|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nutifoods bán sạch hơn 77% vốn một công ty cà phê thua lỗ triền miên

08:19 | 05/01/2023
Chia sẻ
Kể từ khi cổ phần hóa và có thêm sự góp mặt của Nutifoods, Cà phê Phước An kinh doanh thụt lùi, thậm chí thua lỗ triền miên từ năm này sang năm khác.

Ngày 28/12/2022, CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood đã công bố bán xong toàn bộ hơn 18,2 triệu cổ phiếu CPA, tương ứng 77,31% vốn của Cà phê Phước An. Phương thức thực hiện theo hình thức thỏa thuận.

Thống kê tại phiên 28/12 năm ngoái xuất hiện khối lượng hơn 18,2 triệu cổ phiếu CPA được thỏa thuận với giá trị hơn 232 tỷ đồng. Tức trung bình mỗi cổ phiếu CPA được chuyển nhượng có giá 12.700 đồng/cp, cao hơn 8,5% so với giá chốt phiên hôm đó là 11.700 đồng/cp.

Chiều ngược lại, Cà Phê Phước An công bố ba cá nhân vừa trở thành cổ đông lớn của công ty. Cụ thể, ngày 28/12/2022, bà Tôn Thị Bích Vân, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng và bà Nguyễn Trần Xuân Mai cùng mua thành công hơn 5,8 triệu cổ phiếu và nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 24,9%.

Cuối năm ngoái, tình hình nhân sự của Cà phê Phước An cũng có nhiều biến động khi ông Hoàng Minh Châu (sinh năm 1972) được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc điều hành công ty kể từ ngày 14/12/2022. Còn ông Nguyễn Hoàng Hiệp đã được miễn nhiệm chức Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kể từ ngày 16/12/2022.

Trước đó ngày 26/9/2022, HĐQT cũng đã miễn nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc của ông Lê Khánh Việt sau hơn 1,5 tháng giữ chức.

Cà phê Phước An được thành lập năm 1996 và đến tháng 8/2017 thì chính thức được cổ phần hóa với vốn điều lệ hơn 236 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay. Năm 2017, Nutifoods tham gia đầu tư với vai trò là nhà đầu tư chiến lược. 

Đến năm 2020, Nutifood tiếp tục rót thêm 100 tỷ đồng để mua 10 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ của Cà phê Phước An với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Sau giao dịch, Nutifood đã trở thành công ty mẹ chi phối 77,31% vốn của Cà phê Phước An. 20,19% vốn góp còn lại của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Sau cổ phần hóa và có sự góp mặt của Nutifood, tình hình kinh doanh của Cà phê Phước An cũng không khả quan hơn với doanh thu nhiều năm liền đi lùi. Đồng thời, do thường xuyên kinh doanh dưới giá vốn và gánh nặng các chi phí khiến doanh nghiệp lỗ triền miên. Lỗ lũy kế của Cà phê Phước An tính đến cuối tháng 9/2022 gần 153 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu còn 83 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Cà phê Phước An sau cổ phần hóa năm 2017. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán).

Minh Hằng