|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Obama chặn thương vụ Trung Quốc mua công ty Đức

19:57 | 02/12/2016
Chia sẻ
Với lý do an ninh quốc gia, đây là lần thứ hai Tổng thống Mỹ Barack Obama can thiệp vào một thương vụ công ty Trung Quốc mua lại tài sản ở Mỹ. 
Tổng thống Obama. Ảnh: Getty

Hôm nay, Tổng thống Obama sẽ gửi đề xuất đến Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ rằng thương vụ bán công ty Đức Aixtron chuyên sản xuất thiết bị bán dẫn cho công ty Grand Chip Investment của Trung Quốc cần phải dừng lại. Thương vụ này có giá 670 triệu euro, tương đương 714 triệu USD.

Đây là lần thứ hai Tổng thống Barack Obama ra tay ngăn chặn một thương vụ mua lại từ Trung Quốc. Vào năm 2012 ông can thiệp vào việc tập đoàn Ralls của Trung Quốc mua lại một tổ hợp điện gió ở gần căn cứ Hải quan ở bang Oregon. Trước đó nữa, vào năm 1990, tổng thống Mỹ George H.W. Bush cũng dừng vụ mua lại từ Trung Quốc đối với nhà máy sản xuất bộ phận máy bay MAMCO Manufacturing.

"Chúng tôi đang làm việc với các nhà chức trách có liên quan", người phát ngôn của công ty đang được đề nghị mua lại, Aixtron nói với Bloomberg. "Chúng tôi vẫn đang chờ quyết định cuối cùng".

Cổ phiếu của Aixtron giảm 5,8% trong phiên giao dịch tại Frankfurt hôm nay. Từ đầu năm đến nay cổ phiếu đã giảm 12%, đưa giá trị thị trường của công ty Đức này còn 407 triệu euro.

Sở dĩ Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ có tiếng nói trong thương vụ mua công ty Đức Aixtron vì công ty này có chi nhánh ở California và tuyển dụng 100 lao động ở Mỹ. Thị trường Mỹ đem lại 20% trong tổng doanh thu của công ty.

Công nghệ của Aixtron được dùng trong bóng đèn đi ốt, đen laze, pin năng lượng mặt trời và nhiều sản phẩm khác có thể được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự như liên lạc vệ tinh hay radar. Northrop Grumma, một nhà thầu quân sự lớn cũng là một trong các khách hàng muốn mua công ty.

Quyết định của chính quyền Obama đến vào thời điểm quan trọng cho quan hệ Mỹ-Trung. Tổng thống mới đắc cử DonalD Trump đã buộc tội Trung Quốc về các hoạt động thương mại không công bằng gây tổn hại cho công nhân Mỹ. Ông đã thề rằng sẽ xếp Trung Quốc vào dạng thao túng tiền tệ và rằng sẽ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đang đầu tư vào Mỹ nhiều hơn bao giờ hết. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ đạt kỷ lục 15,3 tỷ USD trong năm 2015, theo số liệu từ Tập đoàn Rhodium.

Trung Quốc tăng mua tài sản Mỹ

Những vụ đầu tư đáng chú ý của các công ty Trung Quốc thời gian gần đây gồm vụ WH Group mua lại công ty thực phẩm Smithfield Foods năm 2013, hay vụ Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc mua lại công ty Syngenta được Ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ thông qua hồi tháng 8.

Còn tập đoàn Dalian Wanda cũng đang mở rộng sức ảnh hưởng ở kinh đô điện ảnh Hollywood với thương vụ mua lại hãng Legendary Entertainment và nhà điều hành rạp chiếu lớn thứ hai nước Mỹ AMC Entertainment Holdings.

Động thái của các công ty Trung Quốc làm dấy lên lo ngại trong Quốc hội Mỹ. Các nhà làm luật đã thúc giục Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ xem xét tăng phạm vi giám sát của Ủy ban đầu tư.

Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer, một thành viên Đảng Dân chủ ở New York cũng viết thư cho Bộ trưởng tài chính Jacob Lew rằng ông rất lo ngại về số lượng mua lại từ Trung Quốc ngày càng gia tăng. Schumer hứa Quốc hội sẽ làm việc để nới rộng quyền hạn của Ủy ban đầu tư Mỹ.

Trong một báo cáo gửi lên Quốc hội Mỹ tháng trước, Ủy ban Giám sát kinh tế và an ninh Mỹ Trung cho biết Ủy ban đầu tư nước ngoài nên ưu tiên việc dừng các công ty quốc doanh Trung Quốc trong việc nắm giữ các công ty Mỹ. Ủy ban cho rằng Bắc Kinh dùng các công ty này như là "công cụ để theo đuổi các mục tiêu về xã hội, công nghiệp và ngoại giao".

Vân Vũ

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).