|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số nhưng phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính

16:51 | 04/08/2022
Chia sẻ
Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số cần triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện "Chuyển đổi số ngành ngân hàng". (Ảnh: SBV).

Tại Sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng”,  Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là về định danh, xác thực điện tử…; kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn bất cập, kết nối, khai thác dữ liệu dân cư, bảo hiểm, thuế… còn ở phạm vi hẹp; sự tham gia phối hợp các doanh nghiệp công nghệ tài chính còn hạn chế; tội phạm công nghệ cao với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn;...

Trước tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số cần triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính.

NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. 

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. (Nguồn: SBV.

Bên cạnh đó, tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số.

Trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản luật của ngành: Luật NHNN, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Bảo hiểm tiền gửi… và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, phải chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn (NFC), công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc, tăng cường công tác tuyên truyền,... 

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế.  

Do đó, cần có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi; chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công. 

Phương Nga

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.