|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Mai Hữu Tín: Chiến lược phát triển sản xuất thông minh cần 'tựa lưng' người láng giềng Trung Quốc

13:52 | 23/09/2022
Chia sẻ
Ông Mai Hữu Tín nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá chiến lược quốc gia xoay quanh Trung Quốc, từ đó giúp doanh nghiệp Việt có thể tồn tại khi bên cạnh là một thị trường, công xưởng sản xuất khổng lồ của thế giới.

Hôm 20/9, tại diễn đàn Cách tân công nghiệp 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I đã có những chia sẻ từ góc nhìn của một người làm kinh doanh đang trong tiến trình thúc đẩy số hóa, công nghiệp hóa hoạt động sản xuất.

Năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, đóng góp hơn 5% tổng GDP cả nước. Một số đơn vị như Google, Temasek và Bain & Co. cũng dự bảo quy mô nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 29% và đạt 57 tỷ USD đến năm 2025, vượt qua Thái Lan, Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực.

Tuy nhiên, việc đổi mới sáng tạo áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn của các doanh nghiệp trên thế giới. Theo báo cáo của Innosight, 75% doanh nghiệp trong Standard & Poors 500 Stock Index (S&P 500) của Mỹ sẽ bị thay thế trong năm 2027 do thiếu sự đổi mới công nghệ.

Bức tranh sản xuất thông minh ở Việt Nam

Hiểu được thực tế đó, ông Mai Hữu Tín cho rằng chuyển đổi số là việc buộc phải làm trong sản xuất thông minh. Tuy nhiên, Chủ tịch U&I chỉ ra một vấn đề rất lớn còn tồn tại, đó là trình độ của nhân lực.

"Chuyển đổi số hay là xây dựng năng lực số không còn là trào lưu mà là việc buộc phải làm để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh. Tuy nhiên, theo thực tế mà tôi thấy trong quá trình tiếp xúc, văn hóa tổ chức trong doanh nghiệp và nhân lực đủ khả năng cho hoạt động này, tính từ cấp giám đốc, kể cả các doanh nghiệp tư vấn.

Lý thuyết là điều ai cũng có thể đọc và hiểu được nhưng thực tiễn phức tạp trong hoạt động sản xuất, nơi ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất và thu nhập của người lao động, cần những người dám dấn thân, làm thực sự chi tiết, chứ không chỉ cưỡi ngựa xem hoa", ông Mai Hữu Tín chia sẻ.

 Chủ tịch CTCP Đầu tư U&I, ông Mai Hữu Tín. (Ảnh: BTC).

Theo ông Tín, bức tranh của sản xuất thông minh hiện đại không còn chỉ phụ thuộc vào lợi thế nguồn nhân công, nguyên vật liệu mà nó nằm ở những yếu tố vô hình.

"Nếu nói chúng ta tiết kiệm được nguyên vật liệu ở chỗ này, tiết kiệm chi phí nhân công ở chỗ khác chưa phản ánh được bức tranh sản xuất thông minh. Các yếu tố vô hình là thứ làm chúng ta mất đi nhiều giá trị nhất. Cụ thể là mất cơ hội bán hàng; tốn thời gian chờ đợi; phối hợp tác chiến kém giữa các khâu khiến chi phí phát sinh; lãnh phí nhân tài; các quyết định chưa thông minh ở mọi cấp do thiếu thông tin và kỹ năng;...

Từ đó, làm giảm năng lực sản xuất chung của chúng ta, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong từng chuỗi không cao", Chủ tịch U&I chỉ ra thực trạng của sản xuất thông minh tại Việt Nam hiện nay.

Ông Mai Hữu Tín cũng chỉ ra các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất phải đặt mục tiêu cho tiêu chuẩn sinh thái và bền vững nhằm theo kịp với xu thế phát triển tương lai của toàn cầu. Bên cạnh đó, ông Tín cho rằng, ngoài việc tập trung phát triển riêng, các chủ doanh nghiệp phải tính đến việc lập chiến lược dựa trên bức tranh chung của toàn cầu - nơi các vấn đề về sinh thái và phát triển bền vững được được các lãnh đạo thế giới ngồi lại bàn thảo.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam thể hiện quyết tâm khi đặt mục tiêu đến năm 2030 có mặt trong nhóm 40 quốc gia dẫn đầu trong chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), với mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc cùng nền kinh tế số chiếm trên 30% GDP. Để thực hiện hóa mục tiêu và khai thác tiềm năng trên, Bộ Chính trị đặc biệt đặt ra chính sách phát triển các ngành và công nghệ. 

Từ mục tiêu đó, ông Mai Hữu Tín đề cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc định hướng và cung cấp thông tin về xu thế mới cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, chủ tịch U&I bày tỏ mong muốn các cơ quan hoạch định chính sách quan tâm nhiều hơn trong hỗ trợ phát triển hạ tầng số phục vụ sản xuất thông minh; Chính phủ xem xét phối hợp các tập đoàn kinh tế trong việc vận hành các trung tâm phục vụ sản xuất số. Đồng thời, ông Tín cho rằng cơ quan quản lý nên xem xét thiết lập các bộ tiêu chí sản xuất thông minh, tạo ra ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

Chiến lược "tựa lưng" vào người láng giềng Trung Quốc

Trong bài chia sẻ của mình ông Mai Hữu Tín có trích lời cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu về việc phát triển chiến lược xoay quanh người láng giềng Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá chiến lược quốc gia, từ đó giúp doanh nghiệp Việt có thể tồn tại khi bên cạnh là một thị trường, công xưởng sản xuất khổng lồ của thế giới.

"Bài toán chung của tất cả các doanh nghiệp sản xuất Việt là làm sao tồn tại trước mũi người khổng lồ bên cạnh. Trung Quốc là người láng giềng nhưng cũng là đối thủ của chúng ta. Nhưng, hiểu biết của chúng ta về họ, đặc biệt là chiến lược trong từng ngành của Trung Quốc, thật là ít ỏi. Việt Nam rất cần một trung tâm nghiên cứu chuyên về Trung Quốc, đủ tầm để chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp về cách họ vận hành các lĩnh vực của họ", ông Mai Hữu Tín nêu quan điểm.

Bài toán con người

Lực lượng nhân sự chính là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, áp dụng sản xuất thông minh. Chủ tịch U&I chỉ ra vấn đề tồn đọng trong đa phần các ngành và lĩnh vực của Việt Nam bấy lâu nay là việc lực lượng lao động phải cần được đào tạo thêm dù đã trải qua môi trường giáo dục chuyên nghiệp như cấp Đại Học. 

Nhìn vào sản phẩm đầu ra hiện tại của hệ thống trường tại Việt Nam, ông Tín bày tỏ nỗi trăn trở về vấn đề chất lượng con người chưa đủ sức đáp ứng cho công cuộc chuyển đổi số. "Chúng ta tự hào người Việt giỏi giang, thông minh và hiếu học. Vậy bài toán này đến từ đâu? Nếu giải được, chúng ta mới có hy vọng cách tân nền công nghiệp của Việt Nam", ông Mai Hữu Tín chia sẻ giấc mơ đươc nhìn thấy những hiện tượng đến từ Việt Nam làm nên chuyện như Geely của Trung Quốc thâu tóm Volvo hay Tata Group của Ấn Độ mua lại Range Rover.

Thành Vũ

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.