OPEC hết thời kiểm soát thị trường dầu mỏ thế giới?
Trong nhiều thập kỷ, tầm ảnh hưởng của OPEC lên giá dầu là không thể chối cãi. Tuy nhiên thời gian gần đây, sự ảnh hưởng của của tổ chức đã giảm sút do sự bùng nổ của dầu đá phiến Mỹ mà theo ông Douglas Rachlin nhận định OPEC không còn kiểm soát được giá dầu thô trên thị trường.
Ông cho biết thêm cuộc cách mạng dầu đá phiến đã thay đổi nhiều thứ. Bất chấp giá dầu ở mức thấp, Mỹ vẫn tăng cường khai dầu đá phiến. Điều này đồng nghĩa OPEC không còn có khả năng chi phối giá dầu thô nữa.
Bằng chứng rõ nhất là đầu tháng này OPEC gửi một bức thư yêu cầu Mỹ ngừng khai thác quá nhiều dầu. Bức thư được gửi tới Mỹ trong bối cảnh sản lượng dầu đá phiến của quốc gia này liên tục tăng đặc biệt ở khu vực bang Texas và New Mexico gây nên cơn "lũ" dầu trên thị trường, phá vỡ nỗ lực ổn định giá dầu của OPEC.
Theo tỷ phú sáng lập quỹ CQS, ông Michael Hintze, "Thực tế cho thấy Mỹ đang là nhà sản xuất chi phối" (swing producer).
Ông Hintze cho rằng sở dĩ sản lượng khai thác ở khu Permian Basin (bang Texas) lớn là do khu vực này có cấu tạo địa chất độc đáo, cho phép khai thác qua nhiều tầng đá cùng một lúc. Bên cạnh đó, các công ty khai thác ở Permian Basin sử dụng công nghệ tiên tiến giúp giảm chi phí khoan dầu.
Trong những ngày gần đây, OPEC đang tìm cách xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư. Đầu tuần này, Ả-rập Saudi và Nga đã đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm đến tháng 3/2018. Sau khi thông tin trên được công bố, giá dầu tăng mạnh sau nhiều phiên giảm.
Năm ngoái, OPEC và một số quốc gia ngoài tổ chức đã ký cam kết cắt giảm sản lượng khai thác nhằm giảm lượng dầu thừa trên thị trường và đẩy giá dầu lên. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 6 tháng đầu năm 2017.
Tuy nhiên, ông Hintze vẫn cho rằng Ả-rập Saudi không còn là nhà sản xuất chi phối nữa do tình hình tài chính của quốc gia này. Ả-rập Saudi đang trong tiến trình thực hiện kế hoạch tầm nhìn 2030 nhằm tách biệt sự lệ thuộc vào ngành công nghiệp khai thác dầu thô và đa dạng hóa nền kinh tế.
Bộ trưởng tài chính Mohammed Al Jadaan cho biết, "Hy vọng đến năm 2030 chúng tôi không còn phải lo lắng ngay cả khi giá dầu xuống còn 0 USD/thùng."
Năm ngoái, Ả-rập Saudi đã chuẩn bị một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tách biệt nền kinh tế ra khỏi sự phụ thuộc vào dầu thô. Ngay sau đó, giá dầu thô lao dốc xuống còn 26 USD/thùng, để lại một "lỗ hổng" lớn trong nguồn ngân sách quốc gia.
Kể từ đó, Ả-rập Saudi bắt đầu công cuộc ổn định nền kinh tế. Quốc gia này cắt giảm trợ cấp chính phủ, ban hành chính sách thuế mới và vay hàng tỷ USD. Đồng thời, Ả-rập Saudi còn cắt giảm lương của quan chức chính phủ, bộ trưởng cấp cao.
Ông Al Jadaan cho biết thêm: "Chính sách này được đưa ra tại thời điểm chúng tôi đang rất lo lắng về giá dầu, lo lắng về các yếu tố khác gây áp lực lên nền kinh tế. Có lẽ, đã đến lúc chính phủ cần tập trung bơm vốn để đầu tư hơn nữa cho người dân".
Ả-rập Saudi hy vọng sẽ giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 7,7% GDP năm 2017 từ mức 11,5% năm ngoái. IMF ước tính giá dầu phải tăng lên 84 USD/thùng thì Ả-rập Saudi mới có thể cân bằng được ngân sách năm 2017.
Trước phát ngôn trên, ông Hintze càng khẳng định Mỹ sẽ là quốc gia chi phối thị trường dầu. "Ai sẽ là người chi phối thị trường? Chính là Mỹ"- ông Hintze khẳng định.
Một yếu tố khác tác động đến thị trường dầu đó chính là chính quyền tổng thống Trump. Ông Rachlin cho biết chính phủ Mỹ đang tích cực hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây ông Trump đang vướng vào một số rắc rối có thể khiến môi trường chính trị có thể thay đổi.