Ông Nguyễn Tử Quảng đáp trả nghi vấn ngụy tạo giấy tờ xuất khẩu: Mỗi đối tác có đặc thù, quy định riêng
Từ đầu tuần cho tới nay, vụ việc ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, tuyên bố lô xuất khẩu smartphone B60 đầu tiên sang châu Âu đã nhận được không ít sự quan tâm của cộng đồng. Bên cạnh tin mừng này, ông Quảng cũng chịu sự nghi hoặc của một bộ phận cộng đồng xung quanh chứng từ xuất khẩu mà ông đăng tải trên mạng.
Câu chuyện bắt đầu khi một người dùng Facebook, tự nhận mình đã có 5 năm kinh nghiệm làm xuất nhập khẩu, cho rằng chứng từ xuất nhập khẩu phải ghi tên Seller (người bán) và Buyer (người mua) bằng tiếng Anh, không phải kiểu "nửa nạc nửa mỡ" như chứng từ Bkav thể hiện bằng tiếng Việt "CONG TY CO PHAN BKAV".
Bên cạnh đó, một số tài khoản cũng thắc mắc khi Bkav sử dụng cụm từ "Commercial Contract" để thể hiện hợp đồng thương mại thay vì "Commercial Invoice" hoặc "Packing List" hay "Sale Contract" như các hợp đồng mua bán khác.
Trước sự việc trên, CEO của Bkav đã lên tiếng, ông Quảng cho biết vấn đề này gợi lên một góc nhìn về "thế khó của người tiên phong". Ông kể lại câu chuyện năm 2015, Bkav tiên phong ra mắt smartphone "Make in Việt Nam" đầu tiên liền bị một bộ phận công chúng cho là lừa dối, nhập máy từ Trung Quốc về gắn mác, sau đó người này phải xin lỗi công khai.
Ở sự việc lần này, ông Quảng nêu ra vấn đề từ một công ty (chỉ Bkav) có tới 200 đối tác tại hàng chục quốc gia, các hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra hàng ngày trong suốt chục năm, lại được cho là thiếu chuyên nghiệp, ngụy tạo giấy tờ khi soạn hợp đồng xuất khẩu ngờ nghệch với tên công ty là tiếng Việt.
"Tôi chắc rằng không nhiều đơn vị tại Việt Nam có giao thương quốc tế nhiều như Bkav. Chúng tôi ký hợp đồng và nhập xuất linh kiện với các đối tác lớn nhỏ. Từ các tập đoàn lớn như Qualcomm, Toshiba, Samsung (cảm biến), cho đến những công ty rất đặc thù về an ninh, hoặc những công ty cả thế giới chỉ có họ sản xuất và cung cấp linh kiện độc quyền. Khi làm việc với nhiều đối tác như vậy, mỗi quốc gia, mỗi đối tác, mỗi ngân hàng của họ đều có những quy định trong giao dịch, phù hợp với đặc thù riêng", ông Quảng viết trong bài đăng của mình trên Facebook.
Ông nêu ra dẫn chứng rằng phần tên của bên mua, bên bán thì mỗi quốc gia, đối tác có thể khác nhau. Có bên sẽ yêu cầu tên công ty phải "đúng như trong giấy phép kinh doanh, không sai một ký tự", thậm chí tiếng Việt phải viết không dấu, nếu viết có dấu là sai. Có bên thì yêu cầu tên tiếng Anh.
"Điều này các bên sẽ phải kiểm tra chặt chẽ với nhau, tùy theo tập quán mỗi bên. Mục đích là đảm bảo tiền được chuyển đúng địa chỉ. Nếu sai một chút dù nhỏ, tiền có thể bị chuyển nhầm thì rất phức tạp", ông Quảng nhấn mạnh.
Theo bài viết của ông Quảng, đối với hợp đồng xuất khẩu Bphone của Bkav, ngân hàng phía Việt Nam hiển thị trên hệ thống thanh toán quốc tế, tên của Bkav theo tiếng Việt không có dấu "CONG TY CO PHAN BKAV".
Bên phía nước bạn, ở trường hợp này đề nghị sử dụng đúng như vậy để đảm bảo tiền về đúng nơi. Cũng có thể hiểu đây là tên riêng và cần để đúng nguyên bản gốc, ông Quảng chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên viên ngân hàng mảng thanh toán quốc tế cho biết, về cơ bản, vấn đề giao dịch xuất khẩu, dòng tiền, hợp đồng ngoại thương, việc Bkav ghi tên công ty trong chứng từ bằng tiếng Việt như trên là bình thường.
Khi một doanh nghiệp đăng ký mở tài khoản ở ngân hàng, ngân hàng cần đảm bảo nhập thông tin của doanh nghiệp bao gồm cả tên tiếng Việt, tên tiếng Anh và tên viết tắt trên hệ thống nội bộ.
Theo quy định của hầu hết ngân hàng tại Việt Nam, để ghi có tiền về từ nước ngoài, trên hệ thống ngân hàng, tên doanh nghiệp xuất khẩu và số tài khoản phải hiển thị thông tin chuẩn xác, trùng khớp với các thông tin trên điện chuyền tiền. Bên cạnh đó, mục đích chuyển tiền phù hợp với các quy định cũng là vấn đề quan trọng.
"Ví dụ, Bkav nhận tiền chuyển về bằng tên tiếng Anh nhưng trên hệ thống core banking (ngân hàng lõi) của ngân hàng chỉ thấy công ty có tên được ghi bằng tiếng Việt thì tuỳ theo quy trình nội bộ của ngân hàng sẽ xử lý khác nhau nhưng phần lớn trường hợp sẽ bị treo, đợi cập nhật thông tin, làm rõ, bổ sung chứng từ ấy", chuyên viên này cho biết.
Việc sử dụng cụm từ "Commercial Contract" không được ông Quảng nhắc đến trong bài đăng. Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên viên ngân hàng nói trên, các cụm từ "Commercial Contract", "Sales Contract" thậm chí "Purchasing Contract" có thể dùng thay thế được cho nhau.
Trở lại câu chuyện Bphone, dòng máy B60 cùng ba dòng khác là B40, B86 và B86s ra mắt công chúng từ tháng 6/2020 với mức giá từ 5,49 triệu đồng đến 9,99 triệu đồng.
Tuy vậy, trên thị trường mới chỉ xuất hiện hai dòng B86 và B86s, còn hai dòng B60, B40 do cập nhật GPP nên ra mắt chậm hơn so với dự kiến, dẫn tới thời điểm mở bán không còn phù hợp với thị trường, ông Quảng cho biết.
Cho tới ngày 20/3, B40 và B60 đã "biến mất" khỏi website của Bkav sau gần một năm ở trạng thái "sắp mở bán". CEO của Bkav ngay sau đó đã tuyên bố xuất khẩu lô B60 ra thị trường châu Âu hướng tới đối tượng yếu nhân và VIP. Đồng thời theo yêu cầu từ đối tác, hai mẫu máy này sẽ được chuyển đổi công năng sang dòng máy chuyên dụng về an ninh.
Ông Quảng cũng thông báo, trong thời gian tới người dùng Việt Nam vẫn có thể trải nghiệm B40 và B60 tại các Bphone Store. Về tai nghe không dây AirB, Bkav vẫn sẽ ra mắt sản phẩm theo như kế hoạch.