|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Trịnh Văn Quyết sẽ quay lại FLC Faros?

16:53 | 25/05/2021
Chia sẻ
Ông Trịnh Văn Quyết từng từ chức Chủ tịch HĐQT và thoái vốn khỏi FLC Faros. Tuy nhiên, có khả năng ông Quyết sẽ quay trở lại vai trò cổ đông lớn của công ty xây dựng này.
Ông Trịnh Văn Quyết sẽ quay lại làm cổ đông lớn của FLC Faros? - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết phát biểu tại một sự kiện của Tập đoàn FLC. (Ảnh: Đức Quyền).

Đại hội cổ đông thường niên của CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) sáng 25/5 đã thông qua tờ trình về việc cho phép một số cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phiếu ROS dẫn đến tỷ lệ sở hữu đạt các mức theo quy định của pháp luật mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Cụ thể, hai nhóm cổ đông gồm 1) ông Trịnh Văn Quyết và 2) Tập đoàn FLC và người có liên quan của Tập đoàn FLC có thể nâng tỷ lệ sở hữu tại FLC Faros vượt các ngưỡng 25%, 35%, 45%, 55%, 66% và 75% mà không cần làm thủ tục chào mua công khai.

Ông Trịnh Văn Quyết đang là cổ đông lớn nhất và Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC. Ông Quyết cũng từng có nhiều năm làm cổ đông lớn nhất và Chủ tịch của FLC Faros. Tuy nhiên, vào cuối năm 2019, ông Quyết bán ra 70 triệu cổ phiếu ROS, giảm tỷ lệ sở hữu từ 67,34% còn 55,01%.

Đầu tháng 4/2020, ông Quyết rút khỏi ban lãnh đạo FLC Faros rồi tiếp tục bán 288,5 triệu cổ phiếu ROS. Tại ngày 31/12/2020, ông Quyết còn nắm giữ 23,72 triệu cổ phiếu ROS, tương đương 4,18% vốn FLC Faros. 

Hiện nay, sở hữu của ông Quyết tại FLC Faros có thể đã khác với ngày cuối năm ngoái vì ông không thuộc diện phải công bố thông tin khi giao dịch nếu tỷ lệ sở hữu không vượt quá 5%.

Ông Trịnh Văn Quyết sẽ quay lại FLC Faros? - Ảnh 2.

Đại hội cổ đông thường niên của FLC Faros ngày 25/5/2021. (Ảnh: FLC Faros).

Cũng trong năm 2020, ông Quyết đã mua vào 50 triệu cổ phiếu Tập đoàn FLC và hơn 7 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB), giá trị tương ứng khoảng 220 tỷ và 1.250 tỷ đồng. 

Cuối năm 2020, đại hội cổ đông FLC GAB cho chép ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC gia tăng sở hữu vượt quá các ngưỡng 25%, 35%, 45%, 55%, 65% hoặc 75% số cổ phần có quyền biểu quyết mà không cần chào mua công khai. Sau đó, ông Quyết đã nâng tỷ lệ sở hữu tại FLC GAB từ 7,97% lên 51,1%.

Đại hội cổ đông của nhiều doanh nghiệp khác cũng đồng ý cho một số nhà đầu tư được nâng sở hữu mà không cần chào mua công khai như CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI) và CTCP Đầu tư khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD) cho phép Tập đoàn FLC; Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex - Mã: GEX) cho phép CEO Nguyễn Văn Tuấn, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho phép cha con Chủ tịch Trần Đình Long, …

Mới đây, con trai ông Trần Đình Long đã đăng ký mua 5 triệu đơn vị HPG, dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu của cả gia đình vượt ngưỡng 35%. CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn cũng đã mua vào hàng chục triệu cổ phiếu GEX.

FLC Faros dự định chào bán 60 triệu cổ phiếu ROS

Đại hội cổ đông sáng 25/5 cũng đã phê duyệt phương án chào bán riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu ROS cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Mỗi nhà đầu tư được mua không quá 20 triệu cổ phiếu.

Tổng số tiền dự kiến thu được là 600 tỷ đồng, trong đó 100 tỷ dùng để bổ sung vốn lưu động và 500 tỷ sẽ dùng để đầu tư các dự án do FLC Faros làm chủ đầu tư hoặc tổng thầu tại tỉnh Quảng Bình.

Ông Trịnh Văn Quyết có tài khoản chứng khoán niêm yết trị giá hàng nghìn tỷ đồng nên hoàn toàn đủ điều kiện được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của luật.

Ông Trịnh Văn Quyết sẽ quay lại FLC Faros? - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu ROS từ cuối năm 2017 đến nay. (Nguồn: TradingView).

Kết phiên 25/5, giá cổ phiếu ROS dừng ở 6.610 đồng/cp, tức là thấp hơn gần 34% so với mức giá chào tối thiểu bán dự kiến. Vốn hóa cả doanh nghiệp là khoảng 3.750 tỷ đồng. Để sở hữu 25% vốn của FLC Faros, nhà đầu tư sẽ cần bỏ ra hơn 900 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi "Khi nào cổ phiếu ROS về mệnh 10.000 đồng/cp?", bà Hương Trần Kiều Dung - Chủ tịch FLC Faros cho biết giá cổ phiếu là do cung cầu thị trường quyết định, ban lãnh đạo công ty chỉ biết cố gắng thực hiện tốt nhất hoạt động kinh doanh.

Đức Quyền