|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nóng tại Petroland: Nhóm cổ đông yêu cầu ngừng ngay việc chuyển nhượng đất ngàn tỉ với giá 'bán như cho' Tập đoàn Đất Xanh, cổ đông lớn PVC thẳng thừng bác bỏ

07:43 | 29/06/2019
Chia sẻ
Theo nhóm cổ đông Petroland, nếu như có thể thu hồi khu đất 8,7 ha chuyển nhượng cho Đất Xanh chưa hoàn thành hợp đồng, đã có người đã chịu mua đến 3.000 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, Mã: PTL) vừa diễn ra sáng ngày 28/6.

Mở đầu cuộc họp, ông Bùi Minh Chính – Chủ tịch HĐQT Petroland thông báo, theo yêu cầu của cổ đông lớn Đinh Việt Thanh - Thành viên HĐQT Petroland, sở hữu 13,3 triệu cổ phần, tương đương 13,58% cổ phần Petroland, yêu cầu bổ sung thêm 2 thành viên vào ban kiểm phiếu.

Đồng thời, cổ đông này đưa ra 3 kiến nghị: Thứ nhất, thanh toán 70% thù lao cho hội đồng quản trị, 30% còn lại sẽ quyết toán sau. Thứ hai, kiến nghị của cổ đông Đinh Việt Thanh tăng vốn Petroland tăng vốn thêm ít nhất 500 tỷ đồng. Thứ ba, yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Petroland tại Công ty CP Dầu Khí Thăng Long cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG).

Dù nhận nhiều bức xúc của cổ đông, yêu cầu đưa phương án huỷ hợp đồng chuyển nhượng đất cho Tập đoàn Đất Xanh. Cả 3 kiến nghị của nhóm cổ đông Đinh Việt Thanh đều bị phía cổ đông lớn là Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), đơn vị sở hữu 36,42% cổ phần Petroland bác bỏ.

Cuộc họp nhanh chóng nóng lên ngay từ khi vừa bắt đầu. Chưa đến phần thảo luận nhưng một cổ đông Phạm Hữu Hiền - đại diện cho cổ đông lớn nắm hơn 5,2% vốn tại Petroland yêu cầu xem xét tư cách Chủ tịch HĐQT của ông Bùi Minh Chính khi để công ty hoạt động suy kiệt như hiện nay và tổ chức bầu lại HĐQT.

Cổ đông đòi thu hồi dự án Thăng Long

Về hợp đồng chuyển nhượng vốn công ty Thăng Long với Tập đoàn Đất Xanh, cổ đông Phạm Hữu Hiền cho biết bản thân ông là một chuyên gia thẩm định và khi đọc lại toàn bộ quy trình chuyển nhượng dự án này thì thấy rằng, việc chuyển nhượng dự án của HĐQT Petroland là sai hoàn toàn trong việc định giá và quy trình đấu giá cổ phần nhà nước theo nghị định 91/2015/NĐ-CP.

"Tôi chưa thấy bất cứ hoạt động chuyển nhượng nào mà đơn vị chuyển nhượng đứng ra bao luôn tiền sử dụng đất cho đối tác sau khi đã kí hợp đồng như trường hợp của Petroland", ông Hiền phát biểu.

Theo tính toán của ông Hiền, số tiền mà Petroland sẽ phải đóng tiền sử dụng đất cho dự án BĐS tại Q9 là 500 tỉ đồng. 

Ông Hiền nói: "Với thực trạng hiện nay của Petroland, tiền đâu để chúng ta nộp ngân sách? Vì vậy, cần phải giải quyết dứt điểm dự án còn không thì vấn đề này như số nợ treo trên đầu công ty".

 "Tôi cũng đã xem lại tất cả các dự án chuyển nhượng khác của Petroland. Dự án Khu đô thị dầu khí Nha Trang cũng tương tự. Thông tin hiện nay tôi có, chúng ta chuyển nhượng chỉ với 300 tỷ đồng, chỉ sau 3 tháng dự án này đang được bán với giá 1.800 tỷ đồng. Tôi mong muốn vấn đề này được làm cho rõ", cổ đông phản ánh.

