Louis Vuitton, Gucci, Hermes như 'ngồi trên lửa' trước lời kêu gọi 'thịnh vượng chung' của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Ngành công nghiệp hàng xa xỉ Trung Quốc đang bị bóng đêm bao phủ vì chiến dịch "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo CNN.
Việc ông Tập thúc đẩy chiến dịch này đã khiến một số nhà đầu tư trên thị trường hàng xa xỉ cảm thấy bất an. Lĩnh vực này vẫn chịu những ảnh hưởng từ việc thắt chặt quy định vài năm trước và hiện đang dựa nhiều vào sức mua của người tiêu dùng nội địa Trung Quốc.
Khách hàng Trung Quốc rất quan trọng với các hãng thời trang lớn như Louis Vuitton, Hermes và Gucci. Năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thị phần hàng xa xỉ của Trung Quốc trên toàn thế giới lại tăng gấp đôi, theo công ty tư vấn Bain. Công ty này dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất thế giới vào năm 2025, vượt qua Châu Âu và Mỹ.
Chiến dịch thắt chặt các quy định, hướng tới "thịnh vượng chung" của Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại. Nhiều chuyên gia lo lắng chiến dịch này có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng xa xỉ, lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Ngược lại, một số người tin rằng chiến dịch này có thể tốt cho việc kinh doanh. Chính phủ đã nói rõ mục tiêu của chiến dịch là nhằm xóa bớt đi khoảng cách giàu nghèo, qua đó giúp gia tăng sức mua của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia không loại trừ khả năng chính phủ có thể tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu, qua đó làm mờ đi triển vọng tăng trưởng của các nhà sản xuất túi xách, giày dép và đồ trang sức cao cấp.
"Khi chiến dịch được công bố, mọi người đã hoảng sợ. Thị trường cũng hoảng loạn bởi tất cả đã nghĩ về nỗi ám ảnh cách đây vài năm", Zuzanna Pusz, một nhà phân tích của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS chia sẻ.
Trong khi đó, các nhà phân tích Citi viết: "Trong ba tháng qua, lĩnh vực hàng xa xỉ tại Trung Quốc hoạt động kém hiệu quả hơn thị trường châu Âu do những lo ngại mới xoay quanh vấn đề "thịnh vượng chung".
Lời kêu gọi "thịnh vượng chung"
Chính quyền Bắc Kinh đã thắt chặt quy định với các doanh nghiệp tư nhân trong năm qua. Mọi thứ càng trở nên phức tạp khi ông Tập Cận Bình đề xuất một hệ thống mới, giúp phân phối của cải một cách công bằng vì lợi ích xã hội
Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã, ông Tập nói rằng cần phải "điều tiết hợp lý mức thu nhập cao quá mức, và khuyến khích những người có thu nhập cao cùng các doanh nghiệp hoạt động xã hội nhiều hơn". Vì vậy, chính quyền gợi ý nên đánh thuế các mặt hàng xa xỉ.
Thời gian qua, một số công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã cam kết quyên góp hàng tỷ USD cho chiến dịch này, bao gồm Alibaba và Tencent. Pinduoduo thậm chí còn hứa sẽ trao toàn bộ lợi nhuận thu được trong quý II cho các hoạt động xã hội.
Đã có những lo lắng xuất hiện trên thị trường hàng xa xỉ. Các nhà phân tích UBS cho biết lĩnh vực này đã không còn được ưa chuộng đối với một số nhà đầu tư, điều này chỉ ra rằng có sự không chắc chắn trong ngắn hạn đối với thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Ngân hàng Thụy Sĩ cũng lưu ý rằng "thịnh vượng chung" không phải là một khái niệm mới ở Trung Quốc.
Việc sử dụng cụm từ này bắt nguồn từ thời của Chủ tịch Mao Trạch Đông, người đã kêu gọi "thịnh vượng chung" khi chủ trương cải cách kinh tế mạnh mẽ để tước bỏ quyền lực khỏi tay các địa chủ giàu có, tầng lớp thượng lưu ở nông thôn. Năm 2012, "thịnh vượng chung" được coi là "nguyên tắc cơ bản" của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc.
Dù vậy, các nhà phân tích UBS dự đoán việc điều chỉnh và áp thuế này sẽ diễn ra một cách từ từ trong vài năm tới, cho thấy những tác động tiêu cực sẽ không đến ngay lập tức.
