|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị tuyên án 21 năm tù, ông Lê Hải Trà chịu án 5 năm

16:40 | 05/08/2024
Chia sẻ
Chiều nay (5/8), Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên án vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty do ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm thực hiện.

Ông Trịnh Văn Quyết cùng các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV.

Trong vụ án này, hội đồng xét xử xác định hành vi phạm tội của bị cáo tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền đặc biệt lớn, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Về tội danh, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của các bị hại, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, sao kê dữ liệu điện tử và các tài liệu do cơ quan hữu quan cung cấp, bằng chứng đã thu giữ, kết luận giám định các tài liệu đã thu giữ có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở xác định.

Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi phạm tội khác xảy ra tại công ty Faros và các đơn vị liên quan, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư sử dụng vào mục đích riêng của mình, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng công ty Faros làm công cụ cùng với ông Doãn Văn Phương và bà Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi gian đối, tăng khống vốn góp chủ sở hữu công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng sau đó thực hiện các thủ tục niêm yết để bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

“Các bị cáo đã sử dụng sàn HOSE làm công cụ phương tiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư”, HĐXX kết luận.

Để chiếm đoạt được tiền, ông Trịnh Văn Quyết đã giao ông Doãn Văn Phương và bà Trịnh Thị Minh Huế thực hiện chỉ đạo điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hóa hồ sơ nâng khống vốn, nhờ một số người đứng tên cổ đông, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty Faros gồm ông Trần Thế Anh, ông Lê Thành Vinh, ông Nguyễn Thiện Phú, bà Đặng Thị Hồng, ông Nguyễn Văn Thanh.

Các bị cáo thuộc công ty Faros, công ty kiểm toán và người thân quen của ông Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế đã thực hiện chỉ đạo của ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế cùng với ông Doãn Văn Phương để ký thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức thủ tục vốn góp khống, ghi nhận thông tin gian đối này vào báo cáo tài chính, bản cáo bạch để hoàn thành hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.

Các bị cáo thuộc vụ giám sát đại chúng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, HOSE đã sử dụng thông tin gian dối trên báo cáo tài chính kiểm toán và hồ sơ Công ty Faros cung cấp chấp nhận hồ sơ đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn HOSE.

Với động cơ, mục đích, thủ đoạn như trên, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391,1 triệu phiếu hình thành từ vốn góp khống cho các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt số tiền là hơn 3.621 tỷ đồng.

Để xảy ra hậu quả như trên, HĐXX kết luận có sự tham gia giúp sức của các bị cáo khác có trong vụ án trong quá trình nâng khống vốn góp, ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư, hợp thức hóa dòng tiền từ vốn góp khống, xác định vốn góp khống, chấp nhận niêm yết cổ phiếu để tạo điều kiện cho ông Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm bán cổ phiếu được hình thành từ vốn góp chủ sở hữu khống, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, các bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung, Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Tuân, Nguyễn Thị Hồng Dung, Đỗ Như Tuấn, Nguyễn Văn Thanh, Đàm Mai Hương, Nguyễn Bình Phương, Hoàng Thị Thu Hà, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Thành Vinh, Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Sơn, Đặng Thị Hồng, Lê Văn Sắc, Trương Văn Tài, Nguyễn Minh Điểm Trịnh Thị Út Xuân, Phạm Thị Hải Ninh, Nguyễn Thiện Phú đã giúp Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế ký các thủ tục hợp thức hồ sơ nâng khống vốn góp của Công ty Faros, thuộc hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, nhân viên kế toán của công ty Faros.

Các bị cáo này là những người thân quen, nhân viên của Tập đoàn FLC, công ty con, công ty liên kết của Tập đoàn FLC biết rõ các cổ đông của Công ty Faros không góp vốn như cam kết nhưng vẫn ký các thủ tục giúp ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế và các bị cáo khác hợp thức hồ sơ góp vốn, sử dụng vốn góp tạo dòng tiền để ghi nhận tăng vốn góp chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng trên hồ sơ sổ sách kế toán của công ty Faros trái pháp luật, giúp ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm hoàn thiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, bán cổ phiếu cho 25.853 nhà đầu tư để chiếm đoạt tiền của họ.

