|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump có kế hoạch gì để lật kèo trong ngày kiểm phiếu 6/1?

15:25 | 31/12/2020
Chia sẻ
Ngày 6/1, các nhà lập pháp sẽ tập hợp tại Quốc hội để chính thức kiểm phiếu bầu đại cử tri. Đối với ông Trump, phiên họp này nhiều khả năng sẽ là cơ hội cuối cùng để đảo ngược kết quả bầu cử và giành lấy nhiệm kỳ thứ hai.
Ông Trump có kế hoạch nào để đoạt được chiến thắng vào ngày 6/1? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty Images).

Nguồn tin của CNN cho biết ông Trump sẽ rời khu nghỉ dưỡng Palm Beach (Florida) trước buổi tiệc đón năm mới thường niên, mặc dù khách khứa đã tập trung đông đủ tại khách sạn của ông. Ông Trump thường thích xuất hiện trên thảm đỏ trước truyền thông và bạn bè, nhưng năm nay lại bất ngờ bỏ qua sự kiện này.  

Trong suốt thời gian ở Florida, Trump đổ dồn tâm trí vào kết quả bầu cử và quy trình chứng nhận phiếu đại cử tri tại Quốc hội. Sau khi thua hàng chục vụ kiện và bị Tòa án Tối cao bác bỏ đơn kháng cáo, ông Trump coi phiên họp Quốc hội là cơ hội tốt nhất để chuyển bại thành thắng.

Trên Twitter, ông Trump kêu gọi người ủng hộ theo dõi cuộc kiểm phiếu của Quốc hội. Sáng sớm 30/12, ông đăng tweet: "Ngày 6/1, hẹn gặp các bạn tại Washington DC!".

Dưới dây là hai lá bài ông Trump có thể tung ra.

Buộc ông Pence bác bỏ kết quả của các bang chiến địa

Theo Yahoo News, Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri 1887 yêu cầu phó tổng thống Mỹ chủ trì buổi họp xác nhận phiếu bầu của cử tri đoàn và thông báo người chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng. Tháng 1/2017, ông Biden - khi đó là Phó Tổng thống dưới quyền ông Obama - đã tuyên bố ông Trump đắc cử.

Trên thực tế, vai trò của phó tổng thống trong sự kiện này chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng ông Trump lại khuyến khích phó tướng của mình đảo lộn quy trình xác nhận.

Trong chuyến bay đến khu nghỉ dưỡng ở Florida, ông Trump chia sẻ lời kêu gọi rằng ông Pence nên bác bỏ số phiếu đại cử tri tại các bang chiến địa mà ông Biden giành được. Ngoài ra, ông cũng hỏi các cố vấn về trách nhiệm của ông Pence vào ngày 6/1.

Nguồn tin của CNN cho biết trước kỳ nghỉ, tổng thống đã trực tiếp đặt vấn đề và "bối rối" không hiểu vì sao ông Pence không thể đảo ngược kết quả bầu cử trước Quốc hội. Cả ông Pence lẫn các trợ lý ở Nhà Trắng đã cố giải thích rằng vai trò của ông chỉ mang tính hình thức, không thể đơn phương bác bỏ lá phiếu của cử tri đoàn.

Cựu sử gia Thượng viện Donald A. Ritchie nói với New York Times: "Pence không thể làm được gì nhiều. Việc của ông ta thực sự chỉ là đọc to các lá phiếu".

Phe Trump đang cố buộc ông Pence bác bỏ các đại cử tri hợp pháp và lựa chọn nhóm "cử tri thay thế" được đề cử bởi Đảng Cộng hòa. Đơn kiện mà Hạ nghị sĩ Louie Gohmert gửi lên tòa án ngày 27/12 lập luận rằng ông Pence có "thẩm quyền độc nhất và toàn quyền định đoạt" số phiếu đại cử tri nào của bang nào nên được tính.

Ông Pence từng định đến Trung Đông và châu Âu ngay sau buổi họp Quốc hội nhưng đã phải hoãn kế hoạch.

Trông đợi vào cuộc tranh luận của lưỡng viện Quốc hội

Với sự phản đối của Thượng nghị sĩ Josh Hawley và ít nhất một hạ nghị sĩ, phe Trump sẽ buộc Quốc hội tranh luận liệu có chấp nhận phiếu bầu của Pennsylvania hay không. Ngoài ra người ủng hộ ông Trump cũng có thể cố loại bỏ phiếu đại cử tri của các bang chiến địa khác.

Sau khi kết quả kiểm phiếu đại cử tri được công bố, thành viên Quốc hội được phép nêu phản đối. Hạ viện và Thượng viện sẽ tách ra để họp riêng và tranh luận phiếu bầu của mỗi bang. Sau hai giờ, cuộc tranh luận buộc phải kết thúc. Sau đó, mỗi viện bỏ phiếu tán thành hoặc phủ quyết kết quả của bang. Nếu người ủng hộ ông Trump phản đối kết quả của nhiều bang, quy trình trên có thể sẽ bị kéo dài. 

Trên thực tế, việc phản bác kết quả bỏ phiếu đại cử tri không phải là hiếm, nhưng chúng thường bị bác bỏ nhanh chóng và dễ dàng, Bloomberg cho biết.

Năm 2005, sau cuộc đua sát sao giữa hai ứng viên tổng thống George W. Bush và John Kerry, một nhóm đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đã phản bác phiếu bầu đại cử tri của Ohio. Thách thức này bị bác bỏ với số phiếu 267-32 ở Hạ viện và 74-1 tại Thượng viện.

Phản đối chỉ có hiệu lực khi được cả Thượng viện lẫn Thượng viện thông qua. Hạ viện đang do Đảng Dân chủ chiếm đa số nên phe Trump gần như không thể chặn được chiến thắng của ông Biden.

Ở Thượng viện, số lượng nghị sĩ công nhận chiến thắng của ông Biden cũng lớn hơn nhiều số người phải đối. Chính Lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell - đồng minh thân cận của ông Trump - cũng đã công nhận chiến thắng của ông Biden và kêu gọi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác không phản đối kết quả kiểm phiếu đại cử tri.

Kể từ khi Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri ra đời năm 1887, chưa từng có trường hợp nào phiên họp của Quốc hội thay đổi kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng.

Giang