Lao động Nhật Bản một giờ công gấp 29 lần Việt Nam
|
Chủ đề nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội là một trong các “điểm nóng” thảo luận tại nghị trường Quốc hội những ngày qua.
Nuôi trồng năng suất cao nhất thế giới … vẫn nghèo
Nâng cao năng suất lao động nằm trong quan điểm đầu tiên và trọng tâm thứ 5 của đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 do Chính phủ trình bày trước Quốc hội mới đây.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 5 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 4,4%, mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là 5,5%. Yêu cầu tăng năng suất lao động lên mức 5,5% là cần thiết để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5-7% theo Bộ trưởng Dũng. Ông lý giải, theo dự báo, tốc độ tăng lực lượng lao động trong 5 năm tới có xu hướng giảm nhẹ, đạt khoảng 1-1,2%/năm trong khi tốc độ này trong 5 năm vừa qua là 1,45%.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Quân, đoàn Hà Nội cho rằng, Đề án Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 chưa thấy đề cập đủ và đúng mức quan điểm về phát triển nhân lực. Kế hoạch chưa phân tích đầy đủ về tác động của tái cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu thu nhập, rộng hơn là đời sống của người dân.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, TP HCM lưu ý, cần làm rõ thêm về nguồn nhân lực của các ngành kinh tế, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho những nhóm ngành sản phẩm ưu tiên.
Phân tích sự chuyển dịch lao động, trình độ tay nghề, kỹ năng lao động quản lý của nguồn nhân lực phục vụ cho tái cơ cấu kinh tế là vấn đề quan trọng cần thể hiện rõ ràng hơn trong kế hoạch, vị đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Bủi Sỹ Lợi, đoàn Thanh Hóa lại "đau đáu" với chất lượng lao động. Ông nói, Việt Nam sử dụng quá nhiều các ngành thâm dụng lao động, tức là lao động phổ thông, chi phí lao động trong giá thành sản phẩm của chúng ta chiếm 18,3%, các nước trong khu vực khoảng 16,2%.
Trong khi đó, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Trong năng suất bằng tiền có thu nhập của chủ doanh nghiệp và nhà máy vì vậy lương của chúng ta thấp so với các nước hàng chục lần. Theo đó, năng suất tính bằng tiền chúng ta thấp nhưng năng suất kỹ thuật không hề thấp”.
Ông ví dụ, một công nhân Việt Nam đứng trước máy dệt như công nhân nước khác thì năng suất hoàn toàn tương đương. Tức là năng suất về sản phẩm không thua các nước khác nhưng tính năng suất bằng tiền bao giờ cũng thấp hơn.
Chính đặc điểm tổ chức sản xuất của Việt Nam là một trong những yếu tố kéo lùi năng suất lao động. Vì vậy, nói năng suất ông Nhân đề nghị phân biệt giữa kỹ năng người lao động và đặc điểm tổ chức sản xuất của Việt Nam.
“Chúng ta trồng lúa, điều, nuôi cá bao giờ năng suất cũng thuộc vào loại cao nhất thế giới nhưng nông dân Việt Nam vẫn nghèo”, vị Chủ tịch tâm tư.
Do đó, trong thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải coi trọng tối đa việc sử dụng phát huy vốn lớn nhất của Việt Nam là con người. Sử dụng vốn con người, phát huy vốn con người là ưu tiên số 1.
Lợi thế lao động cho tới 30 năm nữa
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, nguồn lao động là lợi thế vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Ông dẫn chứng, năm 1996 cả nước có 35 triệu lao động, năm 2016 con số lên mức 54 triệu lao động. Tức là 20 năm số lao động tăng 19 triệu người. Đây là một tài sản rất quý giá và dự kiến đến năm 2035 Việt Nam có 68 triệu lao động.
Trong khi tất cả các nước phát triển đều đang trong quá trình giảm lao động và thiếu lao động vì đẻ ít. Để nguồn lao động ổn định, mỗi phụ nữa trong đời phải đẻ 2 con, tuy nhiên, Hàn Quốc tỉ lệ sinh là 1,25, Singapore 1,26, Nhật Bản 1,4 ... Như vậy, Việt Nam có lợi thế lao động cho tới 30 năm nữa, ông Nhân khẳng định.
Hơn thế, lao động Việt Nam cần cù sáng tạo và trình độ ngày càng nâng cao. Đặc biệt chi phí lao động của người Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các nước.
Ông giả thích, chi phí lao động luôn luôn tỷ lệ với GDP/người. Do đó, khi nào GDP/đầu người của Việt Nam chưa vượt ngưỡng 25.000 USD trong 30 năm tới thì chi phí lao động luôn có khả năng có lợi thế cạnh tranh.
“Một giờ công lao động ngành chế tạo máy hiện nay ở Nhật Bản gấp Việt Nam 29 lần, ở Singapore gấp 20 lần, Hàn Quốc gấp 17 lần và Đài Loan gấp 8”, ông Nguyễn Thiện Nhân ví dụ.
Các tập đoàn lớn như Samsung tại sao đầu tư vào Việt Nam, trong khi có vốn, công nghệ sẵn sàng ở chính đất nước họ? Họ chỉ thiếu lao động, vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc kết luận.
Do đó, giải trình trước chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: "Sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại các nguồn lực và áp dụng các khoa học, công nghệ sẽ làm tăng năng suất lao động trong từng ngành, lĩnh vực và dẫn đến năng suất lao động trong toàn nền kinh tế sẽ tăng cao hơn".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/