|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vụ án FLC: Chứng khoán Mirae Asset và BIDV đề nghị phương án xử lý tài sản đảm bảo các khoản vay

12:00 | 29/07/2024
Chia sẻ
Sáng nay (29/7), tại phiên tòa xét xử vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan, đại diện của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) và Ngân hàng BIDV đã có ý kiến phát biểu về quyền lợi liên quan bị cáo trong vụ án.

Tại tòa, đại diện của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đề xuất hai yêu cầu. Thứ nhất là yêu cầu giải tỏa tài sản đảm bảo là cổ phiếu đang cầm cố tại công ty để đảm bảo khoản vay ký quỹ (margin). Thứ hai, công ty chứng khoán này yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết hoàn trả khoản vay ký quỹ đã vay tại công ty.

Theo chia sẻ của đại diện Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), tổng số lượng cổ phiếu hiện đang lưu ký tại công ty là hơn 33 triệu cổ phiếu FLC.

Để làm rõ thêm thông tin, chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: “Tài sản này hiện tại đang thế chấp tại công ty và đảm bảo cho khoản vay của bị cáo nào?”.

“Tài sản đang đảm bảo cho khoản vay của bị cáo Trịnh Văn Quyết. Công ty mong muốn quý toà xem xét để giải toả tài sản đảm bảo này, để trong trường hợp cần thiết công ty có thể xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ theo đúng quy định”, phía đại diện Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đáp.

Với yêu cầu xem xét giải tỏa phong tỏa tài sản đảm bảo, hội đồng xét xử cho biết sẽ xem xét. Còn với yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết hoàn trả tiền nợ margin, chủ tọa phiên tòa cho rằng nằm ngoài nội dung của vụ án.

Cũng tại phiên tòa sáng nay, đại điện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về 5 bất động sản của các bị cáo Trịnh Văn Quyết và vợ, bị cáo Nguyễn Văn Mạnh và bị cáo Trịnh Thị Thuý Nga, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và chồng đang làm tài sản đảm bảo thế chấp cho BIDV.

“Chúng tôi có đề nghị bổ sung, trong các tài khoản chứng khoán đang bị phong toả, có 800.000 cổ phiếu của GAB là tài sản thế chấp mà bị cáo Trịnh Văn Quyết đã thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ tại BIDV theo khoản vay của CTCP FLC.

Theo đó, đề nghị của BIDV trong phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát về các biện pháp tư pháp tiếp tục kê biên và phong toả các tài khoản chứng khoán, tuy nhiên cần bổ sung là trong trường hợp tiếp tục kê biên thì khi xử lý các tài sản đó phải dành quyền ưu tiên cho các ngân hàng đã nhận thế chấp hoặc cầm cố hợp pháp trước đó”, đại diện BIDV nói.

Với yêu cầu của hai tổ chức trên, chủ tọa đặt câu hỏi với cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết rằng, “có ý kiến gì thêm liên quan đến tài sản của bị cáo không?”.

Ông Trịnh Văn Quyết đáp lời không có ý kiến gì liên quan đến yêu cầu của hai chủ nợ.

Hoàng Linh