Ngày 28/7, ông Biden sẽ điện đàm cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình
Cuộc điện đàm bất ngờ
Nguồn thạo tin của Bloomberg cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ điện đàm cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 28/7. Đây là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ tháng 3 năm nay.
Cuộc điện đàm này diễn ra vào thời điểm đặc biệt khó khăn cho mối quan hệ Mỹ - Trung: cấp dưới của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cùng các quan chức an ninh không loại trừ kế hoạch đưa bà đến thăm Đài Loan vào đầu tháng 8.
Theo nguồn tin khác, phía bà Pelosi vẫn chưa chính thức quyết định về việc dừng chân ở Đài Loan trong chuyến công du châu Á vào tháng tới.
Hồi tháng 6, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho rằng mối quan hệ giữa hai nước đã xấu đi, có lẽ là xuống “mức thấp nhất” kể từ khi quan hệ ngoại giao song phương được nối lại vào năm 1972.
Đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh đang “nghiêm túc chuẩn bị” cho khả năng bà Pelosi đến thăm hòn đảo mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình.
Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp “kiên quyết và mạnh mẽ” để đáp trả, đồng thời cảnh báo về “tác động nghiêm trọng” đối với quan hệ song phương nếu bà Pelosi tiếp tục chuyến đi.
Tờ Financial Times đưa tin, Trung Quốc cũng cảnh báo riêng với chính quyền ông Biden về một phản ứng quân sự tiềm tàng. Phát ngôn viên họ Triệu nhấn mạnh: “Mỹ sẽ phải gánh chịu tất cả hậu quả về sau”.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp lưỡng đảng vẫn khuyến khích bà Pelosi nên thực hiện chuyến đi. Họ cho rằng nếu không đến Đài Loan sau lời phản đối của Bắc Kinh đồng nghĩa rằng Mỹ đang chùn bước trước Trung Quốc.
“Nếu chúng ta cho phép người Trung Quốc quyết định ai có thể đến thăm Đài Loan, thì chúng ta đã nhượng Đài Loan cho Trung Quốc”, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menedez bình luận.
Ở diễn biến khác, ông Biden đã khiến Trung Quốc nổi giận khi cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự.
Sau khi nói rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan “không hề thay đổi” trong một cuộc họp báo ở Tokyo, ông Biden đã trả lời “có” khi được hỏi liệu Washington sẽ có hành động “quân sự” để bảo vệ hòn đảo này nếu nó bị Trung Quốc tấn công hay không.
Các quan chức Nhà Trắng sau đó đã điều chỉnh lại bình luận của ông Biden, nói rằng Tổng thống Mỹ chỉ hứa viện trợ để giúp Đài Loan tự vệ trong trường hợp xảy ra các sự kiện thù địch.
Vấn đề thuế quan
Ông Biden - người đang hồi phục sau khi nhiễm COVID-19, cũng đang cân nhắc dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc nhằm ngăn chặn lạm phát tràn lan. Theo lời các trợ lý, ông Biden sắp đi đến quyết định cuối cùng.
Trước đó, một số cố vấn đã kêu gọi việc bãi bỏ một số mức thuế quan để hạ nhiệt lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm. Những người khác, bao gồm cả các liên đoàn lao động, lại cho rằng động thái này sẽ không tạo được mấy tác động lên giá cả và chỉ khiến Mỹ mất bớt đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Đáng chú ý là ông Biden đã nhiều lần cam kết sẽ trở thành vị tổng thống hỗ trợ nhiều nhất cho các công đoàn trong lịch sử nước Mỹ và Đảng Dân chủ đang dựa vào sự ủng hộ của người lao động cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Chia sẻ trên đài CBS cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Gina Raimondo cho biết: “Tổng thống Biden vẫn đang suy nghĩ về thuế quan. Đó là một quyết định lớn [cần cân nhắc kỹ lưỡng]”.