|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều dự án của Petroland bán không qua đấu giá

06:59 | 22/08/2019
Chia sẻ
Petroland chuyển nhượng nhiều dự án 'vàng' không qua đấu giá với giá khá 'mềm', có dấu hiệu gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Chỉ trong khoảng 1 năm (2016 - 2017), Công ty CP đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) vội vàng chuyển nhượng nhiều dự án 'vàng' không qua đấu giá với giá khá “mềm”, có dấu hiệu gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng của nhà nước.

Đầu tháng 8, Báo Thanh Niên tiếp nhận đơn của các cổ đông Petroland (tọa lạc số 12 Tân Trào, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM) tố cáo một số lãnh đạo Petroland (giai đoạn từ 2008 - tháng 4.2018) điều hành đầu tư kinh doanh nhiều dự án bất động sản (BĐS) không đúng quy định về đầu tư vốn nhà nước, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

Qua tìm hiểu, PV Thanh Niên ghi nhận nhiều dự án chung cư, khu đô thị mới, sân golf, biệt thự sinh thái của Petroland góp vốn đều mua bán không qua đấu giá.

Thỏa thuận sang tay dự án “vàng”

Điển hình là phi vụ hợp tác đầu tư xây dựng chung cư Thăng Long ở Q.9, TP.HCM. Năm 2010, Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh (gọi tắt Công ty Vũ Anh) do bà Trương Thị Tuyết Nga làm giám đốc (năm 2013 bà Nga bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một vụ khác) hoàn tất thủ tục xin phép đầu tư dự án chung cư cao tầng, diện tích hơn 8,6 ha đất tại P.Phước Long B, Q.9. 

Tháng 8.2010, Petroland và Công ty Vũ Anh ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án trên (có diện tích 6,15 ha (đã đền bù) trong hơn 8,6 ha nói trên) và lấy tên là dự án chung cư Thăng Long.

Cụ thể, Petroland ký kết góp vốn đầu tư theo thỏa thuận khu đất 6,15 ha thuộc dự án nói trên của Công ty Vũ Anh trị giá 492 tỉ đồng (với điều kiện bao gồm chi phí đền bù đất, thuế chuyển mục đích sử dụng đất ở). 

Sau đó, hai bên thành lập Công ty CP đầu tư dầu khí Thăng Long (gọi tắt Công ty Thăng Long), vốn điều lệ 500 tỉ đồng để thực hiện dự án; trong đó Petroland góp 399,5 tỉ đồng (tương ứng 39,95 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 79,9%),

Nhiều dự án của Petroland bán không qua đấu giá - Ảnh 1.

Dự án chung cư Thăng Long nằm mặt tiền đường 60 mẢnh: Nguyên Bảo

Công ty Vũ Anh góp 100 tỉ đồng (10 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 20%) và 0,1% còn lại của bà Đ.T.M.L. Tiến độ góp vốn theo lộ trình gồm đợt 1: sau 3 ngày ký kết hợp tác, Petroland chuyển 145 tỉ đồng cho Công ty Vũ Anh; 

đợt 2: khi Công ty Vũ Anh bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì Petroland chuyển tiếp 200 tỉ đồng; 

đợt 3: sẽ chuyển số tiền còn lại cho Công ty Vũ Anh khi có quyết định giao đất của UBND TP.HCM cấp cho Công ty Thăng Long; đợt 4: Công ty Vũ Anh góp 20% bằng QSDĐ mà hai bên hợp tác đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Ủy viên HĐQT độc lập của Petroland, việc Petroland góp vốn theo hình thức tự thỏa thuận khu đất 6,15 ha trị giá 492 tỉ đồng (tính ra với giá 8 triệu đồng/m2) là khá cao, thẩm định giá không khách quan.

“Giữa năm 2012, sau khi kiểm tra tình hình thực hiện các dự án của Petroland, Tập đoàn dầu khí VN cũng nhận xét về giá trị đất dự án, Petroland trước khi tiến hành đàm phán với Công ty Vũ Anh về giá trị quyền sử dụng (QSD) lô đất 6,15 ha chỉ thực hiện việc thu thập thông tin về giá đất của các dự án lân cận, mà không thuê đơn vị tư vấn độc lập có chức năng, uy tín, kinh nghiệm để thẩm định giá. Do vậy việc hai bên đưa ra mức giá 8 triệu đồng/m2 để ký hợp đồng là thiếu chặt chẽ và chưa đảm bảo tính khách quan”. ông Hạnh dẫn chứng

Theo quy định, Petroland là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư phải thực hiện việc thẩm định (theo Pháp lệnh giá năm 2002) giá nhận chuyển nhượng QSD khu đất nói trên trước khi ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Vũ Anh, nhưng lại tự thỏa thuận với giá 8 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, năm 2018, qua rà soát, kiểm tra, Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) còn phát hiện người đại diện phần vốn của PVC tại Petroland, khi góp vốn vào Công ty Thăng Long không xin ý kiến chấp thuận của PVC để biểu quyết thông qua HĐQT Petroland; không tuân thủ phân cấp đầu tư.

