|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Tập Cận Bình khuyên Châu Âu tự lo cho an ninh của mình, không dựa dẫm vào Mỹ

16:29 | 11/05/2022
Chia sẻ
Vào hôm 10/5, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa kêu gọi các quốc gia Châu Âu “tự lo liệu” cho vấn đề an ninh của mình.

SCMP trích dẫn thông cáo từ cả hai chính phủ Trung - Pháp cho biết, trong cuộc hội đàm nhằm giải quyết một số vấn đề căng thẳng trong quan hệ EU-Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo đồng ý cần nhanh chóng có một lệnh ngừng bắn tại Ukraine.

Phía Trung Quốc cho biết ông Tập và ông Macron nhất trí rằng “tất cả bên liên quan nên ủng hộ Nga và Ukraine khôi phục hòa bình thông qua đàm phán”.

Thông cáo của Pháp cho biết hai bên “nhắc lại cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhất trí về tính cấp thiết của một lệnh ngừng bắn”. Tuy nhiên, cả hai thông cáo đều không đề cập đến cách thức để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Macron gặp mặt tại Nhật Bản năm 2019. (Ảnh: Reuters).

Tự lo cho mình

Tương tự như lời nhận xét trong cuộc gọi video với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào hôm 9/5, ông Tập nhấn mạnh lại rằng Châu Âu nên chịu trách nhiệm cho an ninh của mình. Tuyên bố của ông Tập có thể được coi là đang nhắm vào Mỹ.

Thông cáo của Bắc Kinh cho biết “Trung Quốc đã thúc đẩy đàm phán hòa bình bằng cách riêng của mình, và hỗ trợ các quốc gia Châu Âu tự giải quyết vấn đề an ninh. Chúng ta phải đặc biệt cảnh giác trước sự hình thành của sự đối đầu nhóm, có thể gây ra nguy cơ lớn và lâu dài hơn tới an ninh và ổn định toàn cầu”.

Các quan chức cấp cao của Trung Quốc cho rằng rằng tại Ukraine, mất mát của Châu Âu là lợi ích của Mỹ. Quan chức cấp cao của Trung Quốc về châu Âu, ông Wang Lutong đăng trên Twitter: “Cuộc xung đột Ukraine đang diễn ra trên lãnh thổ Châu Âu và châu lục này sẽ bị tổn thương đầu tiên và nặng nề nhất”.

“Tuy nhiên, Washington đang thu lợi hàng tỷ USD nhờ hoạt động buôn bán vũ khí, giá xăng dầu tăng vọt và nguồn vốn chảy ngược lại nước Mỹ”, ông Wang nói.

Các quan chức Châu Âu đã phản bác lại những luận điểm này. Đại diện Cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell phát biểu trước Nghị viện Châu Âu: “Châu Âu lên án những hành động hiếu chiến của Nga với Ukraine đồng thời ủng hộ chủ quyền, dân chủ của Ukraine, không phải vì EU theo Mỹ một cách mù quáng, mà vì đó là lập trường của chúng tôi”.

Những tuyên bố này đến vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc-EU. Một hội nghị trực tuyến giữa hai bên vào hôm 1/4 đã bị ông Borrell gọi là “cuộc đối thoại của những kẻ điếc”.

Các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng bày tỏ sự thất vọng trước việc Bắc Kinh không muốn sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động tích cực tới cuộc xung đột tại Ukraine, cùng với những vấn đề từ trước như thương mại hay nhân quyền.

Vấn đề nhạy cảm

Khác hẳn những tuyên bố tập trung vào hợp tác của Đức, thông cáo từ phía Pháp cho thấy Tổng thống Macron đã nêu ra một số vấn đề nhạy cảm với Chủ tịch Tập.

Ông chúc mừng Trung Quốc đã phê chuẩn hai công ước về lao động cưỡng bức tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào tháng trước. Theo ông Macron những công ước này “giờ đây nên được thực hiện đầy đủ trên toàn quốc, đặc biệt là ở Tân Cương”.

Tổng thống Macron “nhắc lại những kỳ vọng của Pháp trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt được áp đặt lên Lithuania”. Ông cũng hối thúc chính phủ Trung Quốc dừng việc tách trẻ em Pháp khỏi phụ huynh do các biện pháp chống dịch COVID và cho phép người dân Pháp bị ảnh hưởng bởi phong tỏa có thể về nước.

Pháp có nền công nghiệp quốc phòng phát triển và tự chủ được nhiều loại vũ khí.

Đây là lần thứ hai mà hai nhà lãnh đạo hội đàm kể từ khi Tổng thống Macron đắc cử nhiệm kỳ mới. Trong cả hai dịp, Chủ tịch Tập đều nhấn mạnh tầm quan trọng về quyền tự chủ chiến lược của Châu Âu, một chính sách được ông Macron ủng hộ. Từ lâu, Tổng thống Pháp đã cổ súy ý tưởng về một Châu Âu tự cung tự cấp, từ an ninh, quốc phòng tới các công nghệ quan trọng.

Chủ tịch Tập nói với ông Macron: “Phía Trung Quốc đánh giá cao nỗ lực của Pháp về độc lập chiến lược, và hi vọng Paris sẽ tiếp tục thúc đẩy EU hiểu đúng đắn về Trung Quốc, cùng thỏa hiệp và kiềm chế những khác biệt”.

Cả hai bên đều mong muốn mở rộng quan hệ thương mại. Trung Quốc “chào đón các doanh nghiệp tài chính và công nghệ cao”, mong đợi Pháp sẽ đảm bảo “môi trường kinh doanh công bằng, không phân biệt cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và hợp tác tại Pháp”.

Tổng thống Macron nói rằng Pháp mong muốn “làm sâu sắc thêm các dự án Pháp-Trung trong lĩnh vực hàng không và năng lượng hạt nhân dân dụng”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.