Năm 2023, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu đi ngang, lợi nhuận giảm gần 15%
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2022, nền kinh tế thế giới biến động phức tạp, ngành dệt may đối mặt với nhiều thách thức về nhu cầu tiêu thụ, đơn hàng giảm đột ngột bắt đầu từ quý III/2022.
Tuy nhiên, Vinatex vẫn đạt các chỉ tiêu với doanh thu hợp nhất ước đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 15% cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2023 Vinatex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là 19.550 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% và lợi nhuận trước thuế 935 tỷ đồng, bằng 85,8% so với năm 2022.
Lãnh đạo Vinatex cho rằng với diễn biến thị trường đang không thuận lợi đã kéo dài từ cuối quý III/2022 tới nay, dự báo 2023 là năm kinh doanh đầy khó khăn với các ngành xuất khẩu, trong đó có dệt may.
Thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2022 khoảng 722 tỷ USD, bằng 90% năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng năm 2023 tùy thuộc vào các kịch bản tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Với Việt Nam, các thị trường xuất khẩu chính của dệt may đã có dấu hiệu suy giảm khá rõ rệt từ tháng 10 năm 2022. Tỷ lệ tăng trưởng ở thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ 2021. Thị trường EU và Nhật Bản vẫn giữ tỷ lệ tăng trưởng dương nhưng mức tăng trưởng đã thấp hơn hẳn so với các tháng trước đó.
Do đó, Vinatex xác định 4 nhóm giải pháp chung cho năm 2023 bao gồm hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói thông qua xác định sản phẩm chủ lực, từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín. Đầu tư cho tăng trưởng xanh, tăng cường đầu tư công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng hóa chất, giảm phát thải.
Sử dụng tối đa năng lượng tái tạo; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm tái chế, sử dụng nguồn nguyên liệu xanh, sạch. Chuyển đổi số ưu tiên chuyển đổi số cho hoạt động cốt lõi, trên cơ sở nguồn lực hợp lý...
Với ngành sợi, bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối trong chuỗi sản xuất dệt, may của tập đoàn để đẩy mạnh tiêu thụ sợi; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để đảm bảo dòng tiền; đảm bảo chất lượng sản phẩm cao và ổn định; bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.
Với ngành may, các doanh nghiệp trong tập đoàn tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để đảm bảo duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường và đồng thời luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất tốt nhất để đón những cơ hội khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.