Vụ án FLC: Bị cáo duy nhất phản cung bất ngờ nhận tội
Theo cáo trạng, ông Lê Văn Tuấn, Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA) chịu trách nhiệm trực tiếp thu thập hồ sơ, tài liệu để đánh giá, kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh theo các báo cáo tài chính của công ty Faros, được ông Nguyễn NGọc Tỉnh, Tổng Giám đốc CPA phân công trực tiếp thực hiện cuộc kiếm toán tại Faros.
Tuy nhiên, ông Tuấn không thu thập đầy đủ bằng chứng xác thực về vốn góp, sử dụng vốn góp và khả năng thu hồi các khoản ủy thác đầu tư của Faros nhưng vẫn ký vào các báo cáo tài chính kiểm toán chấp nhận toàn phần với số vốn thực góp 4.300 tỷ đồng của Faros. Hành vi trên được xác định đã giúp sức để ông Trịnh Văn Quyết hoàn thiện hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Ông Lê Văn Tuấn thừa nhận hành vi phạm tội trong giai đoạn điều tra nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội trong giai đoạn truy tố. Cụ thể, ông Tuấn không thừa nhận đã kiểm toán báo cáo tài chính của Faros và không thừa nhận ký báo cáo kiểm toán.
Trong những ngày đầu được đưa ra xét xử, trong phần xét hỏi, ông Lê Văn Tuấn tiếp tục không thừa nhận hành vi, thừa nhận khai báo không trung thực do chịu sức ép từ ông Nguyễn Ngọc Tỉnh (nguyên Tổng Giám đốc CPA).
Ông Tuấn khai trước tòa được ông Tỉnh đưa cho một bản giải trình các câu hỏi, bản giải trình được sao chép vào USB sau đó in ra để trả lời khi làm việc với cơ quan công an. Song, không ai chứng kiến việc ông Tuấn được ông Tỉnh hướng dẫn. Trước tòa, khi đối chất, ông Tỉnh bác bỏ những cáo buộc trên.
Trong phiên sáng nay (27/7), luật sư báo chữa của ông Lê Văn Tuấn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại hành vi của ông Lê Văn Tuấn, làm rõ các chứng cứ khi thân chủ không thừa nhận, không ký báo cáo phát hành và không bàn bạc giúp sức.
Vị luật sư bào chữa của ông Tuấn cũng cho rằng ông này bị ông Tỉnh “mớm lời khai”, khai báo sai sự thực, không ý thức được lời khai làm ảnh hưởng đến tính chất của vụ án. Theo đó, luật sự đề nghị làm rõ việc có hay không ông Tuấn ký phát hành báo cáo, yêu cầu giám định chữ ký.
Trong phần tự bào chữa của mình sáng nay, ông Lê Văn Tuấn xin bổ sung, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hồ sơ kiểm toán trong đó có ghi số điện thoại của từng thành viên kiểm toán để xác định việc có hay không ông này có tham gia kiểm toán.
Tuy nhiên, trong phiên chiều hôm nay (27/7), Hội đồng xét xét bất ngờ thông báo ông Lê Văn Tuấn đã nộp đơn thừa nhận tội danh.
Ông Tuấn cho biết đã không chứng minh được mình có ký hồ sơ kiểm toán hay không nên thừa nhận đã ký. Đây là quyết định trên tình thần tự nguyện.
“Có làm, nhưng có ký”, ông Tuấn nhấn mạnh khi đứng khai trước tòa.
Trước câu trả lời trên, chủ tọa phiên tòa hỏi lại ông Tuấn: “Bị cáo có ký vào báo cáo tài chính có kiểm toán của công ty Faros năm 2014, 2015 hay không?”.
“Dạ, có”, ông Lê Văn Tuấn đáp lời hai lần trước câu hỏi của chủ tọa.
Báo cáo đó được dùng để làm thủ tục niêm yết cổ phiếu của công ty Faros trên thị trường chứng khoán, Chủ tọa phiên tòa tiếp tục hỏi. Ông Tuấn tiếp tục thừa nhận.
Ngoài xác nhận tội danh, ông Lê Văn Tuấn cũng xin rút lại yêu cầu trả lại số tiền 20 triệu đồng gia đình nộp vào tài khoản của cơ quan cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả của vụ án.
Sau khi ông Tuấn nhận tội, đại diện Viện kiểm sát không có câu hỏi gì cho bị cáo này. Trong phiên xét xử hôm qua, trong phần công tố, VKS đề nghị mức án 7 – 8 năm tù với vai trò đồng phạm giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc CPA bị đề nghị mức án tương tự.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, toàn bộ bị cáo trong vụ án đều đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Trong hai phiên xét xử ngày 26 và 27/7, các luật sư đã tham gia bào chữa cho khoảng 30 bị cáo.
Riêng ngày 27/7, luật sư tham gia bào chữa cho 18 bị cáo. Hầu hết luật sư đều đồng ý với quan điểm công tố của VKS và đưa ra các tình tiết xin giảm nhẹ cho các bị cáo, mong muốn Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình.
Các tình tiết được các luật sư đưa ra như thân nhân tốt, có thành tích trong quá trình làm việc, thực hiện hành vi với vai trò là người làm công ăn lương, không thể làm trái ý kiến của “ông chủ” là ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Khi được tự bào chữa, một số bị cáo chia sẻ do quá tin tưởng vào ông Trịnh Văn Quyết trên góc độ là người nhà, bạn bè, có bị cáo thừa nhận “vừa là nhân viên, vừa là cháu nên không thể làm khác”.
Một số bị cáo khác thừa nhận không có kiến thức về tài chính, kinh tế, có người chỉ ở nhà nội trợ nhưng đã tin tưởng, nể nang ông Trịnh Văn Quyết và em gái nên đã đồng ý thực hiện các hoạt động theo như yêu cầu.
Số khác cho biết không nhận thức được hành vi. Đơn cử, bà Hoàng Thị Thu Hà bật khóc nói tin tưởng vào bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) là chị họ sẽ không đưa cho ký các giấy tờ trái pháp luật. Tuy nhiên, theo cáo trạng xác định, bà Hà đã ký các thủ tục tăng vốn, đứng tên cổ đông, nhận ủy thác đầu tư hợp thức nâng khống vốn Faros, vai trò đồng phạm giúp sức cho Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Văn Quyết.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Bình Phương bật khóc xin xem xét mức án phù hợp hơn do không nắm được kế hoạch niêm yết của Faros, hồ sơ tăng vốn khống nên đã đứng tên cổ đông, ký hợp đồng hợp tác đầu tư hợp thức việc tăng vốn.
Trong phiên ngày mai (28/7), phiên tòa xét xử vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan tiếp tục diễn ra với nội dung luật sư bào chữa cho các bị cáo.