Các bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh, Lê Văn Tuấn, Trần Thị Hạnh biết rõ thủ tục kiểm toán và bằng chứng kiểm toán chưa đầy đủ về mặt cơ sở đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần đối với báo cáo tài chính của công ty Faros nhưng vẫn chấp thuận toàn phần báo cáo tài chính kiểm toán trái pháp luật giúp Trịnh Văn Quyết hoàn thiện thủ tục hồ sơ niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán. Hành vi của các bị cáo này tạo điều kiện cho ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của họ.

Đối với bị cáo Lê Công Điền thuộc Vụ Giám sát đại chúng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bị cáo Dương Văn Thanh và Phạm Trung Minh thuộc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam là những người có chức trách nhiệm vụ, quyền hạn trong việc công nhận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán cho công ty Faros.

“Các bị cáo này biết rõ hồ sơ đề nghị chấp chuận của công ty Faros và đăng ký chứng khoán của công ty Faros chưa đủ cơ sở xác định vốn thực góp là 4.300 tỷ đồng nhưng vẫn đồng ý chấp chuận công ty Faros là công ty đại chúng có số vốn góp là 4.300 tỷ đồng và 114 cổ đông đăng ký cổ phiếu ROS với số lượng là 430 triệu cổ phiếu có tổng giá trị là 4.300 tỷ đồng trái pháp luật, đăng thông tin sai lệch này lên thị trường chứng khoán. Sau đó, số cổ phiếu này được bán trên sàn HOSE để Trịnh Văn Quyết và đồng phạm chiếm đoạt số tiền của bị hại, gây thiệt hại cho nhà đầu tư”, chủ tọa đọc.

Các bị cáo Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ, Lê Thị Tuyết Hằng thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) là những người có chức vụ quyền hạn trong việc chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE biết rõ chưa đủ cơ sở xác định số vốn thực góp của công ty Faros là 4.300 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán và công văn số 4298 ngày 1/7/2016 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

“Nhưng bị cáo Trần Đắc Sinh do quan hệ với bị cáo Trịnh Văn Quyết đã nhận lời làm nhanh hồ sơ niêm yết của công ty Faros nên đã tác động đến các bị cáo khác là Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ, Lê Thị Tuyết Hằng để các bị cáo này đồng ý niêm yết 430 triệu cp trên sàn chứng khoán trái pháp luật, góp phần gây thiệt hại cho các nhà đầu tư số tiền là 3.621 tỷ đồng”, HĐXX kết luận.

Về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, với mục đích thu lời bất chính trên thị trường chứng khoán thông qua các cổ phiếu đã niêm yết tại các công ty trong Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân của 45 cá nhân là người thân, nhân viên thuộc Tập đoàn FLC gồm các bị cáo Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Văn Nam… đứng trên 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản chứng khoán, đứng tên cá nhân pháp nhân.

Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết đứng tên 23 tài khoản chứng khoán tại 41 công ty chứng khoán và chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế để Huế chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Nga cấp khống tiền cho các tài khoản để Trịnh Thị Minh Huế sử dụng, thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Nhóm tài khoản liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp nội bộ nhóm, không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu, mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường ở thời điểm mở cửa, đóng cửa, đặt lệnh mua bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu nói trên, thu lợi bất chính số tiền hơn 723 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thu lợi từ việc thao túng với 4 mã cổ phiếu HAI, GAB, FLC, ART là hơn 684 tỷ đồng.

Để Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga thao túng thị trường chứng khoán, thu lời bất chính hơn 684 tỷ đồng có sự tham gia tích cực của các bị cáo trong Tập đoàn FLC trong việc ký nghị quyết, chỉ đạo cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng mua bán chứng khoán.

Các bị cáo cho Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán để thaon túng thị trường chứng khoán thu lợi bất chính trên sàn chứng khoán.

Các bị cáo Hương Trần Kiều Dung, Chu Tiến Vượng, Nguyễn Quỳnh Anh thuộc Công ty BOS biết rõ Trịnh Thị Thúy Nga cấp khống cho tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế sử dụng là trái pháp luật, đã bị xử phạt hành chính nhưng không chấm dứt mà vẫn tham mưu, đề xuất cho Trịnh Thị Thúy Nga cấp khống tiền cho các tài khoản cho bị cáo Trịnh Thị Minh Huế thao túng thị trường trái pháp luật.

