|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nỗi lo lạm phát và bất ổn chính trị hỗ trợ vàng lên giá trong tuần qua

14:12 | 22/01/2022
Chia sẻ
Dù đi xuống trong phiên 21/1, giá vàng thế giới vẫn hướng tới tuần tăng thứ hai liên tiếp khi lạm phát và rủi ro địa chính trị làm gia tăng sức hấp dẫn của tài sản “trú ẩn an toàn” này.
Nỗi lo lạm phát và bất ổn chính trị hỗ trợ vàng lên giá trong tuần qua - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Dù đi xuống trong phiên 21/1, giá vàng thế giới vẫn hướng tới tuần tăng thứ hai liên tiếp khi lạm phát và rủi ro địa chính trị làm gia tăng sức hấp dẫn của tài sản “trú ẩn an toàn” này.

Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.831,60 USD/ounce vào lúc 1 giờ 43 phút (sáng 22/1 giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn lùi 0,6% xuống mức 1.831,80 USD/ounce.

Ông Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại công ty tư vấn tài chính ThinkMarkets cho biết, mặc dù giảm trong phiên ngày thứ Sáu, song giá vàng vẫn tăng khi tính chung cả tuần. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang tìm kiếm các kênh để chống lại tác động từ lạm phát leo thang, trong khi việc chấp nhận rủi ro quá mức trên thị trường chứng khoán và tiền điện tử đã kết thúc.

Trong khi đó, ông Jeff Wright, Giám đốc đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Wolfpack Capital, đánh giá mức giảm của ngày thứ Sáu đối với kim loại quý là do hoạt động bán ra chốt lời trên tất cả các loại tài sản. 

Theo chuyên gia này, các nhà đầu tư tổ chức đang cố gắng bảo vệ lợi nhuận bằng mọi cách trên mọi thị trường. Do đó, việc xoay vòng từ các cổ phiếu tăng trưởng cao sang kênh trú ẩn là vàng đã bị đình trệ trong phiên 21/1.

Ông Wright nói rằng vàng sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn, nhưng cũng sẽ chứng kiến sự biến động tăng lên ở mức độ tương tự.

Nhìn chung, thị trường vàng thế giới vẫn đi lên trong tuần qua dù chỉ có 1 phiên tăng và 3 phiên giảm.

Sau khi đóng cửa nghỉ lễ hôm 17/1, giá vàng kỳ hạn của Mỹ mở đầu tuần giao dịch mới trong phiên 18/1 với mức giảm 4,1 USD (0,23%) và đóng cửa ở mức 1.812,4 USD/ounce.

Sang phiên 19/1, giá vàng Mỹ lại đảo chiều và tăng tới 30,8 USD - tương đương 1,7% lên 1.843,2 USD/ounce, do đồng USD yếu đi khiến kim loại quý này rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác. 

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Nga và Ukraine cũng hỗ trợ cho kim loại quý này. Việc lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm từ mức đỉnh của hai năm cũng thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.

Đà tăng này không được duy trì sang phiên 20/1, khi giá vàng Mỹ giảm nhẹ 60 xu (0,1%) xuống 1.842,6 USD/ounce.

Với mức giảm của phiên 21/1, thị trường vàng vẫn tăng 0,8% trong tuần qua, khi các nhà đầu tư tìm đến các kênh “trú ẩn” để phòng vệ trước khả năng Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga liên quan đến căng thẳng với Ukraine.

Sang tuần tới, thị trường sẽ dồn sự tập trung vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 25-26/1. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ thắt chặt chính sách với tốc độ nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ một tháng trước để kiểm soát lạm phát.

Trong một báo cáo ngắn gửi tới khách hàng gần đây, nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered nhận định đà tăng của giá vàng có thể khó duy trì trước một đợt tăng lãi suất dự kiến. 

Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Fed, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng bạc xanh mạnh lên trong khi khiến sức hấp dẫn của các tài sản an toàn như vàng giảm đáng kể. 

Nhà phân tích của Standard Chartered dự báo giá vàng sẽ đạt mức trung bình 1.783 USD/ounce vào năm 2022.

Các kim loại quý như vàng đã thu hút nhiều nhà đầu tư có nhu cầu trú ẩn, giữa bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu bán tháo và lo lắng gia tăng về tình hình lạm phát cũng như động thái nâng lãi suất của Fed.

Bối cảnh không chắc chắn đó đã mang lại lợi ích cho vàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, triển vọng lãi suất cao hơn và lợi tức trái phiếu kho bạc củng cố đà tăng có thể sẽ tạo ra những “cơn gió ngược” cho kim loại quý này.

Chuyên gia Razaqzada của ThinkMarkets lập luận rằng phần lớn động lực giảm đó có thể đã được định vào giá vàng tương lai – vốn cho tới gần đây vẫn phải vật lộn để đạt được và duy trì mức quan trọng 1.800 USD/ounce.

Trong một báo cáo mới đây, nhà phân tích của ThinkMarkets viết rằng các thị trường đã đặt cược từ trước vào một cuộc họp theo hướng thắt chặt chính sách hơn của Fed, trong khi vàng đã có thể “phớt lờ” sự mạnh lên gần đây của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. 

Vì vậy, giá vàng hoàn toàn có khả năng “bứt phá” khỏi các phạm vi giá hiện tại. Tình hình có thể lạc quan hơn nữa nếu Fed gạt đi kịch bản tăng lãi suất thậm chí nhanh hơn

H. Thủy