Một số giám đốc điều hành đã trực tiếp ra mặt để giải quyết vấn đề. Đầu tháng này, Giám đốc Tài chính LVMH, Jean Jacques Guiony nói rằng không quá quan tâm hay lo lắng đến những thông báo gần đây.
"Chúng tôi không nhận ra lý do gì để tin rằng điều này có thể gây bất lợi cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Họ là những người chiếm số đông trong lượng khách hàng của chúng tôi. Do đó, điều này đối với chúng tôi dường như không phải là tiêu cực - nếu không muốn nói là tích cực", ông Jacques nói.
Trong khi đó, Nicolas Hieronimus, CEO L'Oreal, công ty sở hữu các thương hiệu như Giorgio Armani Beauty và Lancôme chia sẻ: "Chúng tôi vẫn rất tự tin đối với thị trường Trung Quốc. Chiến dịch "thịnh vượng chung" là điều tích cực với chúng tôi".
Một chủ đề nhạy cảm
Tuy nhiên, các nhà phân tích có lý do để lo lắng. Cách đây gần một thập kỷ, ngành công nghiệp xa xỉ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một cuộc chiến chống tham nhũng lớn ở Trung Quốc. Những khoản chi tiêu quá đà của các quan chức bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ.
Chiến dịch được ông Tập triển khai vào năm 2012 đã có tác động đáng kể đến lĩnh vực hàng xa xỉ. Theo Bain, trong năm 2013, thị trường xa xỉ của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2%, so với 7% của năm trước đó.
Một số thương hiệu thời trang đã bị xa lánh vì người mua hướng đến những mặt hàng phổ thông hơn. Patricia Pao, CEO Pao Principle, một nhà tư vấn cho các thương hiệu cao cấp ở Trung Quốc nhớ lại: "Khách hàng khi đó không muốn chỉ đi dạo quanh những chiếc túi LV".
Các thương hiệu rượu cao cấp, chẳng hạn như baijiu Kweichow Moutai, cũng chứng kiến doanh số giảm đáng kể. Sau này, công ty cho biết chiến dịch đó đã tạo nên áp lực chưa từng có với ngành rượu.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2012, các khách sạn sang trọng cũng bị ảnh hưởng khi nhiều người ngừng tổ chức các buổi tiệc hội tại đây. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, một số khách sạn 5 sao vào thời điểm đó thậm chí đã yêu cầu giảm một sao, với hy vọng mức xếp hạng thấp hơn sẽ cho phép họ được thoải mái kinh doanh hơn.
"Rõ ràng có khá nhiều luồng tin tức trên thị trường về một số ngành công nghiệp khác đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp khác nhau của chính phủ Trung Quốc", nhà phân tích Pusz cho biết và tin rằng điều này có thể gây ra những cảm giác khó chịu.
Thời thế thay đổi
Với một số nhà phân tích, chiến dịch "thịnh vượng chung" năm 2021 khác với năm 2012. Theo ước tính mới nhất từ Bain, người mua sắm ở Trung Quốc chiếm 35% tổng doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn thế giới. Đến năm 2025, công ty này dự đoán con số có thể tăng lên gần 50%.
Bruno Lannes, đối tác của Bain có trụ sở tại Thượng Hải cho biết công ty của ông không sẽ thay đổi dự báo chỉ vì cam kết "thịnh vượng chung".
"Còn quá sớm để chắc chắn về bất cứ điều gì, nhưng không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy điều này sẽ gây ra tác động lớn đến các thương hiệu hàng xa xỉ. Tôi nghĩ rằng những gì xảy ra ở hiện tại rất khác với chiến dịch chống tham nhũng ngày trước", ông Bruno Lames cho biết.
Trước đây, nhiều thương hiệu xa xỉ tại Trung Quốc phát triển nhờ thói quen mua sắm của các CEO hoặc giới quan chức, thường để làm quà. Ngày nay, người mua tìm đến các thương hiệu xa xỉ để sắm đồ cho bản thân.
Tuy nhiên, một số người tiêu dùng đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu. Theo LookLook, một công ty nghiên cứu người tiêu dùng, phần lớn khách hàng Trung Quốc cho rằng việc chính phủ thực hiện chính sách "thịnh vượng chung" là lý do khiến họ cắt giảm chi tiêu.
CEO LookLook, Malinda Sanna chia sẻ: "Chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy điều đó trước đây. Tôi nghĩ rằng nhu cầu của người tiêu dùng chắc chắn vẫn còn. Vấn đề là họ đang thận trọng hơn".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/