|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới tăng trong dài hạn​

01:00 | 29/10/2022
Chia sẻ
Theo kế hoạch, OPEC sẽ cập nhật dự báo nhu cầu dầu mỏ trong dài hạn trong báo cáo Triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2022 công bố ngày 31/10 tới. Báo cáo triển vọng năm 2021 trước đó dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới ít biến động sau năm 2035.

Các nguồn tin từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định mặc dù vai trò của các loại năng lượng tái tạo và xe ô tô điện ngày một tăng, song OPEC vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn so với các dự báo mà giới chuyên ra đưa ra.

Theo kế hoạch, OPEC sẽ cập nhật dự báo nhu cầu dầu mỏ trong dài hạn trong báo cáo Triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2022 công bố ngày 31/10 tới. Báo cáo triển vọng năm 2021 trước đó dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới ít biến động sau năm 2035.

Theo OPEC, nhu cầu dầu mỏ tiếp tục tăng trưởng trong một thập niên hoặc kéo dài hơn sẽ là động lực cho các nhà sản xuất dầu mỏ và OPEC, tổ chức có 13 nước thành viên có nguồn thu phụ thuộc lớn vào dầu mỏ, cũng như thúc đẩy nhu cầu tiếp tục đầu tư vào nguồn cung dầu mới.

Tuy nhiên, người tiêu dùng và chính phủ các nước thúc giục nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để chống biến đổi khí hậu lại không vui mừng trước thông tin này.

Năm 2020, OPEC từng điều chỉnh dự báo nhu cầu dầu sẽ ít biến động do tác động của đại dịch COVID-19, sau nhiều năm dự báo nhu cầu dầu mỏ liên tục tăng. Bản cập nhật mới nhất trên có thể khiến OPEC trở thành một trong những nhà dự báo lạc quan về nhu cầu dầu.

Các dự đoán khác cho rằng nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh sớm hơn. Chẳng hạn như TotalEngergies đã dự báo điều này sẽ diễn ra trước năm 2030.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế  (IEA) ngày 27/10 cho biết nhu cầu tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ đạt đỉnh hoặc gần như không thay đổi theo mô hình tính toán của cơ quan này, trong đó nhu cầu dầu mỏ sẽ chững lại vào giữa thập niên tới.

Một nguồn tin khác của OPEC cho biết việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (U-crai-na), nơi đã khiến giá dầu và khí đốt tăng cao và dẫn đến khủng hoảng năng lượng, có thể thúc đẩy nhu cầu dầu trong thời gian tới do chuyển đổi nhiên liệu, và do sự phục hồi đang diễn ra sau đại dịch. Nguồn tin này cho biết dầu và khí đốt dự kiến sẽ vẫn là nhiên liệu chủ chốt trong cơ cấu năng lượng của thế giới cho đến giữa thế kỷ.

Năm 2021, OPEC dự báo đến năm 2045, nhu cầu dầu đạt 108,2 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 90,6 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Nhóm này sau đó đã hạ dự báo năm 2045, viện dẫn lý do từ những thay đổi hành vi của người tiêu dùng do đại dịch và cạnh tranh của các hãng sản xuất ô tô điện.

Hai cựu quan chức OPEC đã trích dẫn các xu hướng dài hạn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu. Hasan Qabazard, trưởng nhóm nghiên cứu của OPEC từ năm 2006 đến 2013, cho biết ngay cả các nước sản xuất dầu cũng quan tâm đến điện khí hóa vì ô nhiễm. Ở Kuwait (Cô-oét), mọi người đang bắt đầu mua ô tô điện.

Năm 2021, ông Qabazard cho biết nhu cầu dầu có thể đạt đỉnh trong vòng một thập niên, nhưng có thể muộn hơn và kể từ đó, ông không thay đổi quan điểm của mình.

Trong khi đó, một cựu bộ trưởng cho biết những tác động lâu dài của căng thẳng Nga-Ukraine có thể khuyến khích sự chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.

Ông Chakib Khelil, cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria (An-giê-ri) kiêm Chủ tịch OPEC, cho biết căng thẳng Nga-Ukraine đã thay đổi châu Âu và sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu và khí đốt của Nga. Châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng tái tạo trong tương lai và sử dụng ít dầu và khí đốt từ Nga.

 

Minh Hằng