Ông chủ Huawei tụt hạng trong bảng xếp hạng người giàu vì các đòn của Mỹ
Bảng xếp hạng người giàu mà Hurun vừa công bố cho thấy tỉ phú Nhậm Chính Phi đã tụt hơn 100 bậc, xuống thứ 277 trên bảng xếp hạng người giàu Trung Quốc năm 2020. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm giảm 10% tài sản của ông trong năm qua, chỉ còn 19 tỉ nhân dân tệ (2,8 tỉ USD), theo SCMP.
Huawei đã mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Năm ngoái, chính quyền Trump đã đưa tập đoàn của ông Nhậm vào danh sách cấm giao dịch với các doanh nghiệp Mỹ. Washington còn gây áp lực để các đồng minh như Anh không cho Huawie cung ứng thiết bị cho hệ thống mạng 5G.
Nikkei Asian Review nhận định lệnh cấm không chỉ gây tổn hại cho Huawei trong bối cảnh họ đã vượt Samsung Electronics để trở thành hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong quí II với mức thị phần toàn cầu là 30%.
Ông Akira Minamikawa, giám đốc hãng nghiên cứu Omdia (Anh), ước tính các công ty Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cung cấp 26,4 tỉ USD linh kiện cho Huawei mỗi năm, nên họ sẽ lao đao nếu hoạt động sản xuất của Huawei gián đoạn.
Giới doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất vì họ cung cấp gần 30% linh kiện cho Huawei. Sony bán hàng tỉ USD cảm biến hình ảnh trên điện thoại cho Huawei mỗi năm. Đây là nguồn thu quan trọng của tập đoàn Nhật Bản.
Ngược lại, sự phát triển của 5G đã giúp các tỉ phú kinh doanh mảng smartphone gia tăng khối tài sản. Lôi Quân, nhà sáng lập Xiaomi, kiếm thêm 75 tỉ nhân dân tệ, nâng tổng tài sản lên 170 tỉ nhân dân tệ.
Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn Alibaba, là người đứng đầu danh sách của Hurun với khối tài sản trị giá 58,8 tỉ USD. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Jack Ma chiếm vị trí đầu tiên. Vị trí thứ hai thuộc về nhà sáng lập Tencent, tỉ phú Mã Đằng. Tài sản của ông tăng 50% so với năm ngoái, lên 57,4 tỷ USD.
2.303 tỷ phú lọt vào danh sách của Hurun - gồm những người Trung Quốc sở hữu tối thiểu 2 tỉ USD năm nay. Tạp chí sử dụng các dữ liệu công khai, cũng như phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực, giới chức chính phủ và nhiều nguồn tin khác để đánh giá tài sản của những người giàu nhất Trung Quốc.
Với những doanh nghiệp không niêm yết như Huawai, Hurun đánh giá dựa trên số liệu của các doanh nghiệp niêm yết tương đương.
Hurun ước tính những tỉ phú trong danh sách đã kiếm thêm 1.500 tỉ USD năm ngoái. Hiện tại, họ sở hữu khối tài sản trị giá 4.000 tỉ USD, nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội của Đức – nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
Rupert Hoogewerf, Chủ tịch, Trưởng nhóm nghiên cứu Hurun Report nhận định mức tăng tài sản năm nay đạt mức lớn nhất trong 22 năm của Hurun China Rich List.
Theo Rupert, thị trường chứng khoán bùng nổ và hàng loạt doanh nghiệp niêm yết mới đã tạo ra 5 tỉ phú ở Trung Quốc chỉ trong một tuần hồi năm ngoái.
"Giới quan sát chưa bao giờ thấy khối tài sản lớn như thế ra đời chỉ trong một năm. Các doanh nhân Trung Quốc đã kinh doanh hiệu quả hơn kỳ vọng bất chấp COVID-19", ông bình luận.
Tương tự, một báo cáo mới của tập đoàn kiểm toán PwC và ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cho thấy tổng tài sản của tỉ phú toàn cầu tăng lên mức 10.200 tỉ USD trong giai đoạn tháng 4 tới tháng 6, trong khi con số đó ở đầu tháng 4 chỉ là 8.000 tỉ USD, theo CNBC.
Như vậy, tổng tài sản của tỉ phú toàn cầu đã tăng 27,5% và vượt mốc kỉ lục trước là 8.900 tỉ USD hồi cuối năm 2017. Số lượng tỉ phú thế giới cũng đạt mức mới là 2.189, phá kỉ lục trước đó là 2.158 trong năm 2017.