'Nông sản bán đổ đống thì sao cạnh tranh với hàng ngoại'
Mặc dù hàng nông sản Việt Nam gần đây có tốc độ tăng trưởng tốt, xuất khẩu tăng đáng kể, mặt hàng trái cây, rau củ quả đã bằng xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nhóm hàng này xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch là chính còn đi bằng con đường chính ngạch chỉ được một vài mặt hàng và chỉ vào được một số nước.
Người dân tham gia giải cứu dưa hấu tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa
Tỷ lệ rau củ quả trồng theo chuẩn VietGAP đạt chưa tới 30%, trong đó có những nhóm hàng chỉ đạt 5-7%. Phần lớn thực phẩm chưa thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc. TPHCM hiện nay chỉ mới thực hiện truy xuất được với thịt heo, thịt và trứng gà.
Đồ họa: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
"Nhiều mặt hàng còn đổ đống ra lề đường bán, chưa đóng gói chuẩn. Sản xuất xong người dân dùng rơm rạ bọc, rồi đựng trong thùng xốp, rổ rá thay vì đóng gói cẩn thận, gắn tem mác cho sản phẩm của mình. Chính điều này làm giảm đi giá trị hàng hóa Việt", ông Hòa nói.
Với cách làm này, người sản xuất - nuôi trồng ở Việt Nam sẽ dễ bị đào thải trong môi trường kinh doanh mậu dịch tự do như hiện nay. Khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam thì trước hết hàng Việt phải cạnh tranh thành công ngay trên sân nhà, phải chinh phục được người Việt và chuẩn hóa để vươn ra thị trường nước ngoài.
Đồ họa: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Trước đây hàng nông sản như rau, củ, quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều - đây được xem là thị trường dễ tính hơn thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu. Nhưng giờ Trung Quốc cũng đã nâng chuẩn lên, đòi hỏi hàng nhập vào phải đạt các chuẩn GlobalGAP hoặc chuẩn hữu cơ (organic), đặc biệt là phải truy xuất được nguồn gốc.
Để giữ được thị phần trong nước và mở rộng ra thị trường quốc tế, hàng nông sản Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu, hướng tới đạt chuẩn xuất khẩu để tận dụng cơ hội xuất khẩu mà hiệp định thương mại tự do mang lại.