Ông Nguyễn Đức Tài: Trụ vững sau dịch là cơ hội để chiếm lĩnh thị phần, cắt giảm chi phí nhưng sẽ không chọn phương án sa thải nhân viên
Trụ được sau dịch là cơ hội để bứt phá
Đội ngũ lãnh đạo của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) vừa có buổi họp trực tuyến chia sẻ quan điểm, kế hoạch đầu tư tương lai để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Ý kiến của nhiều nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thu nhập người dân sụt giảm, điều này cũng làm cho chi tiêu trong tương lai được dự báo đi xuống.
Đồng tình, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động bổ sung thêm rằng phía những người bán hàng cũng sẽ chịu cảnh tượng rơi rớt nhiều sau dịch.
Nhưng ông cho rằng, ai trụ lại và chuẩn bị kỹ càng các phương án chạy nhanh về tương lai thì người đó sẽ giành thị phần của những người nằm rạp xuống để lại.
"Trong quá khứ, nhiều anh tài đã ra đi, có lẽ MWG là người lấy lại thị phần chính; do đó mà thị phần tăng liên tục", Chủ tịch Thế giới Di động chia sẻ.
Tuy nhiên ông Tài cũng nói rằng, tác động của COVID-19 là khó có thể dự báo được vì chưa từng có tiền lệ. Kế hoạch của công ty là trong bất kể tình huống nào cũng sẽ đi về tương lai với tư cách là nhà bán lẻ mạnh mẽ nhất; tức là thị trường tăng 5% thì MWG phải tăng 10 - 15% và ngược lại nếu thị trường giảm 20% thì MWG chỉ giảm đâu đó từ 5 - 10%.
Giải pháp được ban lãnh đạo công ty đưa ra trong hoàn cảnh này là tối ưu hóa chi phí tương ứng với từng kịch bản.
"Chúng tôi hoàn toàn có thể cắt giảm những loại chi phí mà mọi người vẫn nghĩ là chi phí cố định như chi phí thuê mặt bằng hay nhân công, tức là chúng tôi điều chỉnh theo tình hình kinh doanh", ông Nguyễn Đức Tài nói.
Tuy nhiên Chủ tịch MWG cho biết công ty sẽ không lựa chọn phương án cắt giảm bằng cách cho nhân viên nghỉ việc. Quan điểm của Thế giới Di động là dịch rồi cũng sẽ qua đi, nhân lực là nguồn lực quí giá, đây là những người mà công ty đã sàng lọc kì công, đưa văn hóa phục vụ khách hàng vào trong suy nghĩ; nguồn lực này công ty không muốn mất đi.
Và khi thị trường hồi phục trở lại, đây lại là vũ khí giúp công ty mở rộng. Ông Tài cho biết, hai tuần tới, thu nhập của người lao động chắc chắn bị ảnh hưởng, tuy vậy mức chi tiêu trong giai đoạn này cũng sẽ thấp xuống.
Khi được hỏi về việc liệu Thế giới Di động năm nay có thể lỗ không, ông Nguyễn Đức Tài cười và nói rằng đây là điều không tưởng.
"Điểm hòa vốn của TGDĐ và ĐMX ở mức thấp, thậm chí hiện tại các chi phí thuê mặt bằng đã được công ty cắt giảm từ 40 - 50%. Tôi không tin doanh thu các cửa hàng có thể giảm đến mức đó", Chủ tịch Thế giới Di động chia sẻ.
Thực tế là trong tháng 3 vừa qua, doanh thu của toàn hệ thống vẫn đạt con số 8.500 tỉ đồng, vẫn tăng trưởng so với cùng kì, tuy chưa đạt kế hoạch.
Doanh số tại các cửa hàng Thế giới Di động và ĐMX không giảm mạnh như tưởng tượng, điều này đem lại cho ban lãnh đạo công ty sự tự tin rất lớn. Theo ông Tài, các sản phẩm điện máy, điện thoại vẫn có đặc tính nhu cầu thiết yếu của nó, nhu cầu thay thế dường như không thấy thay đổi nhiều, trong khi nhu cầu về các mặt hàng xa xỉ sẽ giảm sút.
Bản thân các của hàng bán điện thoại và điện máy hiện được cho biết đang duy trì kiểm soát hàng tồn kho ở mức độ hợp lí để tránh việc đóng cửa hàng lâu dẫn đến lỗi mốt, ngoài ra còn được sự hỗ trợ từ phía nhà cung cấp trong việc bán hàng.
TGDĐ và ĐMX đang chuẩn bị nguồn lực cần thiết để có thể đẩy mạnh mở bán trở lại sau khi kiểm soát trở lại. Các tính toán dự kiến thực hiện vào tháng 7. Trong năm nay, hai chuỗi cửa hàng này cũng có kế hoạch mở mới thêm khoảng 100 điểm bán hàng, tuy vậy COVID-19 đã làm cho việc triển khai bị chậm lại.