Với hành vi phạm tội của các bị cáo như nêu trên, HĐXX tuyên án ông Trịnh Văn Quyết, Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tội thao túng thị trường chứng khoán, tổng mức hình phạt là 21 năm. Bà Trịnh Thị Minh Huế chịu mức án 11 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 30 tháng tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng mức hình phạt là 14 năm. Bà Thị Thị Thúy Nga chịu mức án 6 năm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 năm tội thao túng thị trường chứng khoán, tổng 8 năm. Ông Nguyễn Văn Mạnh, chồng bà Trịnh Thị Thúy Nga chịu mức án tổng cộng 6 năm.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Chứng khoán BOS chịu mức án 8 năm 6 tháng, gồm 6 năm 6 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 năm về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Với nhóm tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Nguyễn Thiện Phú, Cựu phó tổng giám đốc kiêm kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng FLC Faros bị tuyên án 5 năm tù, các bị cáo Đỗ Như Tuấn (7 năm tù), Nguyễn Văn Thanh (7 năm tù), Hoàng Thị Thu Hà (7 năm 6 tháng tù), Đỗ Quang Lâm (6 năm tù), Nguyễn Thanh Bình (6 năm tù). Một số bị cáo như Đặng Thị Hồng, Lê Văn Sắc, Trương Văn Tài, Trịnh Thị Út Xuân, Phạm Thanh Hương, Phạm Thị Hải Ninh bị tuyên án 30 tháng, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng.

Với nhóm bị cáo bị xét xử tội danh Thao túng thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Quỳnh Anh và ông Chi Tiến Vượng chịu mức án cao nhất 24 tháng tù, kế đến là Nguyễn Thị Thanh Phương (20 tháng tù), Nguyễn Thị Thu Thơm (20 tháng tù), Bùi Ngọc Tú (20 tháng tù), Trần Thị Lan (16 tháng tù), Quách Thị Xuân Thu (16 tháng tù). Một số bị cáo như Nguyễn Thị Nga, Trịnh Thị Thanh Huyền, Hoàng Thị Huệ, Trịnh Văn Nam, Nguyễn Quang Trung bị tuyên 15 tháng tù, cho hưởng án treo.

Với tội danhLợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ông Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HOSE bị tuyên mức án cao nhất 6 năm 6 tháng tù. Ông Lê Hải TràCựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực HOSE bị tuyên án 5 năm tù, ông Trầm Tuấn Vũ (5 năm 6 tháng tù) và bà Lê Thị Tuyết Hằng (36 tháng tù, cho hưởng án treo). 

Với Tội danh Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, ôngLê Công Điền: Cựu vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị tuyên án 36 tháng tù. Ông Dương Văn Thanh, cựu Tổng Giám đốc VSD chịu mức án 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, ông Phạm Trung Minh bị tuyên án 18 tháng tù, cho hưởng án treo.

Dưới đây là bản án chi tiết Tòa tuyên cho các bị cáo trong vụ án.

STT

Tên

Mức án tòa tuyên

Tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1

Trịnh Văn Quyết: Cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC

21 năm

2

Trịnh Thị Minh Huế: Cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Quyết)

14 năm

3

Trịnh Thị Thúy Nga: Cựu phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột ông Quyết)

8 năm

4

Hương Trần Kiều Dung: Cựu phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC

8 năm 6 tháng

5

Trịnh Văn Đại: Cựu phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros (anh họ Quyết)

11 năm

6

Nguyễn Văn Mạnh: Nhân viên Công ty FLC Land (em rể ông Quyết, chồng Trịnh Thúy Nga)

6 năm

7

Trịnh Tuân: cựu giám đốc Công ty FLC Land (cháu họ ông Quyết

4 năm 6 tháng

8

Nguyễn Thị Hồng Dung: Thợ may (vợ Nguyễn Quang Trung, họ hàng với ông Quyết)

4 năm

Tội Thao túng thị trường chứng khoán

9

Nguyễn Quỳnh Anh: Cựu tổng giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán BOS

2 năm

10

Đỗ Thị Huyền Trang: Cựu phó phòng kế toán, Tập đoàn FLC (cháu họ ông Quyết)

15 tháng treo

11

Nguyễn Thị Nga: cựu nhân viên Ban kế toán, Tập đoàn FLC (cháu họ ông Quyết

15 tháng treo

12

Trịnh Thị Thanh Huyền: Cựu nhân viên Công ty FLC Homes (chị họ ông Quyết)

