|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Tập Cận Bình sắp công du nước ngoài lần đầu tiên sau ba năm?

15:44 | 13/08/2022
Chia sẻ
Các quan chức Trung Quốc đang lên kế hoạch cho chuyến thăm Đông Nam Á của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như một cuộc gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 11, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho hay.

Chuyến đi sắp tới là lần đầu tiên sau ba năm, nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc công du nước ngoài. Ngoài ra, đây cũng có thể là lần đầu tiên ông Tập gặp mặt trực tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden, kể từ khi nhà lãnh đạo Mỹ nhậm chức.

Tờ báo Mỹ nhận định việc chuẩn bị công du nước ngoài lần này chứng tỏ ông Tập đang tự tin về khả năng tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc ở nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ tiền lệ trước đó.

Các quan chức tham gia vào công tác chuẩn bị cho biết, nhà lãnh đạo Trung Quốc dự kiến ​​trước tiên sẽ kết thúc đại hội đảng, sau đó có thể sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo khối các quốc gia thuộc G20 trên đảo Bali của Indonesia vào ngày 15-16/11.

Tiếp đó, ông Tập dự kiến ​​sẽ tới thủ đô Bangkok của Thái Lan để tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù công tác chuẩn bị đang được thực hiện nhưng nhiều khả năng, tại đây có thể sẽ diễn ra cuộc gặp mặt giữa ông Biden và ông Tập.

“Trung Quốc ủng hộ Indonesia và Thái Lan chủ trì hai hội nghị và sẵn sàng làm việc với các bên để thúc đẩy hội nghị đạt được kết quả tích cực”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời tờ Wall Street Journal.

Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này. Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ hai nhà lãnh đạo gần đây đã thảo luận qua điện thoại về một cuộc gặp mặt trực tiếp. Hiện tại, hai bên đang làm việc để đưa ra kế hoạch chi tiết.

Lần cuối cùng ông Tập Cận Bình rời Trung Quốc là vào tháng 1/2020, trong chuyến thăm tới Myanmar, chỉ vài ngày trước khi các cơ quan y tế Trung Quốc công khai thừa nhận mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát COVID ở Vũ Hán. Năm nay, ông đã đến Hong Kong một thời gian ngắn để kỷ niệm ngày vùng lãnh thổ này được trao trả về Trung Quốc cách đây 25 năm.

Tranh giành ảnh hưởng với Mỹ

Tờ Wall Street Journal đánh giá sự vắng mặt của ông Tập trên vũ đài chính trị toàn cầu đã cản trở hoạt động ngoại giao của Trung Quốc với các quốc gia khác. Tờ báo Mỹ cho rằng cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung khó có thể diễn ra, đặc biệt là trong thời điểm gia tăng lo ngại toàn cầu về mối quan hệ xấu đi của Bắc Kinh với Washington.

Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội. Điều này làm dấy lên những lo lắng trong khu vực về khả năng xảy ra xung đột toàn diện giữa hai cường quốc.

Nếu chuyến đi diễn ra, ông Tập dự kiến ​​sẽ thăm nhiều nước khác trong khu vực và gặp gỡ trực tiếp các nhà lãnh đạo quốc gia nhằm duy trì và xây dựng lại mối quan hệ cá nhân. Tờ báo Mỹ cho rằng chuyến đi này sẽ giúp ông Tập thể hiện sự tập trung của Trung Quốc vào Đông Nam Á, nơi Mỹ đang tăng cường sự ảnh hưởng.

Với những người thân cận, sự cô lập của ông Tập trong hơn hai năm qua là do đại dịch COVID-19. Cách tiếp cận thận trọng của ông Tập đối với dịch bệnh và sự trung thành với chiến lược Zero COVID đang khiến nền kinh tế phải trả giá đắt.

Một số quan chức Trung Quốc và các chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng chuyến đi quốc tế đầu tiên của ông Tập có thể báo hiệu sự khởi đầu của việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch của Trung Quốc, cho phép nối lại các chuyến công tác xuyên biên giới vào thời điểm tăng trưởng kinh tế của đất nước đang chậm lại.

Trong khi đó, đánh giá kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 của nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Wang Huiyao, nhà sáng lập trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa cho rằng điều này có nghĩa là các hoạt động trao đổi quy mô lớn giữa Trung Quốc và thế giới sẽ được nối lại.

“Việc nối lại các trao đổi quốc tế cấp cao sẽ thúc đẩy trao đổi giữa cộng đồng doanh nghiệp, giới học thuật và các cộng đồng khác”, ông Wang nói. Tháng trước, ông Tập cũng đã tiếp Tổng thống Indonesia, Joko Widodo tại Bắc Kinh, đánh dấu lần đầu tiên ông Tập gặp mặt một nhà lãnh đạo thế giới kể từ khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2.

Mối quan hệ với Đông Nam Á

Theo Wall Street Journal, Đông Nam Á đang ở trong một tình huống ngoại giao khó xử khi tìm cách cân bằng sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ với nhiều mối quan hệ văn hóa lâu đời cũng như các liên kết kinh tế ngày càng tăng với Trung Quốc.

Trung Quốc được xếp hạng là đối tác thương mại số 1 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với hàng tỷ USD đầu tư của Trung Quốc đổ vào khu vực để tài trợ cho đường cao tốc, đường sắt, nhà máy điện và đập.

Để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, ông Biden vào tháng 5 đã tiếp các nhà lãnh đạo của các quốc gia Đông Nam Á tại Nhà Trắng, nơi ông công bố các khoản đầu tư mới của Mỹ trị giá khoảng 150 triệu USD trong khu vực, bao gồm cơ sở hạ tầng năng lượng xanh, an ninh và phát hiện bệnh sớm.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong cuộc gặp với những người đồng cấp từ các nước ASEAN tại Campuchia vào tuần trước, cho biết Mỹ quyết tâm “làm sâu sắc hơn và tăng cường” quan hệ đối tác với các quốc gia trong khu vực. 

Doanh Chính