Nói thêm về vấn đề nay, ông Đinh Việt Thanh nhấn mạnh rằng nội dung chấm dứt chuyển nhượng dự án Thăng Long với Tập đoàn Đất Xanh rất quan trọng. Ông này nói: "Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã có làm việc, đánh giá việc mua bán chuyển nhượng này nhiều tồn tại phức tạp gây thệt hại cho cổ đông, cho nhà nước. Theo điều lệ tổ chức và hoạt động của Petroland, thẩm quyền mua bán chuyển nhượng thuộc HĐQT. Tuy nhiên, hậu quả đó thuộc về HĐQT trước đây là những người từ Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), để tránh đi vào vết xe đổ trước đây, đề nghị đại hội đưa nội dung này vào chương trình nghị sự.

Nếu như việc này nếu không được đưa vào nội dung đại hội thì rất khó cho công tác điều hành tại Petroland. Đề nghị PVC thông qua chủ trương uỷ quyền cho HĐQT Petroland để thực hiện việc xử ý gấp hợp đồng này. Bởi việc này ảnh hưởng đến sự sống còn của Petroland".

65271317_446767369451406_8849771274365304832_n

Một cổ đông đầu tư vào cổ phiếu Petroland từ năm 2011 bức xúc tại đại hội

Trong khi đó, cổ đông tên Minh Khanh cho biết đã tham gia đầu tư vào Petroland từ 2011, từng sở hữu khoảng 5% cổ phần Petroland bức xúc nói: "Từ 2011 tới nay, tôi chỉ được hưởng 2% cổ tức, cổ tức bằng máu của mình".  

Ông Minh Khanh không đồng tình với quyết định trên của PVC và khi rằng tất cả lãnh đạo của Petroland hiện tại đều là lãnh đạo của tập đoàn PVC. Vị này nói tiếp: "Từ đó đến giờ họ đã cho thấy là những người không có tâm huyết. Công ty có rất nhiều đất đai giá trị nhưng giờ đã lỗ gần 300 tỷ, nếu phải xử lý hợp đồng với Đất Xanh phải mất thêm tầm 500 tỉ nữa thì chắc chắn công ty phá sản".

Toàn bộ dự án của Petroland xưa nay đều lỗ, đều bán với những cái giá rất hời. Liệu có lợi ích riêng của ai đó hay không?

Lấy ví dụ về miếng đất đã bán cho Đất Xanh, ông Minh Khanh nói tiếp: Dự án này bán 563 tỉ đồng, Petroland phải đóng tiền sử dụng đất khoảng 500 tỷ, như vậy có phải là miếng đất 8,7 ha tại Quận 9 chẳng phải có giá không đồng hay sao? PVC có biết đây là tiền của cổ đông mà còn là tiền của nhà nước hay không? Chẳng lẽ PVC bán đất nhà nước giá không đồng? Ai phải chịu trách nhiệm cho chuyện này?

"Nên tôi yêu cầu PVC hãy để những người mới có năng lực điều hành công ty. Để vực đậy công ty, tôi tha thiết cầu mong PVC lui về phía sau để đưa Petroland vực dậy chứ không phải dê cổ phiếu Petroland vô vọng như ngày nay là không thể chập nhận được. Và cũng để không thất thoái tài sản nhà nước.

"Về miếng đất bán cho Đất Xanh khoảng 570 tỉ đồng, nếu như thu hồi về miếng đất này có thể triển khai được thì đã có người đã chịu mua đến 3.000 tỷ đồng. Nếu nhà nước thoái vốn sẽ không phải 360 tỷ mà phải trên 800 tỷ đồng.

Tôi cầu mong những người cổ đông ở đây hãy ủng hộ những người có năng lực điều hành. Hãy đồng hành với nhau chống lại những người đang làm hại Petroland", cổ đông Minh Khanh nói.

