Ông Biden sắp bắt tay soạn dự luật nghìn tỷ USD mới
Khi ra tranh cử tổng thống Mỹ, ông Joe Biden từng hứa hẹn sẽ chi hàng nghìn tỷ USD để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của nước Mỹ. Tháng 3 này, trong một bài phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Biden có thể sẽ phác thảo kế hoạch sơ bộ, nguồn tin thân cận của Reuters cho biết.
Đến tháng 4, ông Biden có thể công bố chi tiết kế hoạch, qua đó cho các nhà lập pháp vài tháng làm việc với dự luật mới trước khi Quốc hội tạm nghỉ vào tháng 8, nguồn tin nói thêm.
Reuters cho biết trong vài tuần gần đây, Nhà Trắng đã tập hợp một số chuyên gia về cơ sở hạ tầng, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp và doanh nghiệp trong nước thảo luận về chủ đề này.
Hiện tại, Đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện và có ưu thế nhỏ tại Thượng viện nhờ lá phiếu của Phó Tổng thống Kamala Harris.
Ông Biden và Đảng Dân chủ có thể phê duyệt toàn bộ hoặc các phần của dự luật mới thông qua một quy trình điều chỉnh ngân sách, khi đó họ chỉ cần đa số quá bán (hơn 50% phiếu thuận). Một cách khác là thu hút phiếu bầu của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và biến dự luật mới thành một nỗ lực lưỡng đảng.
Dù Tổng thống Biden và Đảng Dân chủ chọn hướng đi nào thì hàng chục cuộc phỏng vấn của Reuters với các vận động hành lang, giới lập pháp, quan chức chính phủ và giám đốc doanh nghiệp cho thấy ông Biden phải giải đáp khá nhiều câu hỏi lớn trước khi bắt tay vào soạn thảo dự luật.
Cơ sở hạ tầng gồm những gì?
Ông Biden và Đảng Dân chủ mong muốn có thể mở rộng định nghĩa về cơ sở hạ tầng để bao gồm các hạng mục có thể giải quyết vấn nạn biến đổi khí hậu chứ không chỉ xoay quanh các công trình giao thông.
Theo đó, Đảng Dân chủ muốn đầu tư vào các trạm sạc xe điện, xe buýt không phát thải và sản xuất điện không carbon vào năm 2035; đồng thời cấp ngân sách cho các khu dân cư và nhà thầu thiểu số nhằm thực hiện lời cam kết cải thiện bình đẳng chủng tộc.
Đảng Dân chủ còn muốn đầu tư hàng tỷ USD vào xây dựng và tân trang nhà ở có mức giá phù hợp cho người dân cũng như mở rộng băng thông truy cập Internet, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Reuters nhận thấy kế hoạch trên dường như tương tự với đề xuất "Build Back Better" (Xây lại tốt hơn) dự kiến kéo dài 10 năm và trị giá 2.000 tỷ USD mà ông Biden từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Hôm 12/3, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà đã chỉ đạo các nhà lập pháp Đảng Dân chủ bắt đầu làm việc cùng Đảng Cộng hòa xây dựng một "gói đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, táo bạo và mang tính cách mạng".
Đảng Cộng hòa và các tổ chức thương mại có ảnh hưởng như Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ủng hộ gói đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, song họ có thể phản đối việc đưa các chính sách chống biến đổi khí hậu hoặc bình đẳng chủng tộc vào dự luật mới.
Hạ nghị sĩ Peter DeFazio, Chủ tịch Ủy ban Cơ sở Hạ tầng và Vận Tải Hạ viện, cho biết cơ quan của ông được giao soạn thảo một phần dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng và dự kiến hoàn thành công việc trước cuối tháng 5.
Tiền đâu để tài trợ cho dự luật mới?
Năm ngoái, Hạ viện đã thông qua một dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.500 tỷ USD nhưng Thượng viện không chấp thuận. Dự luật cũ có thể là nền tảng cho kế hoạch mới của ông Biden. Theo Reuters, 1/3 ngân sách của dự luật cũ được lấy từ thuế nhiên liệu và các khoản chuyển giao ngân sách.
Các nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Dân chủ đề nghị hủy bỏ đạo luật cắt giảm thuế mà cựu Tổng thống Trump ban hành năm 2017 hoặc áp thuế mới đối với giới siêu giàu để lấy nguồn kinh phí cho dự luật mới. Ý tưởng đánh thuế này chắc chắn sẽ bị hầu hết đảng viên Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ kịch liệt phản đối.
Một số nhà kinh tế và tổ chức thương mại khuyến nghị các nhà lập pháp nên bỏ qua việc tìm kinh phí mới cho toàn bộ dự luật, thay vào đó nên đi vay tiền vì lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục và dự báo tăng trưởng kinh tế khả quan.
Một số khác, bao gồm AmCham, đề xuất nên thành lập một ngân hàng cơ sở hạ tầng liên bang có thể cho các công ty tư nhân vay tiền với lãi suất thấp.
Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết chính quyền ông Biden đang lên kế hoạch một cuộc cải tổ thuế, chủ yếu đánh vào những người có thu nhập trên 400.000 USD/năm và nâng thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%. Song, việc tăng thuế với doanh nghiệp có thể ảnh hưởng lớn đến người lao động thu nhập thấp và trung bình.
Trong các cuộc phỏng vấn hồi tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đều không xác nhận liệu ông Biden có dự định tăng thuế để lấy ngân sách cho dự luật mới hay không.
Washington sẽ cải cách Quỹ Tín thác Xa lộ?
Quỹ Tín thác Xa lộ (Highway Trust Fund) được thành lập năm 1956 và đại diện chính phủ liên bang tài trợ cho hầu hết các công trình đường cao tốc và phương tiện công cộng. Song, kể từ năm 2008, quỹ này bị thiếu ngân sách nghiêm trọng, Trung tâm Chính sách Thuế cho hay.
Thuế liên bang đối với xăng và nhiên liệu diesel - nguồn thu chính của Quỹ Tín thác Xa lộ, đã đứng im ở mức 4,83 xu/lít xăng hoặc 6,4 xu/lít diesel kể từ năm 1993. Chính phủ Mỹ phải chuyển khoảng 140 tỷ USD từ ngân sách chung để duy trì hoạt động của quỹ này.
Kế hoạch chi tiêu hiện tại của Quỹ Tín thác Xa lộ sẽ hết hạn vào tháng 9 và dường như các chính trị gia không mặn mà mấy với việc tăng thuế nhiên liệu.
Một số nhà lập pháp Đảng Dân chủ muốn bãi bỏ loại thuế đang áp dụng đối với các tài xế và chuyển sang mô hình thuế tính theo quãng đường di chuyển, như vậy có thể khuyến khích người dân đi xe ô tô điện. Tuy nhiên, thu thuế theo phương án này rất khó khăn và đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có cả lo ngại về quyền riêng tư của người dân.