tới và ngừng mua các sản phẩm tinh chế khác vào cuối năm nay. Song, Hungary, Slovakia và Croatia đang đe dọa sự thống nhất của khối kinh tế chung khi phản đối đề xuất này.

Bloomberg cho rằng, quan điểm của ba nước phản đối lệnh cấm nên được xem xét một cách nghiêm túc, ngay cả khi lập luận của chính phủ các nước này không thực sự thuyết phục.

Hungary, Slovakia và Croatia đều nằm ở phía nam của Druzhba - hệ thống đường ống dài hơn 4.800 km dẫn dầu thô từ khu vực Siberia vào sâu trong châu Âu. Các nhà máy lọc dầu của ba nước được thiết kế đặc biệt để xử lý dầu thô được bơm từ Nga. Và tất cả sẽ gặp rắc rối nếu họ buộc phải tìm các nguồn cung thay thế vào mùa thu năm nay.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel  cho biết ông tin tưởng rằng có thể đạt được một thỏa thuận trước khi cuộc họp ngày 30/5 diễn ra.

Nga đang thúc đẩy việc bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ khi ngày càng khó khăn ở các thị trường ở Châu Âu. 

H.Mĩ