OPEC hủy buổi họp vào tháng 4, duy trì thỏa thuận giảm sản xuất
OPEC và các đồng minh cho biết họ sẽ hủy buổi gặp mặt đã được lên kế hoạch vào hai ngày 17 - 18/4 và tổ chức các buổi đàm phán tiếp theo vào ngày 25 - 26/6.
Nhà lãnh đạo không chính thức của OPEC, Arab Saudi cho hay thị trường đang thừa cung cho tới cuối năm nay nhưng tháng 4 vẫn là quá sớm để đưa ra bất kì một quyết định nào về chính sách sản lượng.
"Chúng tôi thống nhất rằng tháng 4 vẫn quá sớm để đưa ra bất kì quyết định sản lượng nào cho nửa cuối năm", Bộ trưởng Năng lượng của Arab Saudi, ông Khalid al-Falih, nói.
"Khi lượng dầu tồn kho đang tăng và chúng ta vẫn còn cách xa mức bình thường, chúng tôi sẽ duy trì kế hoạch, hướng thị trường tới sự cân bằng", ông nói thêm.
Mỹ đã gia tăng xuất khẩu dầu trong những tháng gần đây trong khi áp lệnh trừng phạt đối với các thành viên của OPEC, gồm Venezuela và Iran, trong nỗ lực nhằm giảm xuất khẩu của hai quốc gia này ra thị trường toàn cầu.
Chính sách của Washington đã khiến OPEC đưa ra một mức cam kết mới khi gặp khó khăn trong việc dự đoán nguồn cung và nhu cầu của thế giới.
"Chúng tôi không chịu áp lực, trừ từ thị trường", ông Falih trả lời phỏng vấn của giới báo chí khi được hỏi liệu ông bị áp lực từ Mỹ để tăng sản lượng, trước khi tham dự buổi họp Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC và các nước ngoài OPEC (JMMC) tại thủ đô Azeri, Baku (Azerbaijan).
Ảnh: Business Recorder.
Nguyên nhân khiến dầu tăng giá
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích OPEC, đổ lỗi cho tổ chức về việc giá dầu tăng cao.
Theo nhiều thành viên của OPEC, chính sách trừng phạt của ông Trump là nhân tố chính đứng sau sự tăng giá khi loại bỏ hơn 2 triệu thùng dầu thô Iran và Venezuela mỗi ngày từ thị trường.
Giá dầu thô Brent chạm đỉnh cao nhất năm 2019 vào tuần trước, đạt trên 68 USD/thùng. Arab Saudi cần giá dầu dao động quanh ngưỡng 85 USD/thùng để cân bằng ngân sách.
OPEC và các đồng minh thống nhất hồi tháng 12/2018 về việc giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương 1,2% nhu cầu cảu thế giới, trong nửa đầu năm nay nhằm kéo giá đi lên.
JMMC, gồm cả Nga, giám sát thị trường dầu và sự tuân thủ thỏa thuận giảm nguồn cung.
Lượng dầu tồn kho và đầu tư vào ngành dầu mỏ là hai nhân tố chính ảnh hưởng tới hành động của OPEC, ông Falid nói. Ông cũng cho biết thêm thị trường dầu dự kiến sẽ cần 11.000 tỉ USD tiền đầu tư trong hai thập kỉ tới để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu.
Khi được hỏi có thêm thông tin mới về khả năng Mỹ sẽ kéo dài việc miễn lệnh trừng phạt đối với những người mua dầu thô Iran, dự kiến kết thúc vào tháng 5, ông Falih nói: "Cho tới khi chúng tôi thấy điều đó ảnh hưởng tới người tiêu dùng, tới khi chúng thấy nó tác động tới lượng dầu tồn kho, chúng tôi sẽ không thay đổi kế hoạch".
Dự trữ dầu tại các quốc gia phát triển vẫn biến động, ông cho hay.
"Mục tiêu của chúng tôi là đưa dự trữ toàn cầu xuống mức bình thường, và thậm chí quan trọng hơn là chủ động bảo vệ nguồn cung khỏi sự dư thừa", ông Falih nhận định.