Bán dự án “như cho không”

Chưa hết, sau khi phi vụ hợp tác với Công ty Vũ Anh bị phá sản không như kế hoạch đề ra, năm 2016, Petroland vội vàng thoái vốn bằng cách chuyển nhượng cổ phần Công ty Thăng Long cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) với giá khá “mềm”, 2 cổ đông còn lại ủy quyền cho Petroland chuyển nhượng.

Thực tế, do thời điểm này dự án chung cư Thăng Long chưa được UBND TP.HCM cấp quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ (vì chưa đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất...) nên không thể chuyển nhượng được vì vậy Petroland lách luật bằng việc chuyển nhượng cổ phần. Tháng 9.2016, HĐQT Petroland phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty CP thẩm định giá V.T thẩm định giá trị dự án chung cư Thăng Long là hơn 514 tỉ đồng (diện tích đất, chưa được xây dựng - PV).

Trên cơ sở này, Hội đồng thẩm định thoái phần vốn góp của Petroland tại Công ty Thăng Long đã thống nhất giá trị dự án chung cư Thăng Long là hơn 563 tỉ đồng để thực hiện công tác đàm phán chuyển nhượng cổ phần. Tháng 11.2016, Petroland chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần cho DXG với giá hơn 563 tỉ đồng trên cơ sở diện tích đất hơn 6,15 ha x 9 triệu đồng/m2 (tương ứng với giá trị 11.273 đồng/cổ phần).

Đây là thương vụ chuyển nhượng cổ phần bất thường bởi khi chuyển nhượng góp vốn tại doanh nghiệp (DN), thông thường các bên sẽ tiến hành thẩm định giá trị DN gồm tài sản cố định, tiền mặt, thương hiệu... 

Tuy nhiên, Petroland sử dụng cách thẩm định thỏa thuận giá trị QSDĐ để quy đổi ra giá trị DN, từ đó tính giá trị chuyển nhượng cổ phần. Nghiêm trọng hơn, Petroland không tổ chức đấu giá công khai chuyển nhượng cổ phần mà thỏa thuận trực tiếp bằng cách sử dụng kết quả thẩm định giá trị QSDĐ làm cơ sở đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho DXG là trái quy định pháp luật.

“Công ty Thăng Long có vốn nhà nước trên 10 tỉ đồng, chưa niêm yết trên sàn chứng khoán và chưa đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom nên khi chuyển nhượng cổ phần phải theo phương thức đấu giá công khai (theo Nghị định 91/2015), nhưng Petroland lại chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận. 

Thời điểm Petroland chuyển nhượng cổ phần cho DXG trên cơ sở định giá đất 9 triệu đồng/m2 là quá thấp so với thị trường lúc này đã là 15 - 29 triệu đồng/m2 (tùy theo dự án đầu tư).

Đơn cử, UBND TP.HCM vừa ra quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định chấp thuận dự án phát triển nhà ở tại P.Phước Long B, Q.9 vì Thanh tra TP.HCM xác định giá đất mà Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) chuyển nhượng cho đối tác với giá 10,5 triệu đồng/m2 (năm 2016) là thấp hơn giá đối tác này huy động vốn từ khách hàng 3 năm trước (gần 14 triệu đồng/m2 và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2).

 "Chưa tính dự án của Petroland nằm mặt tiền đường lớn Liên Phường, rộng 60 m; còn Sagri nằm trong đường nhánh nhỏ”, ông Đinh Việt Thanh, Ủy viên HĐQT kiêm Phó giám đốc Petroland, nhìn nhận.

Trao đổi với PV Thanh Niên về phi vụ chuyển nhượng này, ông Nguyễn Long, Giám đốc Petroland, xác nhận Petroland chuyển nhượng cổ phần Công ty Thăng Long cho DXG không thông qua đấu giá. Việc chuyển nhượng này chưa phù hợp với pháp luật nhưng lúc đó một phần do HĐQT quyết nên phải thực hiện. Tuy nhiên việc thực hiện này đúng hay sai cần phải xem xét, đánh giá lại mới có kết luận cuối cùng.

Kể cả việc Petroland ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với DXG cũng không đảm bảo hiệu quả kinh tế bởi Petroland thỏa thuận trong hợp đồng cam kết thực hiện nghĩa vụ đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án, trong khi đây là nghĩa vụ của Công ty Vũ Anh. 

“Thực tế ước tính số tiền phải nộp cho cơ quan nhà nước để chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm này lên đến hơn 500 tỉ đồng.

Nếu Petroland thực hiện thỏa thuận trên đồng nghĩa với việc Petroland “cho không” DXG dự án chung cư Thăng Long”, một cổ đông của Petroland bức xúc. 



Năm 2007, Petroland được thành lập từ Ban Quản lý dự án công trình xây dựng phía nam của Tập đoàn dầu khí VN, với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trụ sở tại 12 Tân Trào, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM. Trong đó, PVC có 36,01% cổ phần, Tổng công ty dầu VN 9%, số cổ phần còn lại của nhà đầu tư. Cả hai cổ đông này đều là công ty nhà nước nắm quyền chi phối, gồm Tổng công ty dầu VN là đơn vị 100% vốn nhà nước, còn PVC có 54,45% vốn nhà nước.

Đàm Huy