|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị mức án 25 - 26 năm tù, cựu lãnh đạo HOSE thấp nhất 6 năm

17:00 | 26/07/2024
Chia sẻ
Phiên tòa xét xử vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan bước sang ngày làm việc thứ tư. Chiều nay (26/7), đại diện Viện kiểm sát nhân dân công bố bản luận tội, đề nghị mức án với với các bị cáo.

Phiên tòa xét xử vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan bước sang ngày làm việc thứ tư. Chiều nay (26/7), đại diện Viện kiểm sát nhân dân công bố bản luận tội, đề nghị mức án với với các bị cáo.

Theo đại diện Viện kiểm sát, các bị cáo là người có trình độ, am hiểu pháp luật, có quyền lực điều hành tại các pháp nhân khác thực hiện hành vi thao túng gây hậu quả đặc biệt lớn, làm giảm uy tín của cơ quan nhà nước trong quản lý, tác động đến thị trường chứng khoán, môi trường đầu tư chứng khoán, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và việc thu hút dòng vốn đầu tư.

Với những hành vi trên cần có hình phạt nghiêm khắc tương xứng. Song, Viện kiểm soát cho rằng cần cân nhắc hoàn cảnh thực hiện hành vi phạm tội, hình thức tăng nặng giảm nhẹ, khoan hồng với các bị cáo thái độ ăn năn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động khắc phục hậu quả của vụ án.

Xem xét vai trò chủ mưu, Viện kiểm sát đánh giá hành vi của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC là mới và tinh vi khi sử dụng công ty FLC Faros làm công cụ, sàn HOSE làm phương tiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán nhằm chiếm đoạt số tiền lớn.

Ông Trịnh Văn Quyết được ghi nhận có thái độ hợp tác tích cực và có nguyện vọng khắc phục hậu quả, nhưng số tiền khắc phục hiện nay còn khiêm tốn (khoảng 240 tỷ đồng) trong khi tổng số tiền gây thiệt hại là hơn 4.300 tỷ đồng.

Với quan điểm như trên, ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị mức án 19 – 20 năm tù cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 5 – 6 năm tù với hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Như vậy, tổng mức án VKS đề nghị cho ông Trịnh Văn Quyết là 25 – 26 năm tù.

Hai người em của ông Trịnh Văn Quyết là bà Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga bị đề nghị mức án 17 – 19 năm tù và 10 – 12 năm tù. Cụ thể, bà Huế bị đề nghị mức án 13 – 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 4 – 5 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Bà Trịnh Thị Thúy Nga bị đề nghị mức án 7 – 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 – 4 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán. Tổng mức án đề nghị là 10 – 12 năm tù.

Với nhóm lãnh đạo tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan, VKS đề nghị mức án cho các bị cáo như bà Hương Trần Kiều Dung (11 – 13 năm tù), ông Trịnh Văn Đại (10 – 12 năm tù), ông Nguyễn Văn Mạnh (7 – 9 năm tù).

Đây là các bị cáo bị xét xử với cả hai tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán. VKS đánh giá nhóm bị cáo này giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết. Đặc biệt, bà Trịnh Thị Minh Huế là người thực hành phạm tội tích cực nhất, tạo lập các giấy tờ để nâng khống vốn điều lệ công ty, mượn Chứng minh thư nhân dân mở tài khoản chứng khoán, nhận chỉ đạo đặt lệnh mua, bán cổ phiếu.

Các bị cáo trongvụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan được đưa ra xét xử. Ảnh:Vũ Phương - Hồng Nguyên.

Nhóm bị cáo bị xét xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là những cựu lãnh đạo và nhân viên của Xây dựng FLC Faros, trong đó ông Đỗ Như Tuấn, cựu CEO bị đề nghị mức án 7 – 8 năm tù, ông Đỗ Quang Lâm, cựu CEO (8 – 9 năm tù), ông Lê Thành Vinh, cựu chủ tịch (4 – 5 năm tù), ông Nguyễn Thiện Phú, Kế toán trưởng (6 – 7 năm tù). Những bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 đến 6 năm tù.

Cùng liên quan đến nhóm tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyên CEO Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội bị đề nghị mức án 7 – 8 năm tù, ông Lê Văn Tuấn, Kiểm toán viên Công ty Kiểm toán và kế toán Hà Nội (7 – 8 năm tù) và bà Trần Thị Hạnh, Phó TGĐ Công ty Kiểm toán TTP (6 – 7 năm tù).

Với nhóm bị cáo bị xét xử tội danh thao túng thị trường chứng khoán, chủ yếu liên quan đến lãnh đạo và những nhân viên tại Chứng khoán BOS, bà Nguyễn Quỳnh Anh, CEO Chứng khoán BOS bị đề nghị mức án 4 – 5 năm tù; ông Chu Tiến Vượng, Phó Chủ tịch thường trực BOS (3 – 4 năm tù); bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Trưởng Phòng Dịch vụ chứng khoán BOS (30 – 36 tháng tù). Các bị cáo khác bị đề nghị mức án 18 – 24 tháng tù như ông Trịnh Văn Nam, Trịnh Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Nga, Hoàng Thị Huệ, Đỗ Thị Huyền Trang và Nguyễn Quang Trung.

Với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, VKS đề nghị mức án với một số bị cáo như ông Trần Đắc Sinh, Nguyên Chủ tịch HOSE (8 – 9 năm tù), ông Lê Hải Trà, Phó Tổng Giám đốc thường trực HOSE, thành viên độc lập hội đồng niêm yết (6 – 7 năm tù), ông Trầm Tuấn Vũ, nguyên Phó Tổng Giám đốc HOSE (6 – 7 năm tù).

Với tội danh công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Giám sát Công ty đại chúng thuộc UBCKNN bị đề nghị mức án 36 – 42 tháng tù, ông Dương Văn Thanh, CEO VSD (24 – 30 tháng tù), ông Phạm Trung Minh, nguyên Trưởng phòng đăng ký chứng khoán VSD (18 – 24 tháng tù).

Ngoài các bị cáo kể trên, ông Doãn Văn Phương, Cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC Faros đang bỏ trốn nên C01 đang tạm tách hành vi để xử lý sau.

HL

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.