|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dưới thời ông Bùi Minh Chính, Petroland đã thua lỗ ra sao?

11:12 | 03/10/2019
Chia sẻ
Từ năm 2012 - 2018, ông Bùi Minh Chính với vai trò giám đốc Petroland đã kí hàng chục hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất của tòa nhà Petroland Tower với nhiều ưu đãi dẫn đến DN thua lỗ nhiều tỉ đồng. Petroland còn chuyển nhượng nhiều dự án "vàng" không qua đấu giá với giá khá "bèo".

Theo thông tin từ Bộ Công an, qua quá trình xác minh về những sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) theo kiến nghị Khởi tố của Cục An ninh kinh tế Bộ Công an, căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Petroland.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã ra các quyết định khởi tố bị can. Theo đó, sau khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, ngày 1/10/2019, Cơ quan An ninh điều tra đã tống đạt và thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với bị can Bùi Minh Chính - Giám đốc Petroland theo đúng qui định của pháp luật.

Theo Bộ Công an, kết quả điều tra bước đầu xác định, với tư cách là Giám đốc Công ty Petroland, Bùi Minh Chính đã kí hợp đồng, duyệt thanh toán nhiều hợp đồng môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn nhà đất và kí hợp đồng bán bất động sản của Petroland trái qui định của pháp luật, gây thiệt hại cho Petroland gần 100 tỉ đồng.

petroland1_oxon

Cơ ngơi của Petroland. (Ảnh: Thanh niên)

Ông Bùi Minh Chính tham gia vào Petroland ngay từ những ngày đầu thành lập. Đến tháng 5/2009, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và tháng 6/2017 kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch HĐQT. Đến tháng 8/2018, ông Chính đã thôi tham gia vào ban giám đốc Petroland. 

Kiểu kinh doanh kì lạ, biếu không hàng chục tỉ đồng cho khách hàng

Theo báo cáo gửi Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) của ông Nguyễn Long, Giám đốc Petroland đồng thời là người đại diện vốn của PVC về kết quả rà soát so sánh hiệu quả hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất có ưu đãi tại tòa nhà Petroland Tower, từ năm 2012 - 2018, ông Bùi Minh Chính, với vai trò Giám đốc Petroland, đã kí tổng cộng 17 hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất của tòa nhà Petroland Tower với nhiều ưu đãi dẫn đến Petroland thua lỗ nặng.

Cụ thể, ngày 8/11/2015, ông Bùi Minh Chính kí hợp đồng chuyển nhượng 822 m2 tài sản gắn liền với đất tại tầng 8 của tòa nhà Petroland Tower cho một khách hàng với giá 27 triệu đồng/m2, thời hạn hợp đồng đến hết tháng 12/2058, điều khoản ưu đãi là khách hàng chỉ phải trả phí dịch vụ 21.285 đồng/m2/tháng cho Petroland.

Trong khi đó, hiện Petroland phải bỏ ra 115.000 đồng/m2/tháng để trả phí dịch vụ cho 822 m2 của khách hàng này. Nghĩa là hằng tháng Petroland bù thêm 93.715 đồng/m2 để trả phí dịch vụ cho khách hàng.

Tính từ ngày kí hợp đồng đến ngày 30/6/2018, Petroland bỏ ra gần 2,4 tỉ đồng trả phí dịch vụ cho khách hàng này. Nếu thực hiện hết hợp đồng với ưu đãi trên, Petroland bị thiệt hại hơn 39,8 tỉ đồng, trong khi đó tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng hơn 24,8 tỉ đồng (822 m2 x 27 triệu đồng).

Tương tự, ngày 14/10/2015, ông Chính kí hợp đồng chuyển nhượng 800 m2 tài sản gắn liền với đất ở tầng 3 của tòa nhà cho hai khách hàng, thời hạn đến tháng 12/2058, cũng với ưu đãi chỉ trả phí dịch vụ 21.285 đồng/m2/tháng cho Petroland.

Nếu trả phí dịch vụ cho khách hàng ưu đãi này đến tháng 12.2058, Petroland sẽ phải bù thêm 38,8 tỉ đồng.

Báo cáo cũng cho thấy, Petroland từng bán tháo với giá rẻ mạt phần lớn diện tích các tầng trong tổng số 30 tầng của tòa nhà Petroland Tower để rồi sau đó phải đi thuê lại tầng 8 của tòa nhà làm văn phòng làm việc.

Không chỉ vậy, nhiều dự án kinh doanh thua lỗ kéo dài dẫn đến tài sản của nhà nước tại Petroland lần lượt "đội nón ra đi" từng ngày.

Trước tình hình trên, tháng 9/2018, ông Nguyễn Đình Thế, Tổng giám đốc PVC, chỉ đạo PVC đã thành lập Tổ công tác rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu Petroland tiếp tục rà soát, kiểm tra và thanh lý, chấm dứt hợp đồng với các hợp đồng gây thiệt hại cho kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đến tháng 10/2018, tại Văn phòng Petroland ở Q.7, đại diện Petroland đã bàn giao nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan cho Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) tiếp nhận điều tra làm rõ.