Điểm sáng từ Bách Hóa Xanh với số đơn hàng tăng tới hơn 40%
Trong quãng thời gian cao điểm dịch trên cả nước, điểm sáng của Thế giới Di động đến từ chuỗi Bách Hóa Xanh do đặc thù phục vụ những sản phẩm thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Theo ông Trần Kinh doanh, doanh thu và lưu lượng khách ở tất cả các cửa hàng đều tăng. Thống kê trong tháng 3 vừa rồi, số lượt bill chỉ riêng hệ thống BHX tăng từ 12 triệu lên 17 triệu, tức tăng gần 42%. Doanh thu hệ thống đạt từ 1.800 - 1.900 tỉ đồng.
Người đứng đầu phụ trách BHX xanh cho biết lợi thế của chuỗi là giữ được mức giá bán ổn định, khác với chợ truyền thống, do đó mà uy tín được cảm nhận là đã tăng lên rõ rệt. Trong thời gian tới, BHX vẫn sẽ duy trì kế hoạch mở gần trăm cửa hàng mỗi tháng, mục tiêu mở 700 - 1.000 cửa hàng trong năm nay được dự tính sẽ cán đích sớm.
Tuy nhiên định hướng của Thế giới Di động là đưa BHX trở thành chuỗi lớn nhất, chiếm thị phần nhanh nhất trong mảng bán lẻ thực phẩm, tiêu dùng nhanh; tuy nhiên tăng trưởng phải đi kèm sự lành mạnh. Nghĩa là khi càng mở rộng, điểm hòa vốn phải đến gần.
Ông Tài cho biết, để đạt được điểm hòa vốn trong ngắn hạn, BHX chỉ cần 2 - 3 tháng; nhưng đó không phải là cuộc chơi mà hệ thống này đang chơi. Công ty mong muốn làm sao vừa mở mới, vừa làm cho khoảng cách giữa lợi nhuận gộp và chi phí giảm dần.
Trong giai đoạn xu hướng tiêu dùng của người dân thay đổi bởi ảnh hưởng dịch, Thế giới Di động cho biết đang có những động thái thích nghi. Nhân viên ở các cửa hàng offline đang phải tăng giờ làm để phục vụ lượng khách hàng đến mua sắm; cùng với đó công ty đang gấp rút xây dựng thêm 3 trung tâm phân phối mới (DC), dự kiến hoàn thành cuối tháng 4 để phục vụ mua sắm online.
Hai DC hiện có của BHX hiện đang quá tải khiến cho độ trễ đơn hàng có thể lên tới 2 - 3 ngày.
Mô hình đi chợ thay cũng đang được chuẩn bị để có thể ra mắt trong tương lai, với việc khách hàng sẽ chọn trong giỏ từ 50 - 100 mặt hàng thiết yếu, sau đó đội ngũ cộng tác viên là nhân viên nội bộ của TGDĐ sẽ thực hiện mua sắm và giao hàng.
Sẽ không vay tiền để mua cổ phiếu quĩ, cho dù định giá hấp dẫn
Nói về thị giá cổ phiếu MWG trên thị trường, ông Tài cho rằng đây là cơ hội tốt để tăng tỉ lệ sở hữu công ty. Ban lãnh đạo Thế giới Di động không màu mè, đã đăng kí mua cổ phiếu là sẽ làm.
Việc công ty có thực hiện mua cổ phiếu quĩ hay không được Chủ tịch TGDĐ giải đáp nếu có tiền dư thực sự sẽ mua, trong điều kiện là công ty không phải đi vay ngân hàng để tài trợ.
"Tôi tin rằng, không cổ đông nào muốn công ty đi vay 1.000 tỉ đồng trong trung hạn, chấp nhận giảm lãi 80 - 90 tỉ đồng mỗi năm để thực hiện mua cổ phiếu quĩ. Quan điểm của công ty là không dùng tiền vay để làm điều đó", ông Tài nói.
Giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh cũng sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp trong ngành giảm về mức định giá hấp dẫn để thực hiện hoạt động M&A. Tuy vậy, ông Tài cho biết, thứ nhất công ty cần quan tâm đến vấn đề dòng tiền; thứ hai nếu thực hiện mua bán phải chuẩn bị để bắt tay xử lí cũng sẽ mất khá nhiều công sức; thứ ba nếu thương vụ không thành công có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của đối thủ, đây là vấn đề đạo đức.
Do đó, Thế giới Di động trong năm nay sẽ không làm, ông Tài khẳng định.