|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Một công ty du lịch hoạt động tại Việt Nam vẫn sống khoẻ ngay trong dịch, bí quyết là nhờ tập trung vào lĩnh vực ít ai ngờ

07:45 | 03/11/2021
Chia sẻ
Khi COVID-19 ập đến, Traveloka vẫn duy trì được sức hút của mình và sẵn sàng cho kế hoạch IPO vào năm tới.

Startup "kỳ lân" trong lĩnh vực lữ hành trực tuyến Indonesia Traveloka đang đẩy mạnh tập trung cho mảng dịch vụ tài chính trong bối cảnh đang chuẩn bị thực hiện IPO, theo Nikkei.

Trong vài năm trở lại đây, Traveloka dần trở thành một cái tên đáng chú ý trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) tại Đông Nam Á. Hiện tại, Traveloka đang mở rộng dịch vụ "mua trước, trả sau" ra bên ngoài hệ sinh thái của mình.

Khi du lịch đang dần phục hồi sau đại dịch tại một số khu vực trên thế giới, các nhà phân tích nhận dịch vụ "mua trước, trả sau" có thể sẽ giúp đẩy mạnh định giá của Traveloka khi startup này thực hiện IPO vào năm sau.

"Fintech thực sự rất quan trọng và là một trong ba cột trụ kinh doanh quan trọng của chúng tôi", ông Caesar Indra, chủ tịch Traveloka, nói với Nikkei trong một bài phỏng vấn gần đây. Hai cột trụ còn lại mà ông nhắc đến là dịch vụ lữ hành và dịch vụ đời sống, bao gồm mảng đặt vé sự kiện, hoạt động và giao đồ ăn.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này và phát triển nhiều sản phẩm hơn trong tương lai vì cơ hội là rất lớn", ông Indra nói. Mặc dù từ chối chia sẻ cụ thể về khoản đầu tư vào fintech, ông Indra "kỳ vọng fintech sẽ trở thành một nhân tố thúc đẩy doanh thu quan trọng".

Hiểu một cách đơn giản, "mua trước, trả sau" là dịch vụ tương tự thẻ tín dụng ảo chủ yếu dành cho thương mại điện tử. Dịch vụ này cho phép người dùng mua trước một sản phẩm và trả tiền sau đó, thường là dưới dạng trả góp.

"Mua trước, trả sau" nhắm đến nhóm người dùng chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ. Ví dụ, phần lớn dân số Indonesia đang có sức mua ngày càng gia tăng nhưng lại không tiếp cận được với các dịch vụ như thẻ tín dụng. Dịch vụ "mua trước, trả sau" đang thu hút được nhiều sự chú ý của các công ty công nghệ lớn như GoPay, Ovo hay Grab.

Một báo cáo vào năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Co cho thấy có 47 triệu người chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ tại Indonesia, tương đương 26% dân số trưởng thành. Indonesia hiện là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với 270 triệu dân.

Một startup du lịch Đông Nam Á tìm ra 'chìa khoá' thành công giữa mùa dịch - Ảnh 1.

(Nguồn: Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn).

Traveloka là một trong những startup đầu tiên cung cấp dịch vụ "mua trước, trả sau" tại Indonesia vào năm 2018. Mặc dù tính năng này từng chỉ nằm trong hệ sinh thái của Traveloka, startup "kỳ lân" đang muốn mở rộng dịch vụ ra bên ngoài nền tảng của mình.

Động thái mới nhất được Traveloka thực hiện vào tháng 9 khi nó hợp tác với ngân hàng quốc doanh Bank Negara Indonesia và ra mắt thẻ tín dụng ảo PayLater Virtual Card Number. Thông qua nó, người dùng có thể dụng Traveloka PayLater trên các sàn thương mại điện tử phổ biến như Tokopedia hay Shopee.

Bên cạnh đó, Traveloka cũng tham gia vào vòng gọi vốn gần đây của Sirclo, một công ty hỗ trợ thương mại điện tử cho các công ty quy mô siêu nhỏ, vừa và nhỏ tại Indonesia với mục tiêu cung cấp Traveloka PayLater khi chúng bán hàng trực tuyến sử dụng dịch vụ của Sirclo.

"Chúng tôi muốn mở rộng PayLater Virtual Number đến một tập người dùng lớn hơn", ông Indra khẳng định. Việc Traveloka có dịch vụ trả sau "có nhiều ý nghĩa vì người dùng vẫn nhìn nhận các kỳ nghỉ là chi tiêu xa xỉ và việc được chia đều chi phí trong một khoảng thời gian là rất hấp dẫn", ông Angus Mackintosh, người sáng lập CrossASEAN Research, nói.

Ông nhìn nhận rằng việc cung cấp dịch vụ trả sau dưới hình thức thẻ tín dụng cũng có nhiều ý nghĩa khi đã xác định được mức độ tín nhiệm của khách hàng. Bởi điều này đồng nghĩa với việc Traveloka vẫn "bám sát" được khách hàng với cả các khoản chi tiêu không nằm trong hệ sinh thái của mình, từ đó cải thiện cơ hội có được thêm nguồn thu.

Dù vậy, vận hành một dịch vụ fintech là một chuyển đổi quan trọng với Traveloka, startup ban đầu hoạt động trong vai trò dịch vụ tìm kiếm vé máy bay khi sáng lập vào năm 2012. Dù vậy, ông Indra nói rằng ngay từ đầu công ty của ông đã nhìn nhận dân số lớn chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ là vấn đề lớn ở Indonesia.

Bên cạnh việc cho rằng dịch vụ tín dụng là một mở rộng "tự nhiên" vì "hoà hợp tốt" với du lịch, ông Indra còn khẳng định Traveloka có thể mạnh ở hoạt động KYC (hiểu về khách hàng). Đây là khâu quan trọng trong việc ra quyết định cấp tín dụng với một cá nhân.

Hiện tại, Traveloka cũng đang tìm kiếm cơ hội mở rộng dịch vụ PayLater ra bên ngoài Indonesia với Việt Nam và Thái Lan là các thị trường hướng đến tiếp theo. Tổng cộng, 2 quốc gia này có 32 triệu dân chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ, theo báo cáo năm 2019 của Google. Cùng Indonesia, các quốc gia này chiếm 80% dân số chưa được ngân hàng phục vụ đầu đủ ở Đông Nam Á.

Ông Indra nói rằng người dùng PayLater đã tăng 7,5 lần kể từ khi ra mắt và startup này đã cung cấp 7 triệu khoản vay thông qua dịch vụ này.

Một startup du lịch Đông Nam Á tìm ra 'chìa khoá' thành công giữa mùa dịch - Ảnh 2.

Chủ tịch Traveloka Caesar Indra coi fintech là một trong ba cột trụ quan trọng nhất. (Ảnh: Nikkei).

Một lĩnh vực mà nhiều công ty công nghệ khác đã tham gia nhưng Traveloka thì chưa là dịch vụ ngân hàng. Dù vậy, ông Indra nói rằng Traveloka hiện chưa có kế hoạch phát triển mảng ngân hàng số. "Chúng tôi tin vào hoạt động hợp tác và tập trung phát triển năng lực fintech của mình", ông nhấn mạnh.

Ban đầu, Traveloka lên kế hoạch niêm yết tại Mỹ thông qua sáp nhập với một công ty SPAC có tên Brigdetown Holdings song kế hoạch này được cho là đã đổ bể. Nguồn tin nói rằng hiện Traveloka muốn IPO vào năm sau thông qua hình thức IPO truyền thống.

Nam Khánh