|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC lạc quan nhu cầu dầu mỏ trong trung và dài hạn

07:00 | 26/09/2024
Chia sẻ
Trong báo cáo triển vọng thường niên, OPEC đã nâng dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới trong trung và dài hạn.

Theo Reuters, mức độ tăng trưởng được dẫn dắt bởi Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông, cùng với sự chuyển dịch chậm hơn sang xe điện và các loại nhiên liệu sạch.

OPEC nhận thấy nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn so với các dự báo từ các tổ chức khác như BP và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Những tổ chức này trước đó dự đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này.

"Tương lai của nhu cầu năng lượng nằm ở các nước đang phát triển nhờ vào sự gia tăng dân số, tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa," Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho biết.

Việc tiêu thụ dầu tiếp tục tăng trong thời gian dài sẽ là tin tốt cho OPEC, khi 12 thành viên của tổ chức này phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ. Để củng cố quan điểm này, OPEC cho rằng sẽ có nhiều phản ứng trái chiều với các mục tiêu năng lượng sạch đầy” tham vọng", và dẫn chứng kế hoạch của nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu trong việc giảm quy mô các mục tiêu điện hóa.

“Không có dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh,” ông Al Ghais cho biết. “Trong năm qua, mọi người ngày càng nhận thức rõ hơn rằng thế giới chỉ chuyển đổi sang năng lượng mới khi thực sự sẵn sàng”

OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt 118,9 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2045, cao hơn khoảng 2,9 triệu thùng/ngày so với dự báo trong báo cáo năm ngoái. Báo cáo lần này mở rộng tầm nhìn đến năm 2050, khi đó dự báo nhu cầu dầu sẽ đạt 120,1 triệu thùng/ngày.

Con số này cao hơn nhiều so với dự báo của các doanh nghiệp, tổ chức khác trong ngành cho năm 2050. BP dự đoán rằng việc sử dụng dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2025 và giảm xuống còn 75 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Trong khi đó, Exxon Mobil dự đoán nhu cầu dầu sẽ duy trì trên 100 triệu thùng/ngày đến năm 2050, tương tự như mức hiện tại.

OPEC đã nhiều lần kêu gọi tăng cường đầu tư vào ngành dầu mỏ và cho biết ngành này cần khoản đầu tư trị giá 17,4 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2050, so với mức 14 nghìn tỷ USD cần đến năm 2045 mà họ ước tính trong báo cáo năm ngoái.

"Tất cả nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan cần hợp tác để đảm bảo một môi trường đầu tư dài hạn thuận lợi," ông Al Ghais viết.

OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu trung hạn. Tổ chức này cho rằng bối cảnh kinh tế đang tích cực hơn so với năm ngoái khi áp lực lạm phát giảm và các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất.

OPEC dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ đạt 111 triệu thùng/ngày vào năm 2028 và 112,3 triệu thùng/ngày vào năm 2029. Con số cho năm 2028 cao hơn 800.000 thùng/ngày so với dự đoán trước đó của năm ngoái.

Dự báo của OPEC cho năm 2029 cao hơn hơn 6 triệu thùng/ngày so với dự báo của IEA, tổ chức này vào tháng 6 dự đoán nhu cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2029 ở mức 105,6 triệu thùng/ngày. Sự chênh lệch này lớn hơn tổng sản lượng của Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cộng lại.

Năm 2020, OPEC đã thay đổi quan điểm khi đại dịch làm giảm nhu cầu dầu mỏ, cho rằng tiêu thụ sẽ đạt đỉnh vào cuối những năm 2030. Tuy nhiên, tổ chức này đã bắt đầu nâng dự báo khi nhu cầu dầu phục hồi.

OPEC dự báo đến năm 2050, sẽ có 2,9 tỷ phương tiện lưu thông trên đường, tăng 1,2 tỷ so với năm 2023. Mặc dù xe điện sẽ phát triển, các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong vẫn sẽ chiếm hơn 70% tổng số xe toàn cầu vào năm 2050, báo cáo cho biết.

"Xe điện có tiềm năng chiếm thị phần lớn hơn, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại, như hạ tầng lưới điện, năng lực sản xuất pin và khả năng tiếp cận các khoáng sản quan trọng," báo cáo nhấn mạnh.

OPEC và các đồng minh, gọi chung là OPEC+, hiện đang cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ thị trường. Báo cáo dự báo rằng thị phần của OPEC+ trên thị trường dầu mỏ sẽ tăng lên 52% vào năm 2050 so với 49% trong năm 2023, khi sản lượng dầu của Mỹ đạt đỉnh vào năm 2030 và sản lượng ngoài OPEC+ sẽ đạt đỉnh vào đầu những năm 2030.

H.Mĩ

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.