Nông dân ĐBSCL sẽ phá bỏ hàng ngàn ha mía
Chiều 14-10, Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Vụ mía này nông dân các xã Hòa Mỹ, Hòa An, Hiệp Hưng, thị trấn Cây Dương… trồng khoảng 7.500ha mía, trong đó có khoảng 2.300ha chưa có đê bao an toàn. Do ảnh hưởng lũ từ đầu nguồn đổ về mạnh và triều cường lên cao nên những ngày qua hầu hết diện tích mía ngoài đê bao bị ngập lũ từ 20-30cm. Nếu ngập kéo dài thì nông dân sẽ bị thiệt hại lớn…”.
Trước tình hình mía bị ngập lũ, nhiều nông dân chạy đôn chạy đáo tìm thương lái để bán mía. Hiện thương lái thu mua mía nguyên liệu ở Hậu Giang chỉ 550-700 đồng/kg, trong khi chi phí giá thành là 715 đồng/kg, tính ra nông dân lỗ từ 10- 20 triệu đồng/ha.
Do hiệu quả của cây mía quá thấp và khó tiêu thụ nên nhiều nông dân ở Hậu Giang cho biết, sau vụ này sẽ phá bỏ ruộng mía để trồng cây khác.
Nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu GIang) thu hoạch mía bị ngập lũ, bán giá thấp |
Các ngành chức năng ở Hậu Giang cũng tính toán giảm từ 10.500ha mía hiện nay xuống còn khoảng 6.000ha trong các vụ tới. Theo đó, những vùng mía ngoài đê bao, vùng sản xuất kém hiệu quả… dự kiến sẽ khuyến khích người dân chuyển đất mía sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu…
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết đã báo cáo kế hoạch giảm đất mía với Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang, cùng các nhà máy đường trong tỉnh. Nếu tới đây các cơ quan chức năng chấp thuận thì ngành nông nghiệp tiến hành xây dựng kế hoạch chuyển đổi đất mía sang các loại cây khác phù hợp điều kiện sản xuất từng nơi.
Nhiều hộ trồng mía ở Hậu Giang vụ này chịu lỗ khoảng 10-20 triệu đồng/ha do giá thấp và khó tiêu thụ |
Thời gian qua, tại Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh… nhiều nông dân cũng đã phá bỏ hàng ngàn ha mía để trồng cây khác. Với tình hình cây mía tiếp tục ảm đạm như hiện nay thì tới đây nông dân sẽ tiếp tục bỏ cây mía, bởi càng trồng càng lỗ…