'Ông hoàng chốt đơn' tập hợp 450 tổ chức tài chính về chung một nhà, đạt thỏa thuận 130.000 tỷ USD ngăn biến đổi khí hậu toàn cầu
Theo Bloomberg, các ngân hàng và tổ chức đại diện cho 40% tài sản tài chính của thế giới đã cam kết đáp ứng các mục tiêu được đặt ra tại Hội nghị biến đổi khí hậu được tổ chức tại Paris.
"Người tiên phong" cho liên minh chống biến đổi khí hậu
Hơn 450 công ty đại diện cho 130.000 tỷ USD đã tập hợp lại dưới cái tên "Glasgow Financial Alliance for Net Zero" (GFANZ). Số tiền này nhiều gần gấp đôi so với khoảng 70.000 tỷ USD khi GFANZ lần đầu được ra mắt vào tháng 4, theo một báo cáo tiến độ được liên minh này công bố tuần trước.
Những đơn vị tham gia phải thực hiện đúng những cam kết dựa trên cơ sở khoa học để đạt mức phát thải khí carbon bằng 0 vào năm 2050, cũng như đạt đạt được những mục tiêu tạm thời vào năm 2030.
GFANZ được thành lập vào tháng 4 bởi lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc. Liên minh này bao gồm 6 tổ chức nhỏ trải dài khắp các mảng của ngành tài chính. Người đã góp phần tạo nên sự thành công cho GFANZ là ông Mark Carney, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Anh. Ông Carney sẽ cùng tỷ phú Michael Bloomberg, chủ sở hữu và nhà sáng lập Bloomberg LP, trở thành đồng chủ tịch GFANZ.
Trong một cuộc thảo luận chung gần đây, các bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân trong việc cải thiện môi trường, qua đó ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu.
"Việc tăng cường áp dụng năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu sẽ cần đến hàng nghìn tỷ USD, thậm chí có thể là 100.000 tỷ USD. Phần lớn trong số đó sẽ phải đến từ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là sau những thiệt hại to lớn mà đại dịch COVID-19 đã gây ra đối với ngân sách của chính phủ các nước", ông Carney nhấn mạnh.
Đối với Carney, thông báo này đánh dấu một cột mốc quan trọng sau khi ông kêu gọi được một số công ty tài chính lớn nhất thế giới đăng ký tham gia GFANZ. Trong một tuyên bố riêng, Bộ trưởng Bộ tài chính Anh Rishi Sunak gọi các cam kết này là "lịch sử". Ông cũng tận dụng cơ hội này để công bố kế hoạch biến nước Anh, quốc gia đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, trở thành nước đầu tiên trên thế giới đạt mức phát thải khí carbon bằng 0.
Vẫn tồn tại nhiều nghi ngờ
Bât chấp những lời có cánh, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về các điều khoản trong liên minh. Theo tổ chức phi lợi nhuận Reclaim Finance của Pháp, chưa có bất kỳ thành viên nào của GFANZ bị yêu cầu ký thỏa thuận ngừng tài trợ cho các dự án sử dụng nguyên liệu hóa thạch như xăng dầu, than đá...
Kể từ khi hiệp định Paris 2015 được ký kết, các ngân hàng toàn cầu đã rót 4.000 tỷ USD vào lĩnh vực dầu, khí đốt và than đá. Thậm chí, hãng tin Bloomberg cho biết chỉ riêng trong năm nay, đã có tới 500 tỷ USD được rót vào các mảng nguyên liệu hóa thạch này.
Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nói rằng: "Việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch đang đẩy chính con người đến bờ vực của sự sụp đổi. Các số liệu cũng chỉ ra rằng lời nói chưa đúng với hành động. Việc chúng ta hô hào cắt giảm lượng khí thải là có, nhưng việc thực hiện chưa đáng kể".
Vì lý do đó, Guterres cho biết ông có kế hoạch thành lập một hội đồng chuyên gia để đề xuất các tiêu chuẩn rõ ràng nhằm đo lường và phân tích những cam kết từ các tổ chức.
Cam kết thực hiện vì mục tiêu chung
Báo cáo tiến độ của GFANZ cũng nêu ra các công việc đang được tiến hành để xác định các lộ trình thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải khí carbon bằng 0. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Carney cho biết sẽ giám sát chặt chẽ hơn để đảm bảo những đơn vị tham gia liên minh thực hiện đúng cam kết. Bản thân các thành viên GFANZ cũng thể hiện sự nghiêm túc trong việc thực hiện mục tiêu chung.
Đề cập đến con số 130.000 tỷ USD, Larry Fink, Giám đốc điều hành BlackRock Inc., chia sẻ tại hội nghị COP26 rằng việc triển khai số vốn đó sẽ khó hơn nhiều so với việc đảm bảo các cam kết.
Nhận xét của ông trùng với những gì mà Giám đốc điều hành Citigroup Inc., Jane Fraser đưa ra. Đồng thời, Jane Fraser tin rằng việc thiết lập các tiêu chuẩn bền vững nhất quán sẽ giúp khách hàng đầu tư vào những dự án thân thiện với môi trường một cách đơn giản hơn.
Đối với chính phủ Anh, COP26 là cơ hội để nước này cố gắng trở thành tâm điểm trong phong trào tài chính khí hậu nhằm bù đắp lại những thiệt hại sau Brexit. Ông Sunak cho biết mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên đạt mức phát thải khí carbon bằng 0 sẽ đòi hỏi một bộ quy tắc mới, đảm bảo rằng các công ty tuân theo các tiêu chuẩn được xác định rõ hơn.
Với tư cách là người chủ trì các cuộc đàm phán COP26, Bộ trưởng Sunak chia sẻ Vương quốc Anh đã kêu gọi hơn 30 quốc gia phát triển và đang phát triển, những nước chiếm hơn 70% GDP toàn cầu, ủng hộ việc xây dựng các tiêu chuẩn báo cáo khí hậu toàn cầu mới của IFRS Foundation.
Heather McKay, cố vấn chính sách tại E3G cho biết: "Điều này rất quan trọng nếu chúng ta định hướng lại hệ thống tài chính để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu. Tôi hy vọng rằng các quốc gia khác cũng làm theo".