|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nỗi nhọc nhằn của chàng trai mở lớp vẽ cho người không chuyên

01:16 | 21/03/2018
Chia sẻ
Niềm đam mê hội họa thôi thúc chàng trai Nguyễn Lý Bằng quyết tâm khởi nghiệp với Mỹ Thuật Bụi - mô hình đào tạo, tư vấn mỹ thuật cho người không chuyên.
 

Từng là sinh viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nhưng vì đam mê hội họa, Nguyễn Lý Bằng quyết tâm thi lại và đỗ vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, anh đã làm gia sư và rất nhiều việc khác. Công việc gia sư giúp anh có cơ duyên gặp và đến với một nghề mà với nó, anh có thể tận tâm công hiến, dành hết đam mê của bản thân.

no i nho c nha n cu a chang trai mo lo p ve cho nguoi khong chuyen
Chân dung Nguyễn Lý Bằng - Người sáng lập Mỹ Thuật Bụi.

Lý Bằng kể, Lê Đại Dương là học trò đầu tiên của anh. Có chung niềm đam mê mỹ thuật, hai thầy trò nhận thấy ở Việt Nam còn thiếu những lớp học vẽ dành cho đối tượng không chuyên – những người yêu thích hội họa nhưng không theo con đường mỹ thuật, không thể dành nhiều thời gian vẽ. Đầu năm 2014, qua nhiều lần trao đổi, họ quyết định mở một lớp học vẽ cho cộng đồng. Cái tên “Mỹ Thuật Bụi” ra đời từ đó, xuất phát điểm như một câu lạc bộ vẽ sinh viên và từng bước khẳng định mình trên con đường giáo dục nghệ thuật.

Thời gian thực hiện ý tưởng lớp học vẽ của Bằng chỉ vỏn vẹn một tuần. Chưa nhiều vốn, kinh nghiệm, anh hợp tác thuê địa điểm chung cùng một cửa hàng thời trang trên phố Đường Láng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ban ngày, cơ sở này kinh doanh quần áo. Buổi tối, Bằng thu dọn cửa hàng để mở lớp vẽ. Lớp học đầu tiên của anh diễn ra với 24 học viên.

Giai đoạn đầu khởi nghiệp, Bằng gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Mỹ Thuật Bụi là mô hình dạy vẽ cho đối tượng không chuyên đầu tiên. Bởi vậy, anh không thể học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. “Sử dụng kiến thức hội họa chuyên nghiệp để truyền đạt cho học viên không chuyên là một áp lực rất lớn đối với thầy và trò. Sau mỗi khóa học, tôi thường cải tiến, thay đổi, khảo sát, phân tích, đánh giá để đưa ra giáo trình ổn định, phù hợp nhất”, anh Bằng nói.

no i nho c nha n cu a chang trai mo lo p ve cho nguoi khong chuyen
Nguyễn Lý Bằng cùng học viên của Mỹ Thuật Bụi.

Tài chính thực sự là thử thách lớn với một chàng trai học nghệ thuật. Bằng không am hiểu nhiều về quản lý tài chính. Thậm chí, ban đầu, anh không hạch toán được tiền đầu tư, doanh thu, lợi nhuận giúp đưa ra kế hoạch phát triển dài hơi. Vấn đề luôn nảy sinh giữa mảng chuyên môn và kinh doanh của Bụi. Đây cũng là vấn đề khiến Bằng luôn trăn trở mỗi khi mở thêm khóa học mới, phát triển mô hình mới. Anh muốn giữ vững chất nghệ thuật của Bụi, dạy những khóa học chất lượng. Đồng thời, anh phải cân bằng tài chính, cơ sở vật chất, tiền lương nhân viên.

"Nhiều lần, tất cả tiền lương của anh em nhân sự còn không đủ ăn nồi lẩu trên Đường Láng. Có lẽ nguồn động lực lớn nhất giúp Bụi trải qua khó khăn đến từ cộng đồng, học viên Mỹ Thuật Bụi”, Bằng tâm sự.

Giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai 2015 đã giúp Bằng giải quyết vấn đề vốn, kinh nghiệm. Tham gia cuộc thi, anh được nhiều chuyên gia chia sẻ, cố vấn mô hình kinh doanh, tài chính, marketing. Ngoài ra, khoản tiền thưởng từ cuộc thi là số vốn ban đầu, giúp anh mở một cơ sở lớp học vẽ mới tại đường Thái Hà, Hà Nội.

Khi bắt đầu kinh doanh, Bằng chưa biết sắp xếp lịch làm việc khiến công việc luôn dàn trải, không có thời gian cho gia đình. Bằng nhận thấy đây là vấn đề anh cần khắc phục nhanh chóng bởi không phải ai cũng sẽ thông cảm nên anh phải biết cách cân bằng cuộc sống của bản thân.

Bằng cho rằng, đối với anh, thử thách lớn nhất là chính mình. Anh cho biết xuất phát điểm của anh là một học sinh cá biệt hệ Bổ túc Văn hóa. Anh từng nghĩ cuộc sống thật vô nghĩa. Nhưng khi cơ hội tới, anh cố gắng từng bước từ những điều nhỏ nhất bởi mọi thứ với anh đều mới mẻ. Bằng học từ tin học văn phòng, cách trình bày ý tưởng tới phát triển sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, chuyên môn nghệ thuật.

“Khó khăn không chỉ tồn tại ở người sáng lập mà trong mỗi đồng nghiệp sát cánh cùng Bụi. Nhân viên Bụi đều là những người trẻ, có rất nhiều dự định, lựa chọn cho tương lai. Nhưng họ lại dành cả tuổi thanh xuân bên lớp dạy vẽ, luôn ăn tối sau 21 giờ và thật tủi thân khi so sánh mình với bạn bè. Bởi đam mê, họ tin rằng con đường họ đi sẽ dẫn tới thành công, giấc mơ cùng Bụi sẽ thành sự thật”, Bằng chia sẻ.

Mặc dù khởi nghiệp đầy trắc trở nhưng Bằng không bao giờ nghĩ tới thất bại. Anh không bao giờ tiếc nuối quá khứ và luôn tin vào tương lai – một tương lai mà anh đủ đam mê để cuốn mình vào nó. Với anh, cách xử lý thất bại lớn nhất là đi xuyên qua nó và rút ra những bài học bổ ích. Bằng nhấn mạnh: “Nếu không thể tránh khỏi thất bại thì phải vượt qua nó thật nhanh. Quan trọng là bạn có đủ quyết đoán, đam mê để tiếp tục đứng vững sau mỗi lần thất bại”.

Bùi Mến