15 tháng treo

13

Hoàng Thị Huệ: Cựu nhân viên Công ty CP Thương mại và dịch vụ số FLC (cháu họ ông Quyết)

15 tháng treo

14

Trịnh Văn Nam: Cựu nhân viên Công ty CP Hàng không Tre Việt (cháu họ ông Quyết, con trai bị cáo Trịnh Văn Đại)

15 tháng treo

15

Nguyễn Thị Thanh Phương: Cựu trưởng phòng dịch vụ chứng khoán, Công ty CP Chứng khoán BOS

20 tháng

16

Nguyễn Thị Thu Thơm: Cựu phó phòng dịch vụ chứng khoán, Công ty CP Chứng khoán BOS

20 tháng

17

Bùi Ngọc Tú: Cựu phó phòng dịch vụ chứng khoán, Công ty CP Chứng khoán BOS

20 tháng

18

Quách Thị Xuân Thu: Cựu kế toán trưởng Công ty CP Chứng khoán BOS

16 tháng

19

Trần Thị Lan: Cựu kế toán trưởng Công ty CP Chứng khoán BOS

16 tháng

20

Nguyễn Quang Trung: Lái xe (em rể ông Quyết, chồng bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung)

15 tháng treo

21

Chu Tiến Vượng: Cựu phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty BOS

24 tháng

Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

22

Nguyễn Thiện Phú: Cựu phó tổng giám đốc kiêm kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng FLC Faros

5 năm

23

Đỗ Như Tuấn: Cựu tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros

7 năm

24

Đàm Mai Hương: Cựu kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng Faros

3 năm

25

Nguyễn Văn Thanh: Cựu trưởng Ban kiểm soát Công ty CP Xây dụng Faros

7 năm

26

Hoàng Thị Thu Hà: Kế toán Công ty TNHH MTV FLC Land (em họ ông Quyết)

7 năm 6 tháng

27

Trần Thế Anh: Cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC

3 năm

28

Đỗ Quang Lâm: Cựu tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros

6 năm

29

Nguyễn Thanh Bình: Cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty RTS; (bạn cùng quê ông Quyết)

6 năm

30

Lê Thành Vinh: Cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Faros

3 năm

31

Nguyễn Tiến Dũng: Cựu tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros; (bạn ông Quyết)

5 năm

32

Lê Tân Sơn: Cựu phó Chánh Văn phòng, Thư ký Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC

3 năm

33

Đặng Thị Hồng: Cựu phó trưởng Ban Pháp chế, Công ty CP Tập đoàn FLC

30 tháng treo

34

Lê Văn Sắc: Cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Địa ốc Alaska kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV FLC Land

30 tháng treo

35

Trương Văn Tài: Nhân viên Văn phòng Công ty CP Tập đoàn FLC (lái xe cho ông Quyết)

30 tháng treo

36

Nguyễn Bình Phương: Cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng FLC Faros

5 năm

37

Nguyễn Minh Điểm: Cựu nhân viên hành chính nhân sự Công ty CP Chứng khoán BOS

24 tháng treo

38

Nguyễn Ngọc Tỉnh: Cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội

6 năm

39

Lê Văn Tuấn: Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội

5 năm 6 tháng

40

Trịnh Thị Út Xuân: Cựu nhân viên Công ty dịch vụ số FLC

30 tháng treo

41

Phạm Thanh Hương: Kế toán Công ty TNHH Đầu tư Sevin

30 tháng treo

42

Phạm Thị Hải Ninh: Cựu phó ban đầu tư Tập đoàn FLC

30 tháng treo

43

Trần Thị Hạnh: Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán TTP

4 năm

Tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

44

Trần Đắc Sinh: Cựu chủ tịch HĐQT HOSE

6 năm 6 tháng

45

Lê Hải Trà: Cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực HOSE

5 năm

46

Trầm Tuấn Vũ: Cựu phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết HOSE

5 năm 6 tháng

47

Lê Thị Tuyết Hằng: Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết HOSE

3 năm treo

Tội Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán

48

Lê Công Điền: Cựu vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

3 năm

49

Dương Văn Thanh: Cựu tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam

24 tháng treo

50

Phạm Trung Minh: Cựu trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam

18 tháng treo

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Linh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.