Nhiều dự án bán không qua đấu giá

Theo phản ánh của Thanh niên, chỉ khoảng 1 năm (2016 – 2017) Petroland đã chuyển nhượng nhiều dự án "vàng" không qua đấu giá với giá khá "bèo", có dấu hiệu gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Điển hình là phi vụ hợp tác đầu tư xây dựng chung cư Thăng Long ở Q9, TP HCM. Năm 2010, Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ hoàn tất thủ tục xin phép đầu tư dự án chung cư cao tầng, diện tích hơn 8,6 ha đất tại P.Phước Long B, Q9.

Tháng 8/2010, Petroland và Công ty Vũ Anh đã kí kết hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án trên (có diện tích 6,15 ha (đã đền bù) trong hơn 8,6 ha nói trên) và lấy tên là dự án chung cư Thăng Long.

Cụ thể, Petroland kí kết góp vốn đầu tư theo thỏa thuận khu đất 6,15 ha thuộc dự án nói trên của Công ty Vũ Anh trị giá 492 tỉ đồng (với điều kiện bao gồm chi phí đền bù đất, thuế chuyển mục đích sử dụng đất ở).

Sau đó, hai bên thành lập Công ty CP đầu tư dầu khí Thăng Long (gọi tắt Công ty Thăng Long), vốn điều lệ 500 tỉ đồng để thực hiện dự án; trong đó Petroland góp 399,5 tỉ đồng (tương ứng 39,95 triệu cổ phần, chiếm tỉ lệ 79,9%),

Công ty Vũ Anh đã góp 100 tỉ đồng (10 triệu cổ phần, chiếm tỉ lệ 20%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Ủy viên HĐQT độc lập của Petroland, việc Petroland góp vốn theo hình thức tự thỏa thuận khu đất 6,15 ha trị giá 492 tỉ đồng (tính ra với giá 8 triệu đồng/m2) là khá cao, thẩm định giá không khách quan.

Theo qui định, Petroland là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư phải thực hiện việc thẩm định (theo Pháp lệnh giá năm 2002) giá nhận chuyển nhượng QSD khu đất nói trên trước khi kí hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Vũ Anh, nhưng lại tự thỏa thuận với giá 8 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, năm 2018, qua rà soát, kiểm tra, PVC còn phát hiện người đại diện phần vốn của PVC tại Petroland, khi góp vốn vào Công ty Thăng Long không xin ý kiến chấp thuận của PVC để biểu quyết thông qua HĐQT Petroland; không tuân thủ phân cấp đầu tư.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi phi vụ hợp tác với Công ty Vũ Anh bị phá sản không như kế hoạch đề ra, năm 2016, Petroland vội vàng thoái vốn bằng cách chuyển nhượng cổ phần Công ty Thăng Long cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) với giá khá "rẻ", 2 cổ đông còn lại ủy quyền cho Petroland chuyển nhượng.

Ngoài ra, đầu năm 2018, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh đã hoàn tất việc mua lại 28,65 triệu cổ phiếu, tương đương 90,8% vốn CTCP Đầu tư Dầu khí Nha Trang (INT). PVC là cổ đông lớn sở hữu 36% vốn của Petroland.

Petroland đã ủy quyền cho PVC thực hiện việc thoái vốn khỏi INT Nha Trang và nhiều đối tác lớn muốn mua lại cổ phần. Tuy nhiên, PVC thực hiện bán thỏa thuận cho Đất Xanh với giá trị chuyển nhượng chỉ hơn 330 tỉ đồng.

Đến đầu năm 2019, Đất Xanh thông báo chuyển nhượng toàn bộ 28,65 triệu cổ phần INT Nha Trang sau 1 năm sở hữu với giá trị 1.800 tỉ đồng. Công ty CP Đầu tư LDG là đơn vị nhận chuyển nhượng số cổ phần này từ Tập đoàn Đất Xanh. 

Ông Bùi Minh Chính, sinh năm 1961, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Petroland, nguyên Giám đốc Công ty Petroland.

Năm 2007, Petroland được thành lập từ Ban Quản lý dự án công trình xây dựng phía nam của Tập đoàn dầu khí VN, với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trụ sở tại 12 Tân Trào, Phường Tân Phú, Q7, TP HCM.

Trong đó, PVC có 36,01% cổ phần, Tổng công ty dầu VN 9%, số cổ phần còn lại của nhà đầu tư. Cả hai cổ đông này đều là công ty nhà nước nắm quyền chi phối, gồm Tổng công ty dầu VN là đơn vị 100% vốn nhà nước, còn PVC có 54,45% vốn nhà nước.

Báo cáo tài chính quí II/2019 vừa công bố, Petroland (Mã: PTL) tiếp tục lỗ trong quí II.

Doanh thu trong kì chỉ đạt 9 tỉ đồng; cùng với 2,7 tỉ đồng đến từ lãi tiền gởi. Trong khi đó, khoản chi phí quản lý tăng 2 tỉ đồng lên mức 8,5 tỉ đồng khiến công ty ghi nhận lỗ 3,5 tỉ đồng trong quí II.

6 tháng đầu năm 2019, Petroland đạt 22 tỉ đồng doanh thu và 3,9 tỉ đồng lãi gộp cùng khoảng lợi nhuận tài chính 5,2 tỉ đồng.

Sau nhiều năm thua lỗ, chi phí quản lý của doanh nghiệp này vẫn cao và thậm chí tăng 13% lên 14,9 tỉ đồng. Theo đó, công ty lỗ ròng 5,5 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tiếp tục kéo dài mạch thua lỗ kể từ 2016 đến nay.

Thu Hà