|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Trịnh Văn Quyết: Tài sản FLC giá trị hàng tỷ USD, bán hết hơn 30% cổ phần đủ khắc phục hậu quả

09:03 | 25/07/2024
Chia sẻ
Ông Trịnh Văn Quyết, ước tính trước tòa, tài sản Tập đoàn FLC có giá trị thực có thể lên tới hàng tỷ USD, bán đi thu được hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi tỷ lệ sở hữu của ông này là hơn 30%.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC tại phiên toà. Ảnh: Phương Nguyễn.

Sáng nay (25/7), phiên tòa xét xử vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan tiếp tục diễn ra.

Theo kế hoạch, phiên tòa sáng nay bước vào phần luận tội, tuy nhiên đại diện Viện kiểm sát yêu cầu quay lại phần xét hỏi ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC liên quan đến phương án khắc phục hậu quả số tiền hơn 4.300 tỷ đồng để đánh giá các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Đại diện VKS đặt câu hỏi với ông Trịnh Văn Quyết về kế hoạch khắc phục sắp tới khi số tiền khắc phục hiện bằng khoảng 5% thiệt hại của vụ án.

Trả lời câu hỏi trên, ông Trịnh Văn Quyết cho biết số tiền khắc phục hiện quanh 240 tỷ đồng. Ông Quyết không trực tiếp nộp mà được thông báo qua luật sư.

Về số tiền còn lại, ông Quyết cho biết, kể từ khi bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 29/03/2022 về tội thao túng thị trường chứng khoán, đã làm việc với cơ quan điều tra, biết được số tiền bồi thường là 700 tỷ đồng.

Bị cáo làm việc với luật sư và điều tra viên xin dùng tài sản, quyết định bán hãng hàng không tâm huyết cả đời xây dựng. Sau khi bán thu được 200 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Cơ quan Cảnh sát điều tra. Số tiền còn lại là hơn 500 tỷ đồng. Bị cáo dự trù việc bán hãng hàng không đủ khắc phục hậu quả, ông Quyết cho biết.

Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2022, ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bị khởi tố thêm tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị truy tố hơn 3.000 tỷ đồng.

Khi biết được thông tin trên, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC mong muốn bán toàn bộ tài sản, đặc biệt là cổ phần tại tập đoàn với tỷ lệ sở hữu hơn 30%.

Nói về giá trị của Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết cho biết tập đoàn này sở hữu tài sản hàng chục tỷ đồng, sở hữu 5.000 – 6.000 phòng khách sạn hạng sang.

Cựu lãnh đạo Tập đoàn FLC ước tính trước tòa, tài sản Tập đoàn FLC có giá trị thực có thể lên tới hàng tỷ USD, bán đi thu được hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi tỷ lệ sở hữu của ông Quyết là hơn 30%.

Nếu bán cổ phần FLC và tài sản đang bị phong tỏa, ông Quyết cho rằng sẽ đủ để khắc phục hậu quả của vụ án. Tuy nhiên, đề nghị bán cổ phần FLC trên chưa được xem xét.

“Bị cáo tìm mọi biện pháp, làm việc với ai đều mong muốn khắc phục hậu quả, luôn đau đáu để khắc phục”, ông Quyết nói.

Sau phần trả lời của ông Trịnh Văn Quyết, đại diện Viện kiểm sát cho biết sẽ xem xét. Phiên tòa tạm dừng và trở lại với phần luận tội vào chiều ngày mai (26/7).

Theo cáo trạng, ông Trịnh Văn Quyết đang bị kê biên ba bất động sản tại quận Nam Từ Liêm. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra đang phong tỏa 500 tài khoản chứng khoán do bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) quản lý và sử dụng với số dư tiền hơn 7,6 tỷ đồng và 243,1 triệu cp (bao gồm 7,6 triệu cổ phiếu GAB, 215,4 triệu cp FLC và 3,156 triệu cổ phiếu ART do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu).

Hiện cả ba cổ phiếu do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu như vừa nêu trên đều đã bị hủy niêm yết, tạm ngừng giao dịch do công ty vi phạm quy định về công bố thông tin. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng, cổ phiếu FLC có giá hơn 3.000 đồng/cp. Trong khi giá đóng cửa với cổ phiếu GAB và ART là 196.000 đồng/cp và 1.300 đồng/cp. Ước tính tổng giá trị của ba cổ phiếu với mức giá như trên là hơn 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, khối tài sản đứng tên ông Trịnh Văn Quyết và đang bị ngăn chặn giao dịch còn có cổ phần tại một số công ty chưa niêm yết như FLCHomes, Nông sản Fam, FLC Travel, Trịnh Gia Việt Nam.

HL