OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.500 tỷ đồng trong năm 2021
Ngân hàng TMCP Phương Đông (Ảnh: OCB).
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – Mã: OCB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, dự kiến được tổ chức vào ngày 28/4 tới đây với nhiều nội dung quan trọng về chiến lược kinh doanh trong giai đoạn mới.
Tại đại hội lần này, Hội đồng quản trị ngân hàng sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020; mục tiêu cổ tức đạt 20 – 25%.
Cùng với đó, ngân hàng dự kiến mức tăng trưởng tín dụng 25% (trong điều kiện NHNN phê duyệt kế hoạch đề xuất của ngân hàng), đưa tổng dư nợ thị trường 1 lên 113.000 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến đạt 183.500 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước và huy động vốn trên thị trường 1 đạt 136.700 tỷ đồng, tăng 26%.
Kế hoạch được đặt ra dựa trên những kết quả khả quan mà OCB đã đạt được trong năm 2020 với tổng tài sản tăng 29%, dư nợ tín dụng thị trường 1 tăng 24%, huy động thị trường 1 tăng 27% và lợi nhuận trước thuế tăng 37%, đều vượt chỉ tiêu kế hoạch năm.
Tính đến hết năm 2020, OCB đã vươn lên giữ vị trí số 2 về lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) và lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA), lọt Top 10 ngân hàng TMCP có lợi nhuận trước thuế cao nhất và Top 4 ngân hàng hiệu quả nhất Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn.
Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên gần 14.450 tỷ đồng
Bên cạnh mục tiêu về lợi nhuận, OCB cũng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng, tương đương tăng 32%.
Các phương án tăng vốn được đưa ra trình đại hội đồng cổ đông lần này gồm: chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành riêng lẻ.
Có thể nhận thấy, OCB là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức cao và đều đặn qua các năm, là cơ sở kỳ vọng cho các nhà đầu tư cổ phiếu của ngân hàng.
Bên cạnh đó, OCB sẽ bán ra khoảng 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP với mức giá 10.000 đồng/cp nhằm tạo động lực gắn kết lâu dài cho cán bộ nhân viên. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, tỷ lệ giải toả mỗi năm là 25%.
Ngoài ra, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, ngân hàng sẽ trình nới room sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 30%.
Trước đó, trong năm 2020, ngân hàng đã thực hiện thành công tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại Aozora Bank đến từ Nhật Bản và phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%. Hiện tại, Aozora Bank đang là cổ đông chiến lược nắm 15% vốn chủ sở hữu của ngân hàng.
Ngân hàng cũng sẽ trình đại hội thông qua một số vấn đề khác như mức chi thù lao cho thành viên HĐQT và Ban kiểm soát, sửa đổi điều lệ, lựa chọn công ty kiếm toán và uỷ quyền cho HĐQT một số vấn đề trong hoạt động của ngân hàng thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.