"Các vị nhớ rằng, tiền của nhà nước do chúng tôi đóng góp và toàn dân đóng thuế, nhưng các anh dùng tiền này không đúng, những người lãnh đạo từ PVC thay mặt Petroland đưa ra những quyết định đưa tới bờ vực phá sản bất hợp lý.

Nên chúng tôi yêu cầu huỷ HĐ chuyển nhượng giữa Thăng Long và Đất Xanh. Tôi mong những người PVC hãy lắng nghe những thỉnh cầu của cổ đông và hãy nhìn nhận rằng, Petroland đang càng ngày càng suy kiệt và bên bờ vực phá sản. Tôi mong các anh phải nhìn nhận sai, và tìm cách giải quyết để PLX sống dậy" cổ đông này bức xúc nói.

Dù vậy, do phía cổ đông lớn PVC không đồng ý dẫn đến kiến nghị của nhóm cổ đông Đinh Việt Thanh về việc đưa nội dung huỷ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Đầu tư Dầu khí Thăng Long cho Tập đoàn Đất Xanh và các kiến nghị khác vào chương trình nghị sự không được thông qua.

Đại diện PVC thừa nhận bán cổ phần không qua đấu giá, không đồng ý huỷ hợp đồng với Đất Xanh

Các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng cổ phần Thăng Long, ông Nguyễn Long, Thành viên HĐQT Petroland, ban chủ toạ trả lời: "Nội dung đó thuộc thẩm quyền tại HĐQT và không thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Việc chuyển nhượng là đúng hay sai thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng".

Về phần mình, đại diện vốn nhà nước PVC tại Petroland cho rằng: "Chúng ta đều là cổ đông không nắm rõ tình hình và chúng ta không thể phản bác các hoạt động của HĐQT, thuộc về thẩm quyền về cơ quan pháp luật. Đó là lý do PVC không đồng ý thông qua việc huỷ hợp đồng mua bán đất cho Tập đoàn Đất Xanh", đại diện PVC nói.

Trả lời chất vấn của các cổ đông về việc PVC có biết hay không việc chuyển nhượng vốn tại KĐT Nha Trang và Thăng Long, đặc biệt là việc chuyển nhượng vốn không qua đấu giá là trái quy định?

Đại diện PVC và Chủ tịch Petroland, ông Bùi Minh Chính đều thừa nhận rằng PVC việc chuyển nhượng tại cả 2 dự án trên là thoả thuận và không thông qua đấu giá.

Đại điện vốn PVC cho rằng: "Vấn đề này liên quan đến pháp luật. Nếu pháp luật có ý kiến, ngay lập tức công ty sẽ tổ chức họp bất thường để xử lý ngay. Tôi đề nghị, nội dung này không thuộc thẩm quyền ĐHCĐ và không đưa vào chương trình nghị sự nhưng có thể đưa vào biên bản đại hội".

Các cổ đông liên tục đề cập việc chuyển nhượng cổ phần Công ty Thăng Long gây thất thoái số tiền rất lớn cho nhà nước. Cổ đông này nói tiếp: "Vì sao PVC lại không đồng ý thông qua việc huỷ hợp đồng với Đất Xanh, đây là tiền của nhà nước?"

Câu hỏi này không nhận thêm được câu trả lời nào từ phía chủ toạ đại hội Petroland và người đại diện vốn nhà nước PVC.

Cuộc họp kết thúc mà chưa giải quyết được vấn đề chính. Liên quan đến sự sinh tồn của Petroland.

Petroland đã tổ chức bầu cử bổ sung Thành viên HĐQT độc lập vào HĐQT là ông Nguyễn Quang Hưng, sinh năm 1971, đang là Uỷ viên HĐQT kiêm giám đốc CTCP xây lắp dầu khí Bình Sơn do phía Tổng công ty PVC đề cử.  

Với lượng thành viên lấn át, HĐQT từ phía PVC vẫn là người quyết định cuộc chơi tại Petroland.

Hoàng Trung