|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nữ CEO Việt tại Thung lũng Silicon: Gọi vốn không phải là thành công mà chỉ là bước đệm giúp startup chinh phục ước mơ

10:47 | 15/08/2022
Chia sẻ
Nữ CEO Việt của startup học tiếng Anh ELSA có trụ sở tại Thung lũng Silicon mới đây đã có những chia sẻ về cách giúp doanh nghiệp này mở rộng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, tiến đánh nhiều thị trường quốc tế.

Mới đây, chương trình The Next Power được sản xuất bởi S-World và VnExpress đã đón chào sự xuất hiện của nữ CEO Văn Đinh Hồng Vũ (Văn Vũ), nhà đồng sáng lập và CEO ELSA, một ứng dụng học tiếng Anh có trụ sở tại Thung lũng Silicon, Mỹ.

Tháng 3/2021, startup này đã gọi vốn thành công 15 triệu USD từ vòng gọi vốn Series B, qua đó nâng tổng số vốn huy động được lên 27 triệu USD. Công ty nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư đến từ châu Á, với sự tham gia của VI (Vietnam Investments) Group là nhà đầu tư chiến lược ở vòng này, song hành cùng SIG.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư của ELSA từ vòng trước như Monk’s Hill Ventures, SOSV, và nhất là Gradient Ventures – quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào Trí Tuệ Nhân Tạo (A.I.) của Google – cũng tiếp tục rót vốn đầu tư trong vòng này.

Kể từ khi ra đời vào năm 2016, ELSA đã đạt được con số hơn 13 triệu người dùng tính đến tháng 3/2021, đồng thời đạt hơn 7 triệu lượt tải ở 40 quốc gia trên toàn thế giới.

Xuất hiện tại The Next Power, CEO Văn Vũ đã có những chia sẻ về những bước phát triển cũng như cách để startup do một người Việt đồng sáng lập tại Thung lũng Silicon, cái nôi của ngành công nghệ thế giới, có thể đạt được những kết quả như ngày hôm nay.

Đội ngũ startup ELSA. (Ảnh: ELSA).

Gọi vốn không phải là thành công với startup

Thực tế, trái với nhiều startup khác gặp khó khăn trong mùa dịch, vòng gọi vốn Series B của ELSA được thực hiện vào tháng 3/2021, trùng với thời điểm đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu.

Tuy nhiên, CEO Văn Vũ lại không coi đây là một sự thành công. “Gọi vốn không phải là một sự thành công. Trong khởi nghiệp, gọi vốn chỉ là tiền để để startup có thể đi tiếp trên hành trình chinh phục ước mơ của mình”, CEO ELSA cho biết.

Trong giai đoạn tháng 3/2021, nguồn vốn mới đã giúp cho ELSA thay đổi tương đối nhiều, từ các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo cũng như các mô hình kinh doanh mới, đồng thời cũng giúp ELSA có thể tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp.

“Trong mùa dịch, các doanh nghiệp nghĩ rằng những người thắng được là những người có kỹ năng giao tiếp tốt. Chính vì vậy, họ đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo tiếng Anh cho nhân viên, qua đó giúp chúng tôi có thêm nhu cầu mới từ các doanh nghiệp. Đây là một sự thay đổi lớn”, bà Văn Vũ cho biết.

Những bước đi hướng ra toàn cầu

Theo bà Văn Vũ, ngay từ những ngày đầu thành lập ELSA, dù bắt đầu thị trường ở Việt Nam nhưng tầm nhìn của công ty là đem tới sản phẩm cho khoảng 1 tỷ người dùng ở toàn cầu.

“Khi văn hóa của công ty là hướng tới toàn cầu thì lúc nào mọi người cũng sẽ trong trạng thái sẵn sàng. Mọi người trong công ty luôn có câu hỏi: “Năm nay ở thị trường Việt Nam hay tiến sang thị trường mới?”, bà Văn Vũ chia sẻ về nền tảng giúp ELSA phát triển ra toàn cầu ngay trong mùa dịch.

Bên cạnh đó, một chiến lược khác giúp ELSA có thể mở rộng sang nhiều thị trường chính là học được những cách làm tốt ở thị trường cũ. Cụ thể, CEO ELSA cho biết khi mở ra lần đầu tại Việt Nam, bà và đội ngũ startup phải học được các công thức giúp thành công tại thị trường này.

Kế đó, khi sang thị trường thứ hai là Nhật Bản, ELSA đã áp dụng công thức giúp thành công tại Việt Nam, nhưng có sửa đổi để phù hợp với thị trường Nhật Bản. Cứ như vậy, công thức này được áp dụng chung khi ELSA mở rộng sang những thị trường nước ngoài khác như Brazil, Bồ Đào Nha, Mỹ,…

“Mỗi bài học ở từng thị trường là điều đặc biệt quan trọng, nhất lả ở Việt Nam, nơi ELSA nhận được bài học đầu tiên. Mình tiến đánh vào từng thị trường thì sẽ hiểu được bài học đó bắt nguồn từ đâu, xem cái gì tốt để tiếp tục phát huy và cái nào chưa tốt để sửa đổi”, CEO ELSA cho biết.

Lùi một bước để tiến hai bước

Hiện nay, nhiều startup đang nỗ lực để phát triển và đi nhanh nhất có thể, nhưng điều này lại không đúng với ELSA. “Đi nhanh không có nghĩa là mặc kệ thị trường. Tuy nhiên, khi đi nhanh theo đúng quy trình của công ty, học được phản hồi từ khách hàng và sửa được một mục đích nào đó thì đó lại là một câu chuyện khác”, CEO ELSA nhấn mạnh.

Theo bà Văn Vũ, tại ELSA, đối với những người trong bộ phận làm sản phẩm, nếu không trả lời được câu hỏi “Vì sao mình làm chức năng này” mà chỉ trả lời rằng làm chức năng này vì thấy nó hay, thì các dự án đó sẽ không được duyệt. Thay vào đó, nếu muốn được duyệt, bộ phận làm sản phẩm cần phải trả lời được những câu hỏi như “Vì sao khách hàng cần tính năng này?”, “Có bao nhiêu người tính năng này?”,…

“Để đưa một chức năng mới ra thị trường, quá trình thu thập dữ liệu thông tin phải được bắt đầu từ ba tháng trước. Tất cả những dữ liệu thông tin được đưa ra phải được hỗ trợ bởi dữ liệu và những bài học cũ. Tại ELSA, cái này thường được gọi là tính tin cậy”, CEO ELSA nhấn mạnh.

“Trong vòng hai tuần sau đó, mọi người sẽ ngồi lại với nhau để đánh giá xem cái nào cần sửa đổi, khắc phục hoặc bỏ đi cũng như những điểm tốt cần phát huy. Mọi người rất sẵn sàng để chia sẻ với nhau. Những điều này sẽ tạo thành bài học kinh nghiệm. Bọn mình thường gọi đây là cách “lùi một bước để tiến hai bước”, CEO ELSA nói thêm.

Doanh Chính