|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Trịnh Văn Quyết: Từ sinh viên trường luật tới người giàu sàn chứng khoán

18:50 | 29/03/2022
Chia sẻ
Nói về hành trình kinh doanh của mình, ông Trịnh Văn Quyết từng nói: “Tôi không phải doanh nhân nghìn tỷ, mà Tập đoàn FLC là doanh nghiệp nghìn tỷ thôi".

 Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết. (Ảnh: Bamboo Airways).

“Tôi đi lên gần như từ hai bàn tay trắng nhưng đó là kết quả của cả một quá trình lăn lộn với thương trường, một quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tính toán làm ăn trong kinh doanh mà có”, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC từng kể về hành trình kinh doanh của mình.

Sinh ra trong một gia đình công chức tại Vĩnh Phúc, ông Trịnh Văn Quyết, 47 tuổi, từng có những năm tháng lăn lộn trong Sài Gòn sửa chữa đồ điện tử để kiếm tiền nuôi giấc mơ học lên cao.“Xuất phát điểm vào đời của tôi không mấy suôn sẻ. Tốt nghiệp cấp 3, tôi vào Sài Gòn học và làm nghề sửa chữa đồ điện tử. Hai năm sau kiếm được ít tiền, tôi mới có thể thực hiện giấc mơ học lên tiếp của mình".

Sau đó, ông Quyết thi đậu ĐH Luật Hà Nội. Ông chia sẻ rằng ngày đó, ước mơ duy nhất là giảng đường đại học và cuối cùng giấc mơ đó đã thành hiện thực, thậm chí ông Quyết còn nhận được học bổng. "Ngày biết kết quả đậu và còn được học bổng, tôi vui đến mức mà sau này, có lẽ ngay cả những niềm vui như Bamboo Airways chính thức cất cánh cũng không thể so sánh được”, Chủ tịch FLC Group chia sẻ.

Năm 24 tuổi, ông Trịnh Văn Quyết hoàn thành xong hai chương trình học tại Học viện Hành chính Quốc Gia và ĐH Luật Hà Nội.

Ngay từ thời còn là sinh viên, ông Quyết đã mở văn phòng gia sư và kinh doanh điện thoại. Với số vốn tích cóp được trong quãng thời gian này, ông Quyết mở văn phòng Luật SMiC sau khi tốt nghiệp. Năm 2008, ông thành lập công ty Tư vấn Đầu tư SMiC chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ doanh nghiệp.

Bén duyên và thành danh với bất động sản

Sau những thành công ban đầu với ngành luật, ông Trịnh Văn Quyết chuyển hướng sang bất động sản. Ông thành lập công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune với số vốn 18 tỷ đồng và chuyển đổi thành Công ty cổ phần FLC vào năm 2010. Đây là bước ngoặt lớn trong quá trình khởi nghiệp của ông.

Năm 2013, thị trường bất động sản bắt đầu chu kỳ điều chỉnh, với hàng nghìn dự án tạm dừng, chuyển nhượng. Nhận thấy đây là cơ hội mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với chi phí thấp nhất và thời gian phát triển dự án ngắn, FLC đã thúc đẩy chiến dịch mua lại Alaska Garden City tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, sau đó được đổi tên thành FLC Garden City.

Tiếp nối chiến dịch M&A của FLC còn có những cái tên như Complex Buildings số 36 Phạm Hùng (Hà Nội), nay là FLC Complex; The Lavender Hà Đông, nay là FLC Star Tower; và tòa tháp đôi tại 265 Cầu Giấy (Hà Nội), nay là Bamboo Airways Tower.

Chiến dịch M&A đưa FLC vụt sáng trên thị trường bất động sản song mảng đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng lại ghi dấu ấn mạnh, tiêu biểu với FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort, với vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng bắt đầu từ tháng 5/2014 trên đầm lầy rộng hơn 200 ha, khu nghỉ dưỡng này được đưa vào vận hành chỉ 9 tháng sau đó.

Sau FLC Sầm Sơn, tập đoàn tiếp tục mở rộng các khu nghỉ dưỡng ở nhiều tỉnh thành như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng tới Quảng Bình và Bình Định.

Năm 2017, Tập đoàn FLC lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với thương hiệu FLC FAM với quỹ đất hàng chục nghìn ha trải dài trên nhiều tỉnh thành. FLC FAM đã hợp tác với nhiều cộng tác viên đến từ Nhật Bản và Israel. Tập đoàn FLC còn mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực mới như y tế, giáo dục.  

Ngày 31/5/2017, FLC Group thành lập hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Từ tháng 3/2019, ông Trịnh Văn Quyết chính thức trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways. Ngay sau đó, ông Trịnh Văn Quyết cũng bàn giao lại chức CEO Bamboo Airways cho ông Đặng Tất Thắng, người từng giữ vai trò này từ ngày đầu thành lập. 

Năm 2019, ông Quyết đã ký thỏa thuận mua 80 chiếc máy bay Airbus và Boeing; mở ba tổng đại lý quốc tế tại Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản; cùng lời hứa hẹn khi đó là mở đường bay thẳng Việt – Mỹ.

Cuối tháng 12/2019, Bamboo chào đón tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner, trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có tàu bay thân rộng trong đội hình cất cánh. 

Năm 2017, Quỹ UniCap định giá tập đoàn FLC với mức 9 tỷ USD và hiện tại giá trị vốn hóa thị trường của FLC Group đạt khoảng 9.655 tỷ đồng, tính đến sáng 28/3. Nói về hành trình kinh doanh của mình, ông Trịnh Văn Quyết từng nói: “Tôi không phải doanh nhân nghìn tỷ, mà Tập đoàn FLC là doanh nghiệp nghìn tỷ thôi".

Hiện, ông Quyết là cổ đông lớn nhất sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn của tập đoàn. Kết phiên 29/3, giá cổ phiếu FLC giảm sàn còn 12.650 đồng/cp, tức là phần vốn của ông Quyết có giá trị thị trường hơn 2.700 tỷ đồng.

Doanh Chính