|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nỗi lo dư cung đè nặng lên triển vọng giá dầu trong năm 2025

11:30 | 26/12/2024
Chia sẻ
Nhu cầu dầu toàn cầu yếu đi và nguồn cung dư thừa đang đè nặng lên triển vọng thị trường dầu mỏ, khiến một số ngân hàng lớn trên Phố Wall phải hạ dự báo giá dầu cho năm tới.

 

Theo khảo sát của The Wall Street Journal với các nhà phân tích, giá dầu Brent dự kiến trung bình ở mức 71,57 USD/thùng vào năm 2025, trong khi dầu WTI được dự đoán ở mức 67,44 USD/thùng. Trước đó, trong một khảo sát tháng 11, các dự báo tương ứng lần lượt là 74,44 USD và 69,67 USD/thùng.

Giá dầu Brent hiện được giao dịch quanh mức 73 USD/thùng, còn WTI ở mức khoảng 70 USD/thùng.

“Thị trường dầu mỏ đang đứng trước ngã rẽ,” ông Quasar Elizundia, chiến lược gia nghiên cứu tại Pepperstone, nhận định. “Đồng USD mạnh lên, sự không chắc chắn xung quanh nhu cầu toàn cầu, và các hạn chế cung ứng đang diễn ra do OPEC+ áp đặt tiếp tục ảnh hưởng đến nhà đầu tư.”

Khảo sát bao gồm các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley, dự báo giá dầu Brent và WTI sẽ đạt mức 73,11 USD và 69,1 USD/thùng trong quý đầu năm 2025. Tuy nhiên, các mức này được dự đoán giảm xuống 70,23 USD và 66,14 USD/thùng vào quý IV/2025, và trung bình ở mức 66,21 USD và 61,96 USD/thùng vào năm 2026.

Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu đã chậm lại đáng kể trong năm nay, chủ yếu do sự suy yếu tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo ING, Trung Quốc dự kiến chỉ chiếm khoảng 20% tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, giảm so với mức hơn 50% như dự đoán trước đây, do nền kinh tế gặp khó khăn, vấn đề bất động sản kéo dài và sự ảnh hưởng của xe điện đến tiêu thụ dầu.

Lo ngại về nhu cầu và giá dầu giảm đã khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh phải nhiều lần hoãn kế hoạch tăng sản lượng. Tuy nhiên, những động thái này vẫn chưa đủ để xoa dịu lo ngại về tình trạng dư cung. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường dự kiến sẽ dư thừa khoảng 950.000 thùng mỗi ngày vào năm 2025.

Các chuyên gia thị trường cho rằng giá dầu phần lớn sẽ phụ thuộc vào chính sách sản lượng tương lai của OPEC+, nhưng còn nhiều yếu tố khác có thể thay đổi tình hình, bao gồm các biện pháp thuế thương mại nghiêm ngặt hơn, siết chặt lệnh trừng phạt dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, cũng như bất ổn chính trị tại Trung Đông.

“Thị trường năng lượng bước vào năm 2025 với nhiều bất định hơn bất kỳ năm nào kể từ đại dịch,” các chuyên gia Ehsan Khoman và Soojin Kim từ Mitsubishi UFJ Financial Group nhận định. Các rủi ro địa chính trị có thể tiếp tục hỗ trợ giá dầu, nhưng những cú sốc giá liên quan đến các sự kiện này được dự báo ít xảy ra hơn, theo các chuyên gia hàng hóa.

JPMorgan nhận định rằng các chính sách của Mỹ có thể ảnh hưởng đến giá dầu – như gây áp lực lên Iran và Venezuela hoặc hạn chế xuất khẩu và doanh thu từ dầu của Nga – nhưng sẽ đóng vai trò thứ yếu so với mục tiêu chính của ông Trump là giữ giá năng lượng ở mức thấp.

“Thách thức thực sự nằm ở nguồn cung dư thừa,” các nhà phân tích tại JPMorgan nói. Ngân hàng này dự báo thị trường sẽ dư thừa 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2025 và 0,9 triệu thùng/ngày vào năm 2026. Sản lượng dầu mỏ từ các nước ngoài OPEC+ được kỳ vọng tăng thêm 1,8 triệu thùng/ngày vào năm tới, chủ yếu nhờ các dự án ngoài khơi quy mô lớn tại Brazil, Guyana, Senegal và Na Uy.

Trong khi đó, giá dầu dự kiến sẽ kết thúc năm 2024 trong một phạm vi tương đối hẹp. Mặc dù thị trường đã phải đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp trong 12 tháng qua, bao gồm nhu cầu yếu từ Trung Quốc, sản lượng tăng tại châu Mỹ, và rủi ro địa chính trị tại Trung Đông và Đông Âu, giá dầu vẫn duy trì sự ổn định.

Theo Deloitte, năm 2024 là một trong những năm ổn định nhất trong vòng 25 năm qua. “Giá dầu Brent dao động trong một phạm vi hẹp từ 74 USD đến 90 USD mỗi thùng, với thay đổi trung bình hàng tháng ở mức tối thiểu,” công ty kiểm toán này nhận định trong một báo cáo tháng 12.

Sự ổn định này phần nào nhờ vào việc không có các gián đoạn lớn về nguồn cung dầu, dù rủi ro tăng cao, và việc OPEC duy trì khoảng 5,4 triệu thùng/ngày năng lực sản xuất dự phòng.

Tuy nhiên, “sự yên ả bề ngoài của thị trường dầu mỏ che giấu sự phức tạp của các yếu tố kinh tế vĩ mô, có thể gây ra những biến động mạnh bất cứ lúc nào,” ông Quasar Elizundia chuyên gia phân tích đến từ Pepperstone cho biết. “Tâm điểm hiện đang nằm ở dữ liệu kinh tế vĩ mô và các quyết định sắp tới của OPEC+, những yếu tố sẽ định hình hướng đi của thị trường trong những tháng tới.”

H.Mĩ