|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Trịnh Văn Quyết và hai em gái ‘lái’ cổ phiếu thế nào?

19:41 | 31/10/2023
Chia sẻ
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái sử dụng 500 tài khoản chứng khoán để thao túng giá 5 cổ phiếu nhóm FLC, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Hai em gái của ông Trịnh Văn Quyết và nguồn tiền ảo từ Chứng khoán BOS

Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái, nhân viên Ban Kế toán FLC) liên hệ với 45 cá nhân quan hệ họ hàng với gia đình, người thân mở 20 công ty và 500 tài khoản giao dịch tại 43 công ty chứng khoán.

Trong đó, 141 tài khoản chứng khoán được mở tại Chứng khoán BOS. Các tài khoản còn lại được mở tại các công ty chứng khoán như VNDirect, Tân Việt, Phú Hưng, Mirae Asset (Việt Nam), Bảo Việt, Sài Gòn - Hà Nội… Thông tin từ Bộ Công an, 500 tài khoản này do bà Huế quản lý, sử dụng.

Không chỉ mở lượng lớn tài khoản cho bà Huế, Chứng khoán BOS (Mã: ART) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn tiền để ông Quyết thao túng giá cổ phiếu. Theo tìm hiểu, BOS là tổ chức liên quan chặt chẽ với hệ sinh thái của Tập đoàn FLC, tên gọi cũ là Chứng khoán FLC. Công ty chứng khoán này là nơi ông Trịnh Văn Quyết từng làm chủ tịch Hội đồng Quản trị, người đại diện pháp luật.

Trong khi bà Huế quản lý và sử dụng 500 tài khoản chứng khoán, vai trò điều phối dòng tiền được trợ lực bởi em gái thứ hai là bà Trịnh Thị Thúy Nga. Bà Nga là Phó Tổng Giám đốc của Chứng khoán BOS.

Theo kết luận điều tra, đầu phiên giao dịch hàng ngày, bà Huế nhắn tin/gọi điện cho bà Nga thông báo các số tài khoản thiếu tiền, cần được cấp hạn mức để đặt lệnh mua theo chỉ đạo của ông Quyết.

Sau đó, nhóm nhân viên Phòng dịch vụ chứng khoán của BOS cấp hạn mức mua khống cho các tài khoản đang thiếu tiền của Huế bằng cách đăng nhập vào phần mềm quản trị “BOS Floor Trading”, điều số tiền vào nhóm tài khoản được Nga cung cấp và yêu cầu.

Bằng cách tạo hạn mức ảo, nhóm tài khoản chứng khoán bà Huế quản lý vẫn phản ánh số dư thực có, đủ tiền để đặt lệnh mua.

Cáo buộc của Bộ Công an, từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, bà Nga chỉ đạo nhóm nhân viên của Chứng khoán BOS thực hiện 1.568 lần cấp hạn mức ảo (chưa có tiền) cho 79 trên tổng số 141 tài khoản do bà Huế quản lý.

Tổng số tiền cấp khống cho các tài khoản 170.598 tỷ đồng, được dùng để đặt 15.128 lệnh mua tổng khối lượng 2,85 tỷ cổ phiếu của 5 mã thuộc nhóm FLC (AMD, HAI, GAB, ART, FLC) có giá trị 46.980 tỷ đồng. Lượng lớn lệnh trên không được khớp. Lượng cổ phiếu khớp mua hơn 463,3 triệu cp có tổng giá trị 11.855 tỷ đồng, trong khi tiền thực có chỉ hơn 204 tỷ đồng.

 Ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC. Nguồn: FLC.

Hé lộ nhóm viber và cách cân tiền hàng chục nghìn tỷ đồng

Số tiền thiếu gần 11.652 tỷ đồng được bà Nga, bà Nguyễn Quỳnh Anh (Tổng Giám đốc BOS), bà Quách Thị Xuân Thu (Kế toán trưởng BOS trong giai đoạn tháng 9/2018 – tháng 9/2020), bà Trần Thị Lan (Kế toán trưởng BOS từ tháng 9/2020 đến khi bị khởi tố) thực hiện thanh toán bù trừ qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD).

Về quy trình, cuối ngày giao dịch, nhân viên Chứng khoán BOS tổng hợp kết quả mua chứng khoán thiếu tiền trong nhóm tài khoản của bà Huế và chuyển cho kế toán trưởng. Sau đó, bà Thu hoặc Lan sẽ tổng hợp và nhắn tin lên nhóm chat trên ứng dụng viber có tên “BOS – Phòng kế toán và DVKH” do bà Nga lập ra.

Nhóm chat Viber này ngoài trưởng nhóm Trịnh Thị Thúy Nga còn có các lãnh đạo khác của BOS gồm bà Hương Trần Kiều Dung (Chủ tịch), ông Chu Tiến Vượng (Phó Chủ tịch), bà Nguyễn Quỳnh Anh (CEO) và một số cá nhân khác.

Về phương án thanh toán bù trừ qua VSD, bà Thu và bà Lan ký 300 ủy nhiệm chi trình Tổng Giám đốc (bà Nguyễn Quỳnh Anh) và Phó Tổng Giám đốc (bà Trịnh Thị Thúy Nga) với tổng tiền duyệt chuyển 24.636 tỷ đồng từ các tài khoản ngân hàng của BOS vào tài khoản thanh toán bù trừ được mở tại BIDV Hà Thành để VSD tự động trích tiền thanh toán. Giá trị thanh toán thay gần 9.904 tỷ đồng trên tổng số gần 11.652 tỷ đồng nêu trên.

Với hành vi trên, tháng 2/2021, Chứng khoán BOS từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt với hành vi vi phạm “cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định”.

 

5 cổ phiếu nhóm FLC bị thao túng giá thế nào?

Phương thức thao túng giá được “đội lái” FLC thực hiện với nhiều kỹ thuật. Theo kết luận điều tra, từ ngày 26/5/2017 cho đến ngày 10/01/2022, bà Trịnh Thị Minh Huế dùng 190/500 tài khoản mở tại 18 công ty chứng khoán và 83 tài khoản ngân hàng để liên tục mua bán cùng loại cổ phiếu; khớp lệnh nội nhóm (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu); mua bán khối lượng lớn để chi phối giá đóng cửa, mở cửa; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy nhằm tạo cung cầu giả.

Trong 562 phiên giao dịch, bà Huế thực hiện hàng chục nghìn lệnh mua, đồng thời hủy hàng nghìn lệnh. Ở chiều bán, em gái cựu chủ tịch FLC đặt gần 12.000 lệnh bán với khối lượng khớp bán hơn 1,3 tỷ cp, đồng thời hủy 942 lệnh bán (84,3 triệu cp).

Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của Quyết, Trịnh Thị Minh Huế bán cổ phiếu ra thị trường, giúp thu lợi bất chính 723,3 tỷ đồng”, theo kết luận điều tra.

Về thời gian, AMD là mã có thời gian thao túng ngắn nhất, dài nhất là FLC.

Từ ngày 23/9/2020 đến ngày 10/1/2022, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC tăng giá 593,4% từ 3.050 đồng/cp lên 21.150 đồng/cp. Bà Huế sử dụng 96/500 tài khoản tham gia 283/327 phiên giao dịch để mua bán, tạo cung cầu ảo. Nhóm tài khoản đã tham gia 207 phiên xác định giá đóng cửa (ATC). Với kỹ thuật kê lệnh ảo, chỉ ¼ số phiên ATC có khối lượng khớp của “đội lái” chiếm trên 25% tổng khối lượng khớp của toàn thị trường.

Kết quả chỉ đạo thao túng giá cổ phiếu FLC, ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc thu lợi bất chính hơn 397,3 tỷ đồng.

Món lợi bất chính lớn thứ hai đến từ thao túng giá cổ phiếu HAI của Nông được HAI phát sinh với số gần 239 tỷ đồng. Trong thời gian từ 26/6/2017 đến 9/2/2018, giá cổ phiếu HAI tăng 459% từ 3.780 đồng/cp lên 22.500 đồng/cp. Một mã chứng khoán khác cũng tăng bằng lần là ART (330%) nhưng thu lợi ít hơn (44,6 tỷ đồng).

Cổ phiếu GAB của Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC tăng giá mạnh nhất trong thời gian bị thao túng giá, song phát sinh số lợi thấp nhất với hơn 3,4 tỷ đồng.

Thông tin được Bộ Công an đưa ra, số tiền hơn 723 tỷ đồng thu lợi từ thao túng giá 5 cổ phiếu, ông Trịnh Văn Quyết dùng để gửi tiết kiệm (100 tỷ đồng), trả nợ (73,65 tỷ đồng), mua cổ phần Bamboo Airways (83,8 tỷ đồng), chuyển cho vợ (bà Lê Thị Ngọc Diệp) (36 tỷ đồng), sửa chữa biệt thự (7,8 tỷ đồng)… Số tiền còn lại được dùng để mua bán chứng khoán, sử dụng vào hoạt động khác của FLC và các công ty liên quan.

Với hành vi của ông Trịnh Văn Quyết, Bộ Công an kết luận “có trình độ hiểu biết về pháp luật và lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán; sáng lập Tập đoàn FLC, Chứng khoán BOS và 50 công ty khác”.

Tuy nhiên, cựu lãnh đạo FLC đã lợi dụng các quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, với thủ đoạn tinh vi, thu lợi bất chính đặc biệt lớn và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, ông Quyết đã lôi kéo, tác động những người thân trong gia đình và bạn bè thực hiện hành vi phạm tội.

Ban đầu ông Trịnh Văn Quyết đã thành khẩn khai báo về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, song khi biết bị cơ quan điều tra khởi tố bổ sung tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cựu chủ tịch FLC đã thay đổi lời khai, đổ lỗi cho em gái và những người khác.

Kết luận của Bộ Công an nêu: "Khi bị bắt, dù các chứng cứ chứng minh đã rõ nhưng ông Quyết vẫn ngoan cố không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đổ lỗi cho em gái và người khác thực hiện hành vi phạm